Nội soi tràn dịch màng phổi
12:31' 20/06/2008 (GMT+7)
-
Theo một đề tài nghiên cứu vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
nghiệm thu, bệnh nhân tràn dịch màng phổi tự phát sẽ không phải mổ mở ngực (tốn
thời gian, gây đau đớn, để lại sẹo lớn, dễ gây biến chứng và tử vong), có thể
xuất viện ngay ngày thứ 3 sau mổ.
Đề tài Phẫu thuật nội soi tràn dịch màng phổi do PGS.TS Nguyễn Hoài
Nam, Uỷ viên BCH Hội Y học TP.HCM làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện là 12 tháng
(11/2007-11/2008), với kinh phí 190 triệu đồng.
Tràn dịch màng phổi trên phim chụp cắt lớp.Nguồn:ngoaikhoalamsang |
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho biết, thông thường các trường hợp
tràn khí màng phổi với lượng khí tràn trung bình (20-40%) sẽ phải dùng phương
pháp đặt ống dẫn lưu khoang màng phổi, tỷ lệ thành công của phương pháp này là
70-80%.
Số còn lại phải phẫu thuật, là những trường hợp rò khí kéo dài hoặc phổi không
nở trọng sau khi đã được đặt ống dẫn lưu.
Trước đây, những trường hợp này thường phải mở
ngực và giải quyết chỗ rò khí bằng cách khâu hoặc cắt bóng khí.
Tuy nhiên, cách làm này có tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao.
Trong khi đó, phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi lồng ngực với những dụng cụ
chuyên dùng có sự hỗ trợ của kỹ thuật video là một phương pháp điều trị ít xâm
lấn trong các bệnh lý lồng ngực bệnh tràn khí màng phổi tự phát.
Trong khoảng thời gian từ 10/2006-10/2007, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Hoài Nam đã điều trị tràn khí màng phổi tự phát (sự cố ở người chưa từng có tiền sử mắc bệnh phổi) bằng mổ nội soi lồng ngực cho 172 bệnh nhân và nhận thấy khả năng áp dụng phương pháp này có tỷ lệ thành công cao (98,6%), ít tai biến (1,4%), ít tái phát (sau 3 tháng tái phát 2%).
Phẫu thuật nội soi lồng ngực được áp dụng lần đầu
tiên ở VN năm 1996 tại BV Bình Dân với phẫu thuật cắt hạch thần kinh
giao cảm ngực để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi tay. Những năm sau đó, rất nhiều bệnh viện khác đã triển khai phẫu thuật này nhằm điều trị nhiều loại bệnh khác nhau trong lĩnh vực lồng ngực và tim mạch. |
Sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh và có thể xuất viện sau 2 hoặc 3 ngày, trong khi mổ mở lồng ngực, bệnh nhân sẽ phải nằm viện khoảng 1 tuần. Tuỳ theo mức độ phức tạp mà thời gian cho mỗi ca mổ dao động từ 30 phút tới 2 giờ đồng hồ, khả năng tái phát sau mổ chiếm tỷ lệ tương đối thấp (1 - 2%).
Đặc biệt, với phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực nói trên, đội ngũ phẫu thuật viên sẽ được trực tiếp huấn luyện và đào tạo (vì khi phẫu thuật, toàn bộ quá trình thực hiện sẽ được chiếu trực tiếp qua video màn hình rộng).
Ngay sau khi đề tài được hội đồng đồng ý nghiệm thu, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã yêu cầu nhóm nghiên cứu sớm đưa vào áp dụng thực tế tại các ngoại khoa lồng ngực tại các bệnh viện khác.
-
Mai Linh