Y HỌC CỔ TRUYỀN CHỮA TÁO BÓN MẠN TÍNH

BS. QUAN THẾ DÂN

Khoa YHCT. Bệnh viện Thống Nhất

Người xưa nhận thức được rằng táo bón mãn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, cho nên đối với mỗi loại táo bón phải có một cách chữa khác nhau. Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đã dựa vào sự phân loại táo bón của Nội kinh mà chia ra 5 loại táo kết: do Nhiệt, Hàn, Phong, Khí, Huyết. Các nguyên nhân trên làm cho thủy dịch bị khô kiệt; nên khi chữa ngoài việc giải quyết các nguyên nhân gây bệnh, còn cần phải chú ý bồi bổ thủy dịch. Hiện nay Đông y đã phân ra các loại táo bón như sau:

w Nhiệt bí: Phân khô, người nóng, miệng hôi, khát nước

Cách chữa: Dùng bài Ma tử nhân hoan: Ma tử nhân (Vừng đen) 12gr; Hạnh nhân 8gr; Hậu phác 8gr; Đại hoàng 4 - 8gr; Chỉ thực 6gr; Bạch thược 10gr.

- Tán bột luyện với mật ong làm thành viên nhỏ, uống 8 - 10gr vào buổi tối.

w Khí bí: Táo bón, ợ hơi, ngực sườn đầy tức, gặp ở người viêm đại tràng mãn tính hoặc người làm nghề hay phải ngồi lâu.

Cách chữa: Dùng bài Lục ma thang: Trầm hương 4gr; Mộc hương 10gr; Binh lang (hạt cau) 8gr; Ô dược 12gr; Chỉ thực 6gr; Đại hoàng 4gr.

- Sắc uống ngày một thang; hoặc có thể làm hoàn uống 8gr ngày.

w Hư bí: Gặp ở người suy nhược (hư chứng) chia ra do Khí hư và Huyết hư

* Khí hư: Phân không khô lắm, không có sức rặn, mệt mỏi, sắc mặt trắng, ăn kém, chậm tiêu.

Cách chữa: Dùng bài Bổ trung ích khí thang: Đảng sâm 12gr; Hoàng kỳ 12gr; Đương quy 12gr; Bạch truật 12gr; Thăng ma 10gr; Sài hồ 10gr; Trần bì 6gr; Cam thảo 6gr, gia thêm Vừng đen 12gr, Mật ong 1 - 2 thìa canh nếu phân khô nhiều.

- Sắc uống ngày một thang; hoặc làm viên hoàn uống ngày 15gr.

* Huyết hư: Phân hơi khô, khó rặn, môi, mi mắt nhợt, da mặt không tươi, hay hoa mắt chóng mặt.

Cách chữa: Dùng bài Tứ vật thang: Thục địa 16gr; Xuyên khung 10gr, Đương quy 10gr; Bạch thược 10gr. Nếu phân khô nhiều gia thêm: Bá tử nhân 12gr; Vừng đen 12gr.

- Sắc uống ngày một thang hoặc làm hoàn uống ngày 15gr.

w Lãnh bí (Hàn bí): Sắc mặt xanh, sợ lạnh thích ấm, người lạnh chân tay lạnh, phân khó đi. Thể này ít gặp, chủ yếu ở người già yếu bệnh nằm lâu một chỗ.

Cách chữa: Dùng bài Lưu hoàn gia vị: Bán hạ 12gr; Lưu hoàng 6gr; Nhục thung dung 12gr; Đương quy 12gr.

- Luyện với Mật ong thành hoàn ngày uống 8 - 10gr.

LIÊN HỆ TÂY Y

Đại hoàng có chứa anthraquinon thuộc nhóm nhuận tràng kích thích gây xung huyết, tăng vận động co bóp đại tràng, tăng tiết dịch, với liều thấp làm nhuận tràng, liều cao gây xổ. Nhưng một số nghiên cứu gần đây đã khuyến cáo không nên dùng nhiều các thuốc thuộc nhóm này vì dùng lâu dài có thể làm mất nhiều chất dinh dưỡng qua dịch tiêu hóa, có thể gây liệt ruột và nhất là có khả năng gây ung thư. Hậu phác, Chỉ thực... thuộc nhóm thuốc hành khí, có chứa tinh dầu, điều hòa nhu động ruột. Các thuốc thuộc nhóm thuốc bổ như: Thục địa, Hoàng kỳ... có nhiều tác dụng phức tạp, điều chỉnh lại sức khỏe toàn thân, tăng trương lực co bóp của đại tràng. Sự gia giảm các vị thuốc tùy theo mức độ táo bón. Nhân đây xin giải thích về tác dụng giải nhiệt của bột Sắn dây sống: nhiều người cho rằng bột sắn dây sống mát, uống sống làm nhuận tràng; thậm chí người bụng yếu có thể tiêu chảy. Đó là vì hạt tinh bột sắn dây sống khi uống vào đã hầu như không được tiêu hóa, chuyển xuống đại tràng làm tăng khối lượng phân, gây ra nhuận tràng hoặc tiêu lỏng. Khi nấu chín thì không còn tác dụng nhuận tràng nữa. Có thể suy rộng ra: khi táo bón có thể uống tinh bột sống bất kỳ như gạo, sắn, đao... đều làm nhuận tràng cả; để dễ uống nên hòa với đường và một ít hương thơm trái cây, pha trong nước đá lạnh. Cách này vừa giản dị dễ kiếm, vừa không độc hại. Đông y còn trị táo bón một cách rất trực tiếp. Ngu Đoàn (1438 - 1517) đã sáng chế ra khí cụ rửa ruột: trên một bệnh nhân bị sốt cao táo bón lâu ngày, uống thuốc gì cũng không chuyển, ông đã lấy một ống trúc nhỏ cho vào hậu môn rồi thổi dầu xổ vào, một lúc sau thấy bụng chuyển đau lâm râm rồi đi tiêu ra được mấy thăng phân đen.

KẾT LUẬN

Các bệnh gây ra táo bón mạn tính tương đối phức tạp, nhất là ở người già có nhiều bệnh phối hợp. Có khi táo bón là hậu quả của các bệnh như sốt kéo dài, viêm dạ dày cấp, tiểu đường... có khi táo bón làm nặng thêm các bệnh chính như trĩ nội có chảy máu. Táo bón có khi gây nguy hiểm tới tính mạng như: táo bón trong xơ gan có thể gây cơn nhồi máu cơ tim... Do đó người có táo bón kéo dài nên được thăm khám kỹ tại bệnh viện để có hướng điều trị đúng đắn. Ngoài việc dùng thuốc như đã trình bày ở trên, cần thiết duy trì một cuộc sống điều độ, ăn nhiều rau, uống đủ nước: trên 2 lít nước mỗi ngày; và thường xuyên vận động, tránh ngồi lâu một chỗ. Trong các vị thuốc trợ giúp nhuận tràng đáng chú ý có Vừng đen và Mật ong, chúng có vị ngọt tính bình (không nóng không lạnh) có tác dụng bổ dưỡng tì vị đại trường, sinh dịch nhuận trường nên có thể dùng thường xuyên không sợ độc hại gì. Với người cao tuổi sau mỗi bữa ăn nên uống thêm 1 thìa canh Mật ong để trợ giúp cho việc đại tiện; còn với những người bị tiểu đường có thể thay bằng một chén chè Vừng đen nấu với chất ngọt thay thế.