Nghiên cứu khoa học

TRƯỜNG HỢP ĐIẾC ĐỘT NGỘT DO HYSTÉRIE ĐẦU TIÊN

TẠI KHOA TAI MŨI HỌNG BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ

Nguyễn Tư Thế *

Phan Văn Dưng **

    TÓM TẮT

    Một nữ sinh viên 20 tuổi vào viện vì nghe kém đột ngột không rõ nguyên nhân. Sau 15 ngày điều trị theo hướng rối loạn tuần hoàn và nhiễm virrus, không có kết quả. Đột ngột bệnh nhân bị ngất xỉu, một cảnh tượng tai nạn giao thông của một người bạn thân cách đó hơn một tháng hiện lại trong bệnh nhân, ngay sau đó bệnh nhân nghe trở lại bình thường và khỏi bệnh.

    Qua trường hợp này, chúng ta có thể nghĩ đến nghe kém đột ngột do hysterie, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ, có tiền sử bị stress trong cuộc sống.

     

    SUMMARY

    A female student, twenty years old, hospitalized because of sudden sensorineural hearing loss with no cause. After fifteen days treated following vascular trouble and virus agents, not result. After a sudden unconscious with a spectacle of communication accident, a month ago, of her cordial friend in her mind, the patient heard normally and discharged from the hospital

    With this case, sudden sensorineural hearing loss can cause by hysterie, specially in the young patient that had stress in life.

    * PGS.TS,CN Bộ môn TMH ĐH Y Huế, PCN Khoa TMH BV TW Huế

    ** ThS, GVC. Giao vu Bộ môn TMH ĐH Y Hue

     

    TRƯỜNG HỢP ĐIẾC ĐỘT NGỘT DO HYSTÉRIE ĐẦU TIÊN

    TẠI KHOA TAI MŨI HỌNG BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ

Nguyễn Tư Thế *

Phan Văn Dưng **

    I. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Điếc đột ngột là bị điếc xẩy ra nhanh chóng do tổn thương bộ phận tiếp nhận: tai trong, cầu tiểu não, ống tai trong, hệ thống thần kinh. Thường gặp ơ người không có tiền sử bệnh về tai. Điếc với mức độ nặng hoặc điếc sâu trên 60 dB, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ trỡ thành điếc vĩnh viễn, ít khả năng hồiphục[2][4]. Nguyên nhân có thể do rối loạn tuần hoàn, do nhiễm virus, có thể là một bệnh tự miễn, ngoài ra còn có thể do đái đường, tăng cholesterol máu nhiễm độc thuốc, dị ứng, nội tiết.... u dây thần kinh VIII, chấn thương âm thanh quá cao và quá mạnh, các chấn thương nặng ở tai và nội sọ... đều có thể gây ra điếc đột ngột[1][3][4].

    Ngày 19.02.2004 khoa TMH Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận một bệnh nhân bị điếc đột ngột và đã điều trị mò mẫm các nguyên nhân kể trên nhưng không có kết quả. Chỉ tới ngày 05-03.2004 bệnh nhân đột ngột ngất xỉu rôi nghe trở lại, khỏi bệnh. Lúc đó chúng tôi mới chẩn đoán ra bệnh nhân bị điếc do hysterie.

    Nhân trường hợp điếc đột ngột do hysterie đầu tiên này tại BV TW Huế mà y văn trong nước và thế giới chưa nói đến, chúng tôi muốn đưa ra giới thiệu và thảo luận thêm về loại bệnh này. Qua đó rút ra bài học kinh nghiệm trong chẩn đoán mà chúng tôi đã lúng túng trong suốt thời gian đầu điều trị.

    II. BỆNH ÁN MINH HOẠ NGHE KÉM ĐỘT NGỘT DO HYSTÉRIE

    Bệnh nhân: Hoàng Thái Tr., Nữ, Sinh ngày 27. 6. 1984.

    Quê quán: Thuỷ Dương, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huê.ú

    Sinh viên năm 1, Khoa kế toán doanh nghiệp, Đại học khoa học Huế.

    Vào viện 19.02.2004. Ngày ra viện 5.03.2004. Số bệnh án lưu trữ: 5961

    Lý do vào viện: Điếc đột ngột không rõ nguyên nhân

    Bệnh sử: Bốn ngày trước khi nhập viện bệnh nhân bị cảm cúm nhẹ với biểu hiện viêm long đường hô hấp trên (hắt hơi, ngạt mũi, chảy mũi, sốt nhẹ),

    ăn uống kém, có uống vài viêm thuốc cảm (tự mua không rõ thuốc gì) bệnh có đỡ nên vẫn đi học bình thường.

    Trưa ngày 19.2.2004 tuy hơi mệt, chán ăn nhưng vẫn cố gắng ăn cơm như mọi ngày, sau đó đi ngủ trưa. Bệnh nhân thức dậy lúc 14 giờ, bật tivi xem và vặn volum lên mức tối đa (số 100) nhưng vẫn không nghe gì. Bệnh nhân tưởng tivi nhà bị hỏng nên hỏi bà ngoại (72 tuổi) và cậu em ruột (15tuổi) có ai làm hỏng TV không thì được bà và cậu em trả lời " không" nhưng bệnh nhân không hiểu gì vì không thể nghe được. Người nhà nghi bệnh nhân bị điếc bất thường nên cho đi khám bác sĩ chuyên khoa và sau đó được gửi ngay vào khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Trung ương Huế, lúc 16 giờ cùng ngày, với chẩn đoán: Nghi điếc đột ngột sau cảm cúm.

    Khám lâm sàng khi mới vào: Nhiệt 37,2 độ, mạch 80 lần / phút, Huyết áp 110 / 80 mmHg, nhịp thở 20 lần / phút. Thể trạng chung hơi gầy, người nhỏ, cao 1,6m, nặng 40 kg. Da niêm mạc bình thường, không nôn mữa, không chóng mặt vẫn đi lại được...

    Khám TMH: Không có gì đặc biệt (màng nhĩ hai tai bóng sáng bình thường, niêm mạc mũi và họng cóï xung huyết nhẹ)

    Phim Schueller các thông bào xương chũm sáng thường.

    Thính lực đồ qua 2 lần đo ( khi vào và sau vài ngày) đều không đo được vì giảm tất cả các tần số. Nâng cường độ lên 120 dB bệnh nhân có cảm giác đau tai chứ hoàn toàn không nghe được ở tất cả các tần số. Vì máy hõng nên không làm được các nghiệm pháp trên ngưỡng nhưng khi khám phản xạ loa đạo mí mắt giản đơn (Một người bí mật đột ngột vỗ mạnh sau tai bệnh nhân, một người quan sát chớp mắt) thấy có nhấp nháy mắt, chứng tỏ có phản xạ loa đạo mí mắt.

    Khám các bộ phận nội ngoại khoa khác hoàn toàn bình thường.

    Tiền sử: Đẻ thường và lớn lên như mọi đứa trẻ khác, không có động kinh, học giỏi không có gì gia đình và nhà trường than phiền. Chúng tôi hỏi thêm về đời tư và các mối quan hệ xã hội khác nhưng hoàn toàn không có gì đặc biệt.

    Chẩn đoán tạm thời ở phòng điều trị: Điếc đột ngột chưa rõ nguyên nhân.

    Tuy chưa rõ nguyên nhân chúng tôi vẫn tạm điều trị theo kiểu rối loạn

    vân mạch, giảm co thắt động mạch tai trong với các thuốc: Nootropyl, Tanakan, Dung dịch Manitol 20% truyền tĩnh mạch, có dùng thêm Corticoid và Zovirax.

    Sau 15 ngày điều trị lâm sàng không cải thiện, bệnh nhân chỉ nghe hiểu được nhờ đọc môi (khi người nói che miệng, bệnh nhân không thể hiểu được, mặc dù nói rất to), ngoài ra tất cả mọi sinh hoạt, ăn ngủ hoàn toàn bình thường.

    Đột nhiên khoảng 9 giờ 05.03.2004 bệnh nhân đang đứng chơi với cô em (13 tuổi) ở cửa phòng thì có cảm giác run lạnh, bủn rủn tay chân, ngả quỵ xuống sàn nhà, ngất xỉu. Ngay lập tức được mẹ bế lên giường và mời bác sĩ cấp cứu.

    Khám toàn trạng không có gì đặc biệt, mạch 80 l/p, huyết áp 110/ 70 mmHg, da niêm mạc hồng hào, nhưng mi mắt hai bên liên tục nhấp nháy, đồng tử co đều 1,5 mm phản xạ ánh sáng tốt, không có động mắt. Không xử trí gì, cho nằm tại chổ nghỉ ngơi. Sau 5-10 phút đột nhiên bệnh nhân la toáng lên: "Mẹ ơi con bị xe tông, con bị tai nạn xe tông mẹ ơi". Người mẹ đang ngồi cạnh lo lắng hỏi:" Con ơi, con nói gì thế ? Nói lại cho mẹ biết?". Lặng đi vài giây, bệnh nhân hỏi lại: Mẹ gọi con phải không? Người mẹ vô cùng mừng rỡ liên tục hỏi và lúc này đứa con cũng liên tục trả lời chính xác những câu người mẹ hỏi. Bệnh nhân đã nghe trở lại bình thường sau lần ngất xỉu đó. Quá mừng, bệnh nhân dùng điện thoại di động của ông cậu vừa đến thăm gọi đi báo cho bạn bè biết.

    Chứng kiến sự kiện này, chúng tôi hỏi lại mẹ bệnh nhân vì sao cháu kêu lên "bị tai nạn xe tông" lúc ngất vừa tĩnh lại thì được kể rằng: "Cách đây khoảng một tháng cháu được một người bạn thông báo khẩn cấp, có một đứa bạn học thân của nhóm từ thời cấp 3 bị tai nanû giao thông trên đường Hàn Mặc Tử, phường Vĩ Dạ. Cả bọn kéo nhau xuống hiện trường thì nạn nhân đã chết được đắp chiếc chiếu, xung quanh thì máu me bê bết, đỏ lòm vương vãi, một cảnh tượng vừa thương tâm và rất ghê rợn. Sau đó bệnh nhân cũng nguôi dần, vẫn đi học bình thường cho đến ngày 19.02.2004 bị nghe kém đột đột phải vào viện và ngày 05.03.2004 bị ngất rồi tỉnh dậy hét lên bị tai nạn xe tông (vì thấy cảnh tượng máu chảy...) và bắt đầu nghe bình thường trở lại như đã kể ở trên.

    III. BÀN LUẬN

    Trong y văn[4][5][6][7], nguyên nhân điếc đột ngột thường được chú ý theo thứ tự :- Rối loạn tuần hoàn (Vascular): Co thắt, tắc, vở mạch tai trong, giảm oxy máu. Động mạch tai trong không có nhánh nối, khi tắc dễ thiếu máu.

    - Nhiễm virrus (Viral Agents): Chiếm 18-33%, virus quai bị được kể đến đầu tiên (Lindsay: 1960, Kimura: 1973), các virus sởi, cúm... định lượng kháng thể trong huyết thanh cao, vi rus có thể viêm thần kinh ốc tai...

    - Bệnh tự miễn (Autoimmune): Xét nghiệm huyết thanh miễn dịch....

    - Các nguyên nhân khác: Đái đường, tăng Cholesterol máu, nhiễm độc thuốc, dị ứng, nội tiết, sũng nước tai trong, u dây TK VIII ...

    - Chấn thương âm thanh quá cao và quá mạnh, chấn thương tai và nội sọ làm rách cửa sổ tròn, rò nước não tủy.Điếc đột ngột ở người trẻ thường do virus, ở người lớn thường do bệnh mạch máu.

    - Triệu chứng toàn thân của điếc đột ngột:

    Có thể không phát hiện gì đặc biệt hoặc có một số thuận lợi như:

    - Nhiễm virus đường hô hấp trên, ở trẻ em có thể mới mắc bệnh quai bị ...

    - Tiền sử bệnh tim, cao huyết áp, đái đường, phải gắng sức làm việc gì đó...

    - Đang ở trong tình trạng có vấn đề lo sợ, mệt mỏi, chấn thương tâm lý...

    Cần hỏi tiền sử ù tai, chóng mặt, viêm tai, mổ tai để loại trừ .

    - Triệu chứng cơ năng

    - Điếc đột ngột, xảy ra nhanh ở một bên tai (85%) hoặc cả hai tai (15%).

    - Ù tai (70%), có thể xảy ra vài giờ trước khi điếc.

    - Có thể có chóng mặt, buồn nôn và nôn (10%).

    - Triệu chứng thực thể

    - Soi tai thường thấy màng nhĩ bình thường.

    - Thính lực thường điếc tiếp nhận, mức độ nặng, sâu, nhĩ đồ bình thường.

    - Động mắt tự phát và động mắt tư thế có thể có hoặc không.

    - Chụp x quang thấy xương chũm và xương đá bình thường.

    - Điều trị: - Thuốc tăng cường chuyển hóa và oxy não như Nootropyl: Chuyền tĩnh mạch 10gr/ngày, pha trong 250ml Glucose 5%.

    - Nếu do virus: Có thể cho các thuốc như Zovirax, Acyclovir, Doxycilline..

    - Kháng viêm: Corticoide (TM): Solumedrol 40mg; Depersolone 60mg..

    - Các thuốc khác: Serc, Tanakan, Vastarel, Primperan, Divascol.

    - An thần: Séduxen, Diazepam, nghĩ ngơi thư giãn.

    Điếc đột ngột là một cấp cứu trong TMH, nếu được điều trị sớm trong 24 giờ đầu thì khả năng phục hồi cao. Tiên lượng xấu ở bệnh nhân cao huyết áp, đái đường, ở người già có bệnh tim mạch... rất khó hồi phục[1][2][3].

    Đánh giá: Sau 5 ngày điều trị đo lại thính lực đồ, đánh gía kết quả như sau:

    - Tốt: tăng 30 dB: có thể cho ra viện và hẹn tái khám

    - Cải thiện: tăng 10 - 20 dB: có thể điều trị thêm 5 - 10 ngày nữa

    - Không cải thiện: tăng < 10 dB hoặc giảm hơn: điều trị tối đa 15 ngày, nếu không có kết quả thì coi như tiên lượng xấu...[1][4].

    Trở lại bệnh nhân nghe kém đột ngột ở khoa TMH Bệnh viện Trung ương Huế, lúc đầu chúng tôi rất lúng túng trong chẩn đoán nguyên nhân, do không rõ nguyên nhân nên điều trị bao vây thăm dò nhưng sau 15 ngày không hiệu quả.

    Chúng tôi chưa đọc được một tài liệu nào nói đến điếc đột ngột do hysterie. Khi chẩn đoán khó, chúng tôi đã suy nghĩ và liên tưởng đến hysterie gây mù mắt, gây câm khẩu. Vì vậy, khi thăm khám chúng tôi có nghĩ đến hyssterie nhưng khai thác không ra vì mẹ đảm bảo không có gì tác động đến cháu. Chúng tôi dành nhiều thời gian để hỏi về quan hệ bạn bè, thầy cô ở trường, về yêu đương, học hành ở lớp, quan hệ với mọi người trong gia đình... nhưng mẹ cháu khẳng định hoàn toàn bình thường. Mãi đến khi bị ngất và kêu lên bị tai nạn giao thông thì mẹ cháu mới kể lại câu chuyện bạn thân bị chết do tai nạn cách đó hơn một tháng. Lúc này chúng tôi mới hiểu việc người bạn mất đã ám ảnh cháu, sau đợt cảm cúm nhẹ cháu mới lên cơn hysterie bằng nghe kém đột ngột. Đây là một tình huống bất ngờ, thú vị và rất hiếm gặp...

    IV. KẾT LUẬN

    Một nữ sinh viên 20 tuổi nghe kém đột ngột không rõ nguyên nhân, vào viện 15 ngày điều trị thăm dò về rối loạn vận mạch, viêm thần kinh do virus... nhưng không có kết quả.

    Sau lần bị ngất xỉu khi gần tĩnh bệnh nhân thấy lại cảnh tượng một tai nạn giao thông cách đó hơn một tháng của một người bạn thân xấu số đã làm cho bệnh nhân nghe trở lại và bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh.

    Qua trường hợp này chúng tôi muốn thông báo với mọi bác sĩ TMH: hãy nghĩ tới để loại trừ hysterie trước khi tìm những nguyên nhân khác khi bệnh nhân bị nghe kém đột ngột, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ. Nghe kém do hysterie chỉ điều trị ám thị chứ không dùng thuốc (đắt tiền, độc hại) như những nguyên nhân khác.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Chu Lan Anh, Nguyen Thanh Loi, Huynh Khac Cuong (2003). Gop phan nghien cuu dieu tri Oxy cao ạp...Hoi nghi TMH Can Tho 30-31/5/2003.

    Lương Sĩ Cần (1992), "Điếc đột ngột", Những vấn đề cấp cứu TMH, Hà Nội, 110-115.

    Phạm Khánh Hòa (2002), "Điếc đột ngột", Cấp cứu TMH, NXB y học Hà Nội,131-133.

    Võ Tấn (1975), ‘Điếc", Tai Mũi Họng thực hành tập 2, NXB y học, 190-213.

    Albert S., Bozec H. (2002), " Surdité brusque", ORL et chirurgie cervico-faciale, Ellipses, Paris, 46-49.

    Bruce W. Jafek, Bruce W. Murrow (2001), "Sensorineural hearing loss", ENT Secrets, Philadelphia, 2nd Edition, 30-38.

    Tran Ba Huy P. (1996),"Les surdités d’apprition brutale", O.R.L.,Ellipses, Paris, 254-256.

 

* PGS.TS,CN Bộ môn TMH ĐH Y Huế, PCN Khoa TMH BV TW Huế

** ThS, GVC. Giao vu Bộ môn TMH DHY Hue