NGƯỜI CÓ TUỔI DÙNG
THUỐC NHƯ THẾ NÀO?
GS. NGUYỄN KHANG
Trường Đại học Dược
Ở các nước phát triển,
người trên 60 tuổi tiêu thụ hết 1/2 số thuốc bán ra thị trường. Hơn 80%
người trên 65 tuổi dùng mỗi ngày một loại thuốc, có 40% trong số này dùng
tới 5 loại thuốc.
Do dùng thuốc nhiều như
vậy nên người có tuổi dễ gặp tai biến, thống kê cho thấy 1/4 số người này bị
tai biến.
I. đặc tính dược lý
của người có tuổi
Thuốc vào cơ thể, tuân
theo những nguyên tắc về hấp thu, phân phối, chuyển hóa và thải trừ qua
thận. Người có tuổi, do cơ thể đã bị lão hóa thường gặp khó khăn ở 3 giai
đoạn cuối:
Về phân phối thuốc, cơ thể người có tuổi thường giảm
trọng lượng nước toàn phần, giảm khối lượng gầy, tăng khối lượng mỡ, giảm
albunin trong huyết tương.
Vì vậy giảm thể tích phân
phối các thuốc tan trong nước (như paracetamol, thuốc giảm đau, giảm
sốt...), do đó loại thuốc này tăng hiệu lực (so với người trẻ tuổi).
- Tăng thể tích phân phối
các thuốc hòa tan trong mỡ (như các thuốc chống trầm cảm) do đó cơ thể người
già (nhất là người béo) thì thuốc kém hiệu lực.
- Giảm khả năng cố định
thuốc nên dễ có tai biến do các thuốc tương tác với nhau (vì cơ thể người
già thường nhiều bệnh cùng một lúc hay dùng nhiều loại thuốc nên có khả năng
các thuốc tương tác).
Về chuyển hóa thuốc, do khối lượng gan giảm ở người có
tuổi, hoạt động men ở gan và lưu lượng máu ở gan giảm nên 1 số thuốc giảm sự
thanh thải qua gan và tích tụ sinh kháng thuốc hoặc tác dụng gia tăng.
Thải trừ qua thận là vấn đề khó khăn nhất cho người
có tuổi, do một số chức năng thận bị suy yếu mà sự thải trừ nhiều loại thuốc
(ví dụ sulfamid, tetraxyclin) bị giảm. Thuốc có nguy cơ bị tích lũy.
Người có tuổi còn hay bị
suy dinh dưỡng, giảm hydrat hóa, suy tim... nên cũng gặp khó khăn khi dùng
thuốc.
II. Biến đổi dược động
học ở người có tuổi
Người già dễ nhạy cảm với
thuốc và phản ứng không mong muốn của thuốc. Người có tuổi thường mắc một
lúc nhiều bệnh, dễ dùng nhiều thuốc, các thuốc dễ tương tác gây hệ quả không
tốt cho bệnh nhân.
III. Người có tuổi nên
dùng thuốc theo các chỉ dẫn sau đây của giới y dược
1. Thận trọng khi dùng
thuốc có phạm vi an toàn hẹp (như sulfamid hạ đường huyết, thuốc trợ tim
loại digitalin...).
2. Chú ý liều dùng theo
tầm vóc thể trạng của mình.
3. Điều chỉnh liều các
thuốc theo khả năng thải trừ ở thận, quan tâm đến khoảng cách thời gian mỗi
lần uống, nên chọn thuốc thải trừ mau.
4. Giảm số loại thuốc
chữa nhiều bệnh một lúc, nhất là các thuốc dễ tương tác với nhau. Thận trọng
khi dùng thuốc mới, chưa sử dụng bao giờ.
5. Về phía các nhà y dược
học, cần quan tâm tới đặc điểm của người có tuổi là dễ quên và lầm lẫn (về
liều dùng, giờ giấc uống thuốc, lẫn thuốc nọ với thuốc kia) thích chữa bệnh
theo kinh nghiệm đã có (tự mua thuốc sử dụng không qua khám bệnh kê đơn). Do
đó tài liệu y học có hướng dẫn:
- Quan tâm chỉ dẫn người
nhà bệnh nhân giúp đỡ người có tuổi cần sử dụng thuốc mà đã rối loạn trí
nhớ, nhìn nghe không rõ, chân tay run rẩy.
- Tránh phát cho người
già loại thuốc viên quá to khó nuốt, thuốc giọt khó đếm, thuốc nhỏ mắt khó
dùng v.v...
- Người dược sĩ khi cấp
phát thuốc, nên nhắc lại chỉ dẫn của bác sĩ kê đơn, giải thích thêm, bán
dạng thuốc dễ dùng.
- Tăng cường dịch vụ giúp
đỡ người bệnh tại nhà trong điều trị và sử dụng thuốc.