NHẬN XÉT VỀ HIỆU QUẢ  CỦA CAPTOPRIL NGẬM DƯỚI LƯỠI  TRONG TĂNG HUYẾT ÁP NẶNG

BS Nguyễn Thị Ngọc Thảo

I. ĐẶT VẤN ĐỀ – MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:
1/ Đặt vấn đề :

Bệnh tăng huyết áp (THA) là bệnh ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta trong những năm gần đây. Cơn “Tăng huyết áp” là cấp cứu nội khoa, đòi hỏi điều trị tích cực để giảm tỉ lệ tử vong.

Trong báo cáo lần VI của “LIÊN ỦY BAN QUỐC GIA VỀ DỰ PHÒNG, PHÁT HIỆN, ĐÁNH GIÁ VÀ  ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP” có vài nghiên cứu cho thấy hạ huyết áp cấp thời bằng Nifedipine ngậm dưới lưỡi gây nhiều tác dụng phụ và làm tăng biến chứng bệnh động mạch vành,nên đã khuyến cáo hạn chế sử dụng.nhưng hiện nay do sử dụng thuốc hạ áp cấp thời bằng đường tĩnh mạch ở nước ta chưa được dễ dàng,nên Nifedipine ngậm dưới  vẫn còn sử dụng trên lâm sàng. Vì vậy, việc tìm ra một thuốc mới đường ngậm dưới lưỡi thay thế Nifedipine ngậm dưới lưỡi trở thành cấp bách.

2/ Mục đích nghiên cứu:

- Đánh giá hiệu quả của captopril ngậm dưới lưỡi trong cơn tăng huyết áp nặng,khẩn trương để góp phần vào việc hạ huyết áp nặng, khẩn trương để thay thế Nifedipine ngậm dưới lưỡi trong thực tế lâm sàng.

- So sánh hiệu quả của captopril ngậm dưới lưỡi và Nifedipine ngậm dưới lưỡi, đáp ứng hạ áp,tác dụng phụ kèm theo.

- Kiểm chứng hiệu quả của thuốc ở bệnh nhân vào phòng khám và khoa Nội Tim Mạch, từ đó đưa vào phác đồ điều trị của khoa.

II. TỔNG QUAN: 
1/ Một số khái niệm về tăng huyết áp nặng: 

1.1-THA cấp cứu :

Các tình huống THA nặng thường có HA tâm trương ³130 mmHg và thường có tổn thương cơ quan : tim, thận, não, mắt … Đòi hỏi hạ áp ngay trong vòng 1 giờ, thường dùng thuốc qua đường tĩnh mạch.

1.2- THA nặng (khẩn trương) :

Theo JNC VI THA nặng khi HA >180/110 mmHg chưa có tổn thương cơ quan đích cần hạ áp vài giờ.

2/ Dược lý và dược động học của captopril ngậm dưới lưỡi :

Trong khi captopril uống bắt đầu có tác dụng sau 30 phút và đạt nồng độ tối đa sau 60 –120 phút.

Tschollar và cộng sự (1987) nhận thấy captopril ngậm dưới lưỡi có tác dụng nhanh hơn. Trong một số nghiên cứu gần đây (1990) captopril có thời gian hòa tan trung bình tương đương 2 phút khi cho ngậm dưới lưỡi, thời gian đạt nồng độ tối đa trong máu sau khi ngậm trung bình 45 phút.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: 
1/ Đối tượng:

- Chọn ngẫu nhiên 40 bệnh nhân vào phòng khám tim mạch và khoa tim mạch  tại BVĐKTT Tiền Giang với HA  ³ 180/100 mmhg,tuổi từ 40à70, không phân biệt giới tính,có hoặc không kèm các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh … trong thời gian 2 NĂM.

- Nhóm bệnh nhân số thứ tự lẻ được ngậm captopril và nhóm chẳn ngậm nifedipine (viên captopril được nhúng vào nước trước khi ngậm để tăng độ hòa tan).

- Tiêu chuẩn loại trừ : THA cấp cứu, THA kèm TBMMN.

2/ Phương pháp nghiên cứu:

- Tất cả bệnh nhân đuợc đo M, HA tâm thu, HA tâm trương và các triệu chứng kèm theo ngay khi đến khám ở tư thế nằm, trước và sau khi ngậm captopril hoặc nifedipine tại các thời điểm  5 phút, 10 phút, 15 phút, 30 phút, 45 phút và 60 phút.

- Lập bảng ghi nhận kết quả,so sánh captopril và nifedipine :

* Đáp ứng kém hoặc không đáp ứng khi HA hạ <5% trị số HA ban đầu.

* Đáp ứng trung bình khi HA hạ< 5 - 10% trị số HA ban đầu.

* Đáp ứng khá khi HA hạ< 10 - 20% trị số HA ban đầu.

* Đáp ứng tốt khi HA hạ< 20 -25% trị số HA ban đầu.

- Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả hạ áp thành công khi HA giảm ³ 10% trị số HA ban đầu trong vòng 60 phút, không có tác dụng phụ.

IV. kết quả:

        40 bệnh nhân vào phòng khám tim mạch và khoa tim mạch với tình trạng HA  ³ 180/110 mmhg có 1 số đặc điểm sau:

1/ Trị số HA,M vào thời điểm :

1.1-       Captopril ( 25mg ) ngậm dưới lưỡi  (n = 20)

  T0 T5’ T10’ T15’ T30’ T45’ T60’
HA Tâm thu 200 200 180 170 170 165 150
HA Tâm trương 120 120 110 100 100 100 90
Mạch 90 90 88 88 88 88 88

 1.2-       Nifedipine ngậm dưới lưỡi (n = 20)

  T0 T5’ T10’ T15’ T30’ T45’ T60’
HA Tâm thu 200 190 ±10 180 170 170 165 150
HA Tâm trương 120 110 ±10 110 100 100 100 90
Mạch 90 90 90 90 90 90 90 ±10
 2/ Các triệu chứng kèm theo sau ngậm :
Các triệu chứng

 

Captopril Nifedipine
Nhức đầu 0 2
Mạch nhanh 0 2
Khó thở 0 0
Đau ngực 0 0
Không triệu chứng 0 16
       
   

* Biểu đồ minh hoạ :

3/ Nhận xét:

3.1- Captopril :

- Trong 20 bệnh nhân ngậm captopril (25mg) : 17 cas có đáp ứng (85%),

3 cas không đáp ứng, chiếm tỉ lệ 15%.

- HA tâm thu và tâm trương bắt đầu giảm sau 10 phút, rõ rệt sau  30 à 60 phút.

- Mạch không thay đổi.

- Chưa ghi nhận sự than phiền về tác dụng phụ của thuốc.

- 15% không đáp ứng được chuyển sang captopril 2 viên ngậm dưới lưỡi hoặc Nifedipine ngậm dưới lưỡi.

3.2- Nifedipine :

Trong 20 bệnh nhân ngậm nifedipine :

- 4 cas (20%) HA tâm thu và tâm trương giảm trong 5 phút đầu.

- Đa số HA tâm thu và tâm trương giảm rõ rệt sau 30à 60 phút.

- 4 cas có mạch tăng sau 45à 60 phút, nóng bừng mặt, hồi hộp.

V. BÀN LUẬN:
1-   So sánh tác dụng captopril và nifedipine ngậm dưới lưỡi:

-            Bằng phương pháp so sánh trung bình với phương sai 5(p >0.05) về huyết áp tâm  thu và huyết áp tâm trương của 2 loại thuốc Captopril và Nifedipine cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

-            Riêng đối với mạch sau khi sử dụng thuốc cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê  với phương sai 2, p = 0.026 (< 0.05).

                    Nifedipine có 20%nóng bừng mặt, mạch nhanh.

                     Captopril không có tác dụng  phụ nào, điều này phù  hợp nguyên tắc điều trị cơn cao huyết áp nhất là trong tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

2-   So sánh kết quả viên captopril ngậm dưới lưỡi với các tác giả khác:

Theo Tschollar và Belz tỉ lệ hạ áp thành công sau 60 à 90 phút là 84%, phù hợp với kết quả nghiên cứu của khoa chúng tôi là 85 %.

Theo nghiên cứu của chúng tôi:

- Captopril bắt đầu tác dụng sau 10 phút và đạt mức tối đa sau 30à 60 phút => Như vậy captopril (25mg) ngậm dưới lưỡi có tác dụng hạ áp sớm và tác dụng này kéo dài hơn 1 giờ, thích hợp cho các tình huống cần điều trị khẩn cấp.

- Trong điều trị THA nặng, vấn đề lựa chọn thuốc, ngoài việc dựa vào tác dụng mong đợi (tác dụng nhanh, hạ áp có hiệu quả) người ta còn chú ý tới tác dụng ngoại ý của thuốc. Đối với captopril ngậm dưới lưỡi, ngoài tác dụng hạ áp như mong muốn, chúng tôi chưa ghi nhận sự than phiền về tác dụng phụ của thuốc.

VI. KẾT LUẬN :

          Qua 20 trường hợp áp dụng viên captopril 25mg ngậm dưới luỡi trong điều trị cơn THA cấp, chúng tôi thấy có tác dụng hạ áp tốt, khá nhanh và không có tai biến. Từ đó có thể sử dụng captopril viên ngậm dưới lưỡi như thuốc đầu tay điều trị cơn THA nặng. Tuy nhiên cần khảo sát thêm về tác dụng thuốc và liều sử dụng đối với những trường hợp không thành công.