DÙNG KHÁNG SINH Ở NGƯỜI CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

BS. PHÓ ĐỨC NHUẬN

(Viện BVBM TSS Hà Nội)

Kháng sinh là những thuốc có tác dụng diệt vi trùng hoặc kìm hãm vi trùng, không cho phát triển khi người bệnh bị nhiễm loại vi trùng đó. Nếu mầm bệnh là nấm thì thuốc còn được gọi là kháng sinh chống nấm (hoặc thuốc kháng nấm).

Cho đến nay, hầu như chưa có loại kháng sinh nào diệt được virus, vì thế các bệnh do virus gây ra như cúm, sởi, sốt xuất huyết, bại liệt, hay viêm gan virus các loại (A, B, C, D, E) đều không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên ở một số người bệnh bị nhiễm virus quá nặng, cơ thể suy yếu nhiều, các loại vi trùng nhân cơ hội đó có thể kết hợp gây bệnh thêm cho người bệnh, trong trường hợp đó thầy thuốc có thể dùng kháng sinh nhằm chống bội nhiễm hoặc ngăn ngừa bội nhiễm của vi trùng.

Các thuốc kháng sinh dù dùng theo đường nào (tiêm, uống, bôi ngoài da, bơm khí dung, đặt hậu môn hay đặt âm đạo) đều có thể vào máu người bệnh và nếu người bệnh có thai hoặc đang cho con bú thì tùy từng loại, các kháng sinh này có thể ít hoặc nhiều chuyển qua nhau để vào thai nhi hoặc qua sữa sang con khi cho con bú. Nhờ đó người ta có thể dùng kháng sinh để chữa bệnh cho cả mẹ và thai như đối với bệnh giang mai chẳng hạn. Tuy thế ngoài tác dụng diệt hoặc kìm khuẩn đối với các loại vi trùng gây bệnh, kháng sinh cũng diệt luôn các vi khuẩn lành (vì thế kháng sinh dùng không đúng có thể đưa đến tình trạng "loạn khuẩn") và cũng có thể gây hại đối với các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người như gây độc với gan, thận, thần kinh. Đặc biệt đối với thai nhi còn trong bụng mẹ, có thể liều kháng sinh chưa gây nguy hiểm cho mẹ nhưng đã gây tác hại cho thai. Cũng nên biết rằng trong một nhóm kháng sinh tuy có những đặc tính chung tương tự giống nhau nhưng mỗi loại thuốc cũng có mức độ diệt trùng hoặc độc hại nhiều ít khác nhau đối với cơ thể người dùng.

- Nhóm Bêta lactamin: Gồm rất nhiều loại thuốc khác nhau như Pênixilin, Ampixilin, Amôxilin... với vô số các tên biệt dược là các loại trên đơn độc hoặc được kết hợp với một hóa chất khác như Augmentin (gồm Amôxilin và muối của axit Clavulanic), Unasyn (gồm Ampixilin và Sulbactam). Các thuốc nhóm này có đặc tính chung là có thể gây dị ứng nặng cho người dùng, có thể đưa đến choáng phản vệ rất nguy kịch. Ngoài tai biến dị ứng, Pênixilin và các thuốc trong cùng nhóm với nó ít có nguy hại đối với mẹ và con nếu dùng với liều bình thường và không kéo dài. Trường hợp dùng liều cao, kéo dài và một vài loại biệt dược của nhóm này cần thận trọng đối với người suy thận và những bà mẹ đang mang thai hoặc đang cho con bú.

- Nhóm Aminôglycôsit: Gồm các loại Streptômyxin, Gentamyxin, Kanamyxin... là các thuốc đều có độc tính với thận và thần kinh thính giác (thần kinh số 8) nếu dùng liều cao hoặc dài ngày. Trong nhóm này Streptômyxin và Kanamyxin có độc tính cao hơn Gentamyxin. Người có thai được khuyên không nên dùng Streptômyxin, Kanamyxin vì có thể gây điếc bẩm sinh cho thai (khi trẻ bị điếc bẩm sinh, sau này cháu cũng sẽ bị câm).

- Nhóm Têtraxyclin: Có các loại thông dụng là Têtraxyclin, Đôxycyclin, Minôxyclin là thuốc có thể gây ngộ độc cho gan bà mẹ có thai. Đối với thai và trẻ còn bú, thuốc có thể gây giảm sản men răng, làm biến đổi màu men răng và rối loạn trưởng thành xương. Vì thế người có thai, đang cho con bú và trẻ em không nên dùng.

- Nhóm Cloramphênicol gồm các thuốc Cloramphênicol, Clorôxit, Thiamphênicol... Các thuốc nhóm này có thể gây tình trạng giảm bạch cầu, rối loạn tạo máu và nặng hơn nữa có thể dẫn đến suy tủy xương.

- Nhóm Quinôlôn thường gặp dưới các tên thuốc Ciprofloxacin, Kêtôcanazôl, Norflôxacin... với những biệt dược khác nhau. Trên súc vật thí nghiệm nhóm Quinôlôn cho thấy có tình trạng chậm trưởng thành khớp xương ở thai vì thế người ta khuyên không nên dùng cho bà mẹ có thai trong ba tháng đầu và ba tháng cuối mặc dầu trên cơ thể người tác hại đó chưa được chứng minh.

- Các kháng sinh chống lao: Có nhiều loại thuốc cổ điển và hiện đại đang sử dụng như Isôniazit (INH), Streptômyxin, Ethambutol, Rifampixin...; trong đó INH và Ethambutol có thể dùng điều trị cho các bà mẹ như khi họ chưa có thai. Streptômyxin không nên dùng (gây điếc cho thai). Rifampixin trên thực nghiệm có nguy cơ gây dị dạng cho thai loài vật, tuy không có bằng chứng ở người nhưng cũng được khuyên không nên dùng khi tuổi thai còn dưới 3 tháng và khi thai đã gần tháng đẻ (vì có thể gây xuất huyết sớm ở mẹ và sơ sinh).

- Các kháng sinh chống nấm: Cũng có rất nhiều loại thuốc và nhiều biệt dược khác nhau. Các loại thuốc này trên thực nghiệm ít nhiều đều ảnh hưởng đến bào thai vật thí nghiệm nhưng ở trên người thì chưa có kết luận chắc chắn. Ví dụ loại Flucônazôl có thể làm cho thai chậm phát triển ở loài vật khi dùng liều cao; Flucytôsin, Griseofulvin có tác dụng độc đối với phôi và thai và có thể gây dị dạng cho thai loài vật; Itracônazôl có thể gây bất thường về phát triển của thai chuột khi dùng liều cao; Ketôcônazôl có thể gây tật dính các ngón ở các loài chuột cống.

Hiện nay các loại kháng sinh mới mỗi ngày một nhiều, được lưu hành rộng rãi, thậm chí bán tự do không cần đơn thuốc. Vì thế khi muốn dùng loại kháng sinh nào, bà mẹ có thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc tìm hiểu, đọc kỹ các đơn thuốc kèm trong lọ thuốc, các hướng dẫn sử dụng trong các sách, báo để tránh được mọi tai biến đối với sức khỏe của bà mẹ và con trong lúc có thai và đang nuôi con bú.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa