NHỮNG ĐIỀU CẨN BIẾT VỀ THUỐC KHÁNG SINH

TS-DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

(Trường ĐHYD TPHCM)

Gần đây, 1 bệnh nhân nhỏ vào mắt chỉ vài giọt thuốc có chứa kháng sinh (KS) Choramphenicol đã bị dị ứng rất nặng và phải đưa vào bệnh viện cứu chữa. Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ môn Dị ứng Trường Đại học Y khoa Hà Nội, dị ứng với KS chiếm đến 80,3% trường hợp dị ứng. Còn theo thông báo của Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc đặt tại Hà Nội thì trong năm 1994 và đầu năm 1995 có 230 trường hợp tai biến do thuốc, trong đó 60 trường hợp là do sử dụng KS. Báo cáo ghi nhận ở các bệnh viện như Viện Nhi Thụy Điển, Viện Quân y 108, Bệnh viện Việt Xô... cho biết tai biến chủ yếu của KS là dị ứng và thường gặp ở các thuốc: Ampicillin, Pennicillin G, Bactrim, Gentamycin, Streptomycin, Erythromycine, Rifampicin, Claforan... Ngoài ra, còn có một số trường hợp rất nặng gây sốc phản vệ. Dùng KS thiếu thận trọng, không theo hoặc không có chỉ định của thầy thuốc có thể gây nhiều tác hại nguy hiểm. Muốn sử dụng KS đúng, chúng ta cần biết những điều cơ bản sau đây:

1. Kháng sinh (KS) là gì?

KS là thuốc có khả năng tiêu diệt hay ức chế sự phát triển của vi khuẩn (VK) hoặc vi nấm gây bệnh. KS có nhiều loại: loại chỉ làm ngưng sự tăng trưởng, nhân đôi và phát triển của VK gọi là KS hãm khuẩn (tỉnh khuẩn, kìm khuẩn), với KS loại này, VK bị tiêu diệt bằng sức đề kháng của chính cơ thể ta; loại làm cho VK chết hẳn gọi là KS diệt khuẩn. Vì thế, chỉ khi mắc bệnh nhiễm trùng - có sự xâm nhiễm của VK, vi nấm hoặc một số ký sinh trùng - mới cần dùng KS; có khi chỉ dùng KS hãm khuẩn nhưng có khi phải dùng KS diệt khuẩn nên việc dùng KS phải có sự lựa chọn thận trọng của bác sĩ điều trị.

Cần lưu ý là KS hoàn toàn không có tác dụng với hầu hết siêu vi - loại vi sinh vật cực nhỏ, nhỏ hơn VK nhiều lần, có thể gây một số bệnh như cúm, sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi...

Phân loại dựa trên tác động của KS đối với loại sinh vật gây bệnh, giới chuyên môn chia KS ra 3 loại: KS kháng khuẩn (trị vi khuẩn), KS kháng vi nấm (trị vi nấm) và KS kháng ung thư (trị một số bệnh ung thư). Khi nói đến KS người ta thường đề cập đến KS kháng khuẩn và KS kháng khuẩn thường được dùng hơn 2 loại KS kia.

2. Có bao nhiêu loại KS được dùng?

Từ loại KS đầu tiên là Penicillin được tìm ra năm 1929 và đưa vào sử dụng năm 1940 cho đến nay đã có hơn 4.000 KS dùng cho điều trị. Người ta dựa vào cấu trúc hóa học để phân KS thành các nhóm chính, trong nhóm chính lại có nhiều nhóm phụ. Khi nói đến một KS, các nhà chuyên môn nắm rõ thuộc nhóm nào, tính chất chung ra sao, có những ưu nhược điểm riêng gì. từ đó có sự lựa chọn thích hợp và tối ưu cho việc điều trị. Việc lựa chọn này tùy thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn, nơi cơ thể bị nhiễm khuẩn và đặc điểm người bệnh. chứ không phải thuốc điều trị tốt nhất là thuốc mới nhất và đắt tiền nhất.

3. KS trị bệnh như thế nào?

KS tác động lên VK bằng một trong những cách sau:

- Ngăn không cho VK tổng hợp lớp vỏ bảo vệ. Nếu không tổng hợp được lớp vỏ dày, chắc bao chung quanh, VK sẽ không chống đỡ được sự xâm phạm từ bên ngoài, chúng sẽ vỡ ra và chết.

- Làm rối loạn màng sinh học của VK - lớp thứ hai dưới lớp vỏ bảo vệ, nên VK không trao đổi chất với bên ngoài được và chết đi.

- Ngăn không cho VK tổng hợp chất đạm để nuôi sống nó.

- Ngăn không cho KS tạo vật liệu di truyền, không thể sinh sản và duy trì nòi giống được.

Ngăn VK tổng hợp lớp vỏ bảo vệ là cách tác động của KS diệt khuẩn; ngăn VK tổng hợp chất đạm, ngưng tăng trưởng và không sinh sản được là tác động của các KS hãm khuẩn. Trong điều trị, có khi bác sĩ chỉ dùng KS hãm khuẩn đã có kết quả tốt nhưng nhiễm khuẩn nặng, bác sĩ phải dùng KS diệt khuẩn thậm chí kết hợp nhiều KS để có tác dụng diệt khuẩn mạnh.

4. Thế nào là đề kháng KS?

5. Thế nào là sử dụng KS bừa bãi?

Hiện nay, tình trạng sử dụng KS bừa bãi đang rất phổ biến. Có người mới cảm sơ sơ đã vội uống vài viên Ampicillin rồi thôi. Dùng thuốc như thế là bừa bãi và có hại hơn là có lợi vì:

- Dùng KS tùy tiện không có chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.

- Dùng không đúng loại bệnh. Cảm là một triệu chứng, chưa hẳn là của một bệnh nhiễm khuẩn.

- Dùng không đúng liều và không đủ thời gian.

Ngoài ra, việc sử dụng KS bừa bãi thường mắc một số sai lầm sau:

- Chọn KS không hiệu quả: Không có tác dụng hoặc không ngấm được vào tổ chức nhiễm khuẩn (như khi nhiễm khuẩn đường tiểu phải dùng loại KS có tác dụng ở môi trường nước tiểu).

- Vẫn tiếp tục dùng khi KS đã có biểu lộ độc tính hoặc gây dị ứng.

- Phối hợp KS không đúng.

- Dùng thuốc không được bảo quản tốt, chất lượng giảm, hàm lượng điều trị không còn đủ.

- Dùng thuốc quá hạn gây hại cho cơ thể như Tetracyclin quá hạn rất độc đối với thận.

6. Dùng KS bừa bãi sẽ gặp những tai biến gì?

Tai biến do dùng KS có thể phân thành 3 loại:

- Tai biến do dị ứng: Trường hợp nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, khó thở. Trường hợp nặng sưng phù mặt mày, miệng và lột da như phỏng, cần đi cấp cứu gấp. Nặng nhất là sốc phản vệ, bệnh nhân trụy tim mạch, tụt huyết áp, tím tái, hôn mê; nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Sốc phản vệ thường gặp khi tiêm thuốc như tiêm Pennicillin, Streptomycin.

- Tai biến do nhiễm độc các cơ quan: Tai biến này phụ thuộc vào độc tính riêng biệt của từng KS. KS dùng càng kéo dài, liều càng cao thì nguy cơ nhiễm độc càng nặng. Những cơ quan nhiễm độc hay gặp là gan, thận (thường do Tetracyclin, Sulfamid), hệ máu (Cloramphenicol làm suy tủy), thần kinh (do các KS như Streptomycin, Kanamycin, Gentamycin. làm tổn thương dây thần kinh, gây điếc). Tetracyclin gây nhiễm độc xương, răng ở trẻ con; dùng dưới 9 tuổi sau này răng nhuộm màu vàng xỉn rất xấu. Nhiều KS gây độc cho thai nhi hoặc cho trẻ bú mẹ nên không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho bú (vì thế 2 đối tượng này nên dùng KS theo chỉ định của thầy thuốc).

- Tai biến làm loạn khuẩn đường ruột gây tiêu chảy: Xảy ra khi dùng KS dạng uống, dài ngày, có phổ biến kháng khuẩn rộng như Ampicillin, Tetracyclin, Cloramphenicol, Lincomycin, Oleandomycin. Ngoài việc diệt VK gây bệnh, các KS này diệt cả một số VK sống bình thường ở ruột (tạp khuẩn ruột) làm loạn khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy, mất nước trầm trọng và làm xuất hiện các bệnh thiếu vitamin nhóm B, vitamin K. Các KS cùng nhóm với Lincomycin còn gây chứng viêm đại tràng giả mạc rất nguy hiểm và rất khó trị.

7. Dùng KS bừa bãi gây tác hại gì?

Dùng KS bừa bãi không chỉ tác hại trên chính cơ thể người bệnh mà còn làm gia tăng hiện tượng đề kháng KS và tác hại đến cộng đồng. Tính đề kháng KS ngoài nguy hiểm di truyền cho VK con cháu và lan truyền cho các loại VK khác, còn có một nguy hại đáng quan tâm là đề kháng chéo nghĩa là một chủng vi khuẩn đề kháng với một KS này có thể đề kháng thêm KS khác, KS đề kháng sau có thể cùng nhóm hoặc khác nhóm. Ví dụ như: VK lờn một KS thuộc nhóm Penicillin có thể lờn luôn KS thuộc nhóm Cephalosporin do cấu trúc hóa học của các KS này gần giống nhau; VK lờn Erythromycin có thể lờn luôn Lincocin dù 2 KS này có cấu trúc rất khác nhau. Chỉ có thầy thuốc mới biết các KS nào có thể phối hợp với nhau và bác sĩ cho dùng phối hợp KS là nhằm hạn chế sự đề kháng KS.

8. Cần lưu ý những gì để sử dụng KS hợp lý và an toàn?

Khi dùng KS nên lưu ý các điều sau:

- Chỉ dùng KS khi có sự hướng dẫn của thầy thuốc, không được dùng tùy tiện, đặc biệt là phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú; đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ lại càng không được tùy tiện. Các đối tượng này có khá nhiều KS không dùng được, nếu dùng tất sẽ bị tai biến.

- Thông thường, một đợt dùng KS phải từ 5 đến 7 ngày. Để tránh hiện tượng đề kháng KS, nên dùng thuốc đúng liều lượng và thời gian bác sĩ đã chỉ định, không được tự ý ngưng thuốc nửa chừng.

- Khi khám bệnh, phải kể cho thầy thuốc biết đã dùng thuốc gì, đã từng bị dị ứng chưa, phản ứng với KS nào, thuốc nào thầy thuốc tránh cho dùng.

- Không được tự ý dùng thuốc, trường hợp bất đắc dĩ chỉ nên dùng KS dạng uống và phải dùng đúng liều, đúng lúc, đủ thời gian.

- Dùng KS theo chỉ định nếu có gì bất thường nên đi khám và báo cho bác sĩ biết ngay.

- Trên nguyên tắc nếu VK còn nhạy với loại KS cổ điển (KS cũ) thì tránh dùng loại KS mới. KS mới nếu dùng bừa bãi trong thời gian ngắn sẽ bị đề kháng.

Hiện nay, có một số người bị bệnh lây qua đường tình dục (bệnh hoa liễu) không dám đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị. Họ tìm mua những loại KS mới nhất như Cephalosporin thế hệ thứ 3, Ofloxacin, Ciprofloxacin. về tự chữa lấy trong khi không hiểu rõ về bệnh và về thuốc. Điều đáng quan tâm là tính đề kháng của VK có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong khi việc nghiên cứu tìm ra KS mới phải mất 5 - 10 năm. Do đó, việc sử dụng KS nhất thiết phải theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.

 


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa