BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ VIÊM QUANH KHỚP VAI BẰNG LASER HeNe VÀ ĐIỆN TỪ TRƯỜNG TẠI BVĐKTT TIỀN GIANG TỪ THÁNG 9/2001 ĐẾN THÁNG 9/2002

BS CKI NGUYỄN THỊ KIM XUYẾN

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Viêm quanh khớp vai là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả những trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương ở phần mềm quanh khớp, chủ yếu là gân, cơ, dây chằng và bao khớp.

Viêm quanh khớp vai (VQKV) tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng thường gây đau đớn dai dẵng, hạn chế vận động, ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt của người bệnh.

Điều trị VQKV thường bằng nội khoa, chủ yếu sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, các thuốc này thường có các tác dụng phụ như suy giảm sức đề kháng của cơ thể, loãng xương, viêm loét dạ dày … làm bệnh nhân không thể sử dụng dài ngày được hoặc thậm chí có bệnh nhân (BN) không thể sử dụng thuốc được. Do đó, tìm phương pháp điều trị đơn giản, hiệu quả, an toàn là một vấn đề cần đặt ra.

Trong những năm gần đây, ngành Y của nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm đến phương pháp điều trị không dùng thuốc, điều này làm cho một số chuyên ngành mới trong Y học phát triển nhanh. Laser – điện từ trường là những thiết bị y tế hiện đại đang được sử dụng rộng rãi như một phương pháp điều trị mới được dùng để thay thế hay kết hợp trong nhiều chuyên khoa khác nhau, đặc biệt hiệu quả với các rối loạn hệ thống và bệnh thoái hóa ; phương pháp trị liệu bằng Laser HeNe và Điện từ trường là một trong những phương pháp điều trị không dùng thuốc hiện đại.

Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và xuất phát từ nhu cầu điều trị của BN, từ thực tế ứng dụng Laser HeNe và Điện từ trường, Khoa PHCN – BVĐKTTTG đã tiến hành nghiên cứu điều trị VQKV bằng thiết bị đã được trang bị tại Khoa.

II. TỔNG QUAN:

Tác dụng của Laser – Điện từ trường:

- Cơ chế tác dụng của Laser – điện từ trường đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng sinh học đa dạng, trong đó quan trọng nhất là:

+ Kháng viêm, kể cả viêm đặc hiệu và không đặc hiệu.

+ Giảm phù nề sau chấn thương, viêm nhiễm.

+ Giảm đau theo cả cơ chế trung ương và ngoại vi.

+ Tăng độ đàn hồi và điều hòa tính thấm thành mạch, giãn mạch, kích thích sự tái tạo mạch sau phẫu thuật, tổn thương.

+ Giảm ngưng kết hồng cầu và kết dính tiểu cầu, giảm độ nhớt máu cùng với 3 tác dụng trên dẫn đến tăng vi tuần hoàn địa phương.

+ Kích thích miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu.

+ Tác động đến dòng thông tin liên và nội bào, qua đó tác dụng đến hô hấp tế bào, tăng tổng hợp ATP ở ty thể, điều hòa sinh tổng hợp các đại phân tử sinh học điều hòa sự phân bào dẫn tới tác dụng tăng cường khả năng tái tạo, điều hòa sự hình thành Collagene.

- Năm 1996, Viện Kỹ thuật Quân sự II đã trình bày đề tài "Ứng dụng Laser CO2, xung tần số cực thấp trong công tác ngoại khoa và điều trị" đã được Hội đồng nghiệm thu của Bộ Quốc phòng đánh giá tốt và đã đề nghị áp dụng, đưa các thiết bị nói trên vào danh mục trang bị y tế

- Năm 1998, Bệnh viện Y học Dân tộc Gia Lai đưa ra một số nhận xét kết quả điều trị bằng Laser – Điện từ trường, có hiệu quả trong việc điều trị một số bệnh mãn tính.

Cơ chế bệnh sinh của VQKV:

- Tổn thương hay gặp nhất của VQKV là tổn thương của gân các cơ xoay, bó dài gân cơ nhị đầu, bao thanh mạc dưới mõm cùng.

- Các gân ở chung quanh khớp vai có thể bị tổn thương do những nguyên nhân sau:

+ Giảm lưu lượng máu tới gân:

Vùng gân ít được cung cấp máu sinh lý là gần điểm bám tận do sự chật hẹp của khoang dưới mõm cùng và sự bám rất chặt của gân vào xương. Ngoài ra, còn có sự giảm tưới máu do quá trình thoái hóa theo tuổi hoặc do bệnh làm thay đổi cấu trúc và tính thẩm thấu của thành mạch … (tiểu đường, xơ vữa động mạch).

+ Chấn thương cơ sinh học:

Gân bị tổn thương có thể do các chấn thương cấp tính, mạnh … nhưng trong VQKV phần lớn các thương tổn là do các vi chấn thương, lặp đi lặp lại nhiều lần .

+ Thuốc và hormone:

Tiêm Corticoid vào gân, Corticoid ức chế các tế bào xơ.

Dùng Steroid tăng đồng hóa kéo dài thì sau giai đoạn đồng hóa, giai đoạn dị hóa sẽ xảy ra với giai đoạn hoại tử tế bào và tiêu hủy tổ chức xơ có thể gây đứt gân.

+ Hiện tượng lắng đọng canxi ở tổ chức gân quanh khớp vai:

Quá trình này phụ thuộc vào lưu lượng máu tới gân – canxi lắng đọng ở những tổ chức dinh dưỡng kém, những tổ chức hoại tử, do đó gọi là canxi hóa do loạn dưỡng.

Các thể bệnh của VQKV:

- Có 4 thể bệnh khác nhau của VQKV:

+ Thể đau vai đơn thuần.

+ Thể viêm gân do lắng đọng canxi.

+ Thể giả liệt.

+ Thể đông cứng khớp vai.

III. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:

Đánh giá kết quả điều trị VQKV bằng Laser HeNe – Điện từ trường nhằm phổ biến , áp dụng phương pháp điều trị mới tiện lợi, an toàn, hiệu quả, hiện đại hơn , góp phần cập nhật hóa những tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới vào thực tiễn địa phương.

IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Đối tượng:

Tất cả các BN vào Khoa PHCN điều trị với chẩn đoán thoái hóa khớp vai , đau quanh khớp vai hoặc VQKV đã điều trị thuốc không khỏi hoặc không thể sử dụng thuốc, từ tháng 9/2001 đến 9/2002.

+ Tiêu chuẩn chọn BN vào diện nghiên cứu:

· Đau vai ở các mức độ khác nhau.

· Hạn chế vận động khớp vai mức độ từ ít đến nhiều.

· Có teo cơ, co cứng cơ hoặc không.

· Xquang khớp vai:

- Bình thường hoặc có hình ảnh gai xương, hẹp khe khớp, loãng xương, đặc xương, lắng đọng canxi.

+ Tiêu chuẩn loại BN ra khỏi diện nghiên cứu:

· Lao tiến triển:

· Ung thư.

· Bệnh ưa chảy máu.

· Phụ nữ có thai.

· Viêm mủ khớp vai.

· Nhồi máu cơ tim.

· Trẻ <16 tuổi.

Phương pháp nghiên cứu: Tiền cứu – thử nghiệm lâm sàng không đối chứng .

V. THIẾT BỊ VÀ TIẾN TRÌNH NGHIÊN CỨU:

Thiết bị: \

  • · Máy Laser HeNe.
  • · Máy Điện từ trường.
  • Tiến trình nghiên cứu:

    + Thăm khám bệnh.

    + Xquang qui ước khớp vai.

    3) Kết quả đánh giá: Dựa vào:

    · Triệu chứng đau và tầm hoạt động khớp.

    · Xquang qui ước khớp vai trước và sau điều trị.

    Thực hiện:

    - Chiếu Laser HeNe vào vị trí đau 15 phút.

    - Đặt từ trường 15 – 20 phút.

    - Thời gian điều trị: 3 – 4 tuần/đợt điều trị.

    - Có thể thực hiện 2 đợt cách nhau 20 ngày.

    VI. Kết quả:

    Tổng số: 40 BN.

    Giới tính:

    GIỚI TÍNH SỐ BỆNH NHÂN TỶ LỆ (%)
    NAM 17 42,5
    NỮ 23 57,5
    TỔNG SỐ: 40 100

    BIỂU ĐỒ 1: Phân bố tỷ lệ Nam, Nữ.

    Tuổi:

    Độ tuổi Số bn Tỷ lệ (%)
    <30 01 2,5
    31 – 40 07 17,5
    41 – 50 12 30
    51 – 60 06 15
    >60 14 35
    TỔNG CỘNG: 40 100%

    BIỂU ĐỒ 2:

    · Nhận xét: Số BN có đô tuổi >60 chiếm cao nhất (35%), tiếp đến là độ tuổi 41 – 50 (30%), chỉ có 1 BN ở lứa tuổi 30 (2,5%).

    Thời gian mắc bệnh:

    THỜI GIAN MẮC BỆNH SỐ BN TỶ LỆ (%)
    <1 tháng 1 2,5
    1 – 3 tháng 10 25
    > 3 tháng 29 72,5
    TỔNG CỘNG: 40 100%

    BIỂU ĐỒ 3: Tỷ lệ thời gian mắc bệnh:

    l Nhận xét: Số BN có thời gian mắc bệnh >3 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất (72,5%), tiếp đến là số BN có thời gian mắc bệnh từ 1 – 3 tháng (25%) chỉ có 1 BN thời gian mắc bệnh <1 tháng (2,5%).

    Triệu chứng lâm sàng:

    TRIỆU CHỨNG SỐBN TỶ LỆ (%)
    Đau 40 100
    Hạn chế vận động 40 100
    Teo cơ 1 2,5%

    · Nhận xét: Tất cả các BN đều có triệu chứng đau (100%) và hạn chế vận động (100%) chỉ có 1 BN có kèm theo triệu chứng teo cơ (2,5%).

    Xquang qui ước khớp vai:

    TỔN THƯƠNG SỐ BN TỶ LỆ (%)
    Không tổn thương 36 90
    Có tổn thương:

    + Lắng đọng canxi

     

    04

     

    10

    TỔNG CỘNG: 40 100%

    BIỂU ĐỒ 5:

    · Nhận xét: Đa số Xquang qui ước không phát hiện tổn thương (90%), chỉ có 04 BN (10%) có phát hiện tổn thương trên xquang: có hình ảnh lắng đọng canxi ở gần mấu động lớn.

    Đánh giá kết quả sau điều trị:

    TRIỆU CHỨNG LS GIẢM ÍT TỶ LỆ (%) GIẢM NHIỀU TỶ LỆ (%) HẾT ĐAU/

    HẾT HẠN CHẾ VẬN ĐỘNG

    TỶ LỆ (%)
    Đau 1 2,5 10 25 29 72,5
    Hạn chế vận động 0 0 7 17,5 33 82,5

        BIỂU ĐỒ 6:

    · Nhận xét: Đa số BN khỏi đau (72,5%), hết hạn chế vận động (82,5%), không có BN nào không bớt.

    * Xquang quy ước sau điêu trị:

    XQUANG GIẢM ÍT TỶ LỆ (%) GIẢM NHIỀU TỶ LỆ (%) BIẾN MẤT TỶ LỆ (%)
    Hình ảnh lắng đọng canxi 0 0 0 0 4 100

    · Nhận xét: Hình ảnh tổn thương lắng đọng canxi biến mất sau điều trị.

    VII. BÀN LUẬN:

    Do số lượng BN còn hạn chế nên đây chỉ là kết quả bước đầu của nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị VQKV bằng Laser HeNe và Điện từ trường.

    - Kết quả nghiên cứu cho thấy:

    + Về giới: Nữ nhiều hơn nam.

    + Về tuổi: thường gặp nhất ở độ tuổi >60.

    + Về thời gian mắc bệnh: Đa số BN đau trên 3 tháng đã điều trị thuốc không khỏi.

    + Về đau và hạn chế vận động: 100% BN VQKV đều có 2 dấu hiệu này.

    + Về Xquang: Chỉ có 4 BN (10%) là có phát hiện tổn thương trên xquang (hình ảnh lắng đọng canxi).

    Các kết quả trên cũng phù hợp với một cơ chế bệnh sinh cũng như một số nghiên cứu của các tác giả trong nước như: Theo Đoàn Quang Huy – 1999 tại Hà Nội trong nghiên cứu tác dụng điều trị VQKV của cây Bạch Hoa Xà: hầu hết các BN bệnh VQKV có độ tuổi >50 (58,34%), chỉ có một số ít (2,08%) BN ở độ tuổi <30. Có thể, do ở lứa tuổi >50 sự thoái hóa ở chụp các cơ xoay xảy ra theo tuổi, các vi chấn thương xảy ra lặp đi lặp lại do sự cọ xát của mõm cùng – quạ khi vận động là yếu tố thuận lợi gây VQKV.

    Trong nghiên cứu của Đoàn Quang Huy, chụp Xquang cho 48 BN thấy có tới 79,17% không phát hiện thấy tổn thương, chỉ có 20,83% phát hiện có tổn thương và tất cả BN VQKV đều có dấu hiệu đau và hạn chế vận động – tỷ lệ nữ mắc bệnh cũng nhiều hơn nam.

    Kết quả sau điều trị 100% BN có giảm đau và giảm hạn chế vận động, với tỷ lệ khỏi đau hẳn là 72,5% và hết hạn chế vận động: 82,5%.

    Về kết quả Xquang sau điều trị các tổn thương lắng động canxi biến mất.

    Do vậy, hiệu quả cho thấy là rất tốt với điều trị.

    Tuy nhiên, do chưa có điều kiện theo dõi BN tái khám định kỳ nên chưa đánh giá được tỷ lệ và thời gian tái phát sau điều trị.

    VIII. KẾT LUẬN:

    Kết quả bước đầu cho thấy điều trị VQKV bằng Laser HeNe – Điện từ trường cho kết quả tốt.

    Đây là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, rẻ tiền, hiện đại.

    VQKV là một bệnh phổ biến tuy không nguy hiểm, nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của người bệnh, do vậy tìm được một phương pháp điều trị có hiệu quả là điều rất cần thiết, cần được tiếp tục nghiên cứu trên số lượng BN đông hơn, toàn diện hơn.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    · Lê Thị Hoài Anh (2001), "Đánh giá hiệu quả điều trị viêm quanh khớp vai bằng điện châm, xoa bóp, kết hợp vận động trị liệu", luận văn Thạc sĩ Y học, Hà Nội.

    · Trần Ngọc Ân (1999), "Viêm quanh khớp vai", "Bệnh thấp khớp", nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

    · Đoàn Quang Huy (1999), "Nghiên cứu tác dụng điều trị viêm quanh khớp vai của cây Bạch Hoa xà", luận án Thạc sĩ Y học, Hà Nội.

    · Vũ Thị Lan Hương (1995), "Nhận xét kết quả điều trị bằng Laser - Điện từ trường – Hồng ngoại, đại diện Bệnh viện Y học Dân tộc Gia Lai", tạp chí Y học thực hành số 352 – 1998, Bộ Y tế xuất bản.

    · Nguyễn Xuân Nghiên, Trần Văn Chương, Trần Trọng Hải, Cao Minh Châu, Phạm Quang Lung và cộng sự (1995) – Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, nhà xuất bản Y học, Hà Nội.