"NGHIỆN"... THUỐC NHỎ MŨI.

BS. PHẠM THẰNG

Viện Tai Mũi Họng

Thời gian gần đây ngày càng có nhiều người dùng thuốc nhỏ mũi kéo dài, thường là các loại thuốc co mạch như Ephedrin, Phinol, Naphazolin, Oxymetazolin... trong khi tắc mũi, thời gian sử dụng thường từ nhiều tháng đến vài năm. Những thuốc này có tác dụng làm thông mũi, lúc đầu mũi thông được 6-10 tiếng, sau tác dụng của thuốc giảm dần, bệnh nhân có khuynh hướng tăng liều, hoặc thay bằng thuốc mạnh hơn. Những người này luôn có lọ thuốc trong túi. Theo giáo sư F. Logent tại trường đại học Y khoa Nante (CH Pháp) việc dùng thuốc co mạch kéo dài là một trong những nguyên nhân của cao huyết áp. Nỗi khổ của những bệnh nhân "nghiện" thuốc nhỏ mũi là họ thường xuyên tắc mũi đặc biệt là về đêm, nửa đêm phải thức giấc để nhỏ mũi. Tắc mũi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ngủ ngáy, giấc ngủ không sâu trong đêm, và sẽ gây mệt mỏi cho buổi sáng hôm sau.

Hỏi kỹ về bệnh sử của những người "nghiện" này được biết, họ bắt đầu nhỏ mũi sau những đợt cảm cúm thông thường. Sau 7 đến 10 ngày, triệu chứng cảm cúm qua đi, mũi còn ngạt nhẹ, một số bệnh nhân lại tiếp tục dùng thuốc nhỏ mũi, trong số này có người mũi sẽ thông sau đó không cần nhỏ mũi nữa, một số khác càng nhỏ mũi thì mũi thông nhưng được vài giờ mũi nghẹt trở lại và ngạt nhiều, họ phải nhỏ nhiều lần trong ngày, dần dần dẫn đến tình trạng quen thuốc làm người bệnh phải nhỏ thuốc nhiều lần hơn, lượng thuốc trong mỗi lần tăng lên, sau một thời gian phải đổi thuốc mạnh hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi dùng từ "nghiện".

Giải thích hiện tượng này theo cơ chế khoa học như thế nào?

Thuốc co mạch đã được người ta biết đến và sử dụng hàng nghìn năm nay. Theo tác giả Ceot từ 200 năm trước công nguyên người ta đã biết dùng nước ép lá cải dại để nhỏ mũi làm thông mũi. Sau đó người ta phát hiện ra nhiều hoạt chất có tác dụng thông mũi, nhưng phải đợi đến năm 1887 người ta mới chiết tách được Ephedrin là một trong những chất có tác dụng co mạch tốt, và được sử dụng như một loại thuốc co mạch chính để điều trị ngạt mũi. 54 năm sau (1931) Fox là người đầu tiên phát hiện và báo cáo về hiện tượng viêm mũi phù nề do dùng thuốc co mạch kéo dài.

Cơ chế gây bệnh của thuốc: Khi chúng ta bị ngạt mũi, nhỏ thuốc co mạch thuốc sẽ làm co các cơ thắt của các mao mạch, động mạch nhỏ, tĩnh mạch hang, làm đẩy máu đi nơi khác làm cho cuốn mũi dưới trong hốc mũi co lại, do vậy hốc mũi rộng ra người bệnh hết ngạt mũi. Khi dùng thuốc nhỏ mũi kéo dài (thuốc co mạch) và lặp lại nhiều lần thì lại dẫn đến hiện tượng giãn mạch thứ phát do sự mệt mỏi của co thắt mạch máu do tình trạng thiếu ôxy của niêm mạc mũi (bởi thuốc co mạch) nếu tiếp tục dùng thuốc co mạch, thì tình trạng giãn mạch sẽ trở nên thường xuyên hơn. Khi đó cuốn mũi sẽ phù nề, và mức độ ngạt mũi của bệnh nhân sẽ tăng lên.

Thường thì bệnh nhân tự bảo là mình có "polyp" mũi, vì soi gương lúc ngạt họ thấy trong hai hốc mũi của mình có một cục mầu hơi đỏ sẫm có kích thước gần bằng hạt lạc, đó chính là cuốn mũi dưới. Cuốn mũi này có chức năng bảo vệ mũi, nó góp phần giữ lại một số các chất bẩn có trong không khí, làm ẩm và ấm luồng khí chúng ta hít vào phổi, nếu nhiệt độ bên ngoài là 0 độ C thì khi đi qua hết mũi nhiệt độ lên tới 30 độ C, cuốn mũi này hoạt động giãn nở tùy theo độ điều tiết hệ thần kinh thực vật thông qua sự thay đổi của môi trường. Khi người bệnh dùng thuốc co mạch kéo dài, bắt cuốn mũi co lại một cách cưỡng bức thì cơ chế điều khiển thần kinh sẽ dần dần kém tác dụng, cuốn mũi hoạt động lệ thuộc vào thuốc, và dần dần sẽ trơ đối với thuốc. Khi khám những bệnh nhân này chúng tôi thấy cuốn mũi có những dạng khác nhau: ở một số bệnh nhân cuốn mũi nhợt màu, lồi lõm, nề sũng; trái lại ở một số bệnh nhân cuốn mũi màu đỏ sẫm. Thông thường bệnh nhân bị mất ngửi hoặc kém ngửi, đôi khi có đau đầu, nhưng nói chung mũi khô...

Làm thế nào để điều trị

Phương pháp tốt nhất để điều trị viêm mũi do dùng thuốc kéo dài là đề phòng nó. Theo chúng tôi vai trò của các nhân viên y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác cộng đồng đóng vai trò cơ bản, chính những nhân viên y tế này là người đầu tiên sẽ thông báo cho người bệnh nguy cơ của việc lạm dụng thuốc nhỏ mũi trong những đợt cảm cúm thông thường, hơn nữa chúng ta cũng cần tránh thói quen mỗi lần đi xa về hay có động tác nhỏ mũi mang tính chất vệ sinh như nhỏ mắt. Tại Mỹ theo tác giả P. Kimmelman cho biết hàng năm chi hết 5 tỉ USD cho thuốc nhỏ mũi (thuốc co mạch) cho dù trên một số thuốc đều ghi rõ: Không được dùng quá 3 ngày. Còn như giáo sư Fegent (Pháp) thì lại khuyên không nên dùng quá 7 ngày.

Khi bạn dùng thuốc nhỏ mũi quá thời hạn trên thì công việc điều trị lại thuộc chuyên khoa tai mũi họng. Việc điều trị tùy thuộc mũi của bạn có còn khả năng phục hồi nữa hay không, hãy đến sớm chuyên khoa Tai Mũi Họng, bạn sẽ có lời giải đáp.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa