Những lưu ý trong việc luyện tập ở bệnh nhân hen 

Bơi lội là môn thể thao được nhiều bệnh nhân hen lựa chọn.

Nhiều người nghĩ rằng để tránh những cơn hen, bệnh nhân hen hoàn toàn không được chơi thể thao. Điều đó là không đúng. Sự vận động hợp lý chẳng những không gây hại mà còn giúp bệnh nhân khỏe mạnh, dẻo dai, dễ thích nghi và ít gặp cơn khó thở hơn.

Vận động thể lực quá mức là một trong những nguyên nhân làm khởi phát cơn hen (80-90% người bệnh lên cơn khó thở khi vận động thể lực quá mức). Tuy nhiên, nếu chọn được một môn thể thao phù hợp, tập luyện thường xuyên với cường độ vừa phải, đồng thời có biện pháp phòng tránh thích hợp, những cơn khó thở do vận động thể lực ở người bệnh sẽ ít xảy ra và dễ dàng bị khống chế. Nhiều vận động viên mắc bệnh hen nhưng vẫn đạt được những thành tích cao nhờ kiểm soát tốt căn bệnh của mình.

Để tránh những cơn hen do vận động thể lực, bệnh nhân cần có các biện pháp kiểm soát bệnh hen, quan trọng nhất là dùng thuốc corticoid đường hít nhằm làm giảm tình trạng viêm nhiễm phế quản. Bệnh nhân cũng phải tránh bụi, phấn hoa, lông súc vật, các loại khí thải gây ô nhiễm và thức ăn gây dị ứng. Không nên tập luyện ngoài trời khi thời tiết lạnh và khô.

Sau đây là một số điều cần chú ý: 

- Tránh vận động thể lực khi đã xuất hiện triệu chứng khò khè, khó thở, thậm chí là các triệu chứng rất sớm như ho, khó chịu ở ngực. Việc tập luyện lúc này sẽ làm nặng thêm các triệu chứng và dẫn đến cơn hen.

- Dùng thuốc trước khi vận động: Trong một số trường hợp, để đảm bảo không lên cơn khó thở do vận động thể lực (chẳng hạn khi thi đấu), trước khi vận động, người bệnh có thể dùng một trong 2 hoặc phối hợp cả 2 loại thuốc sau:

  + Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn đường hít (như Ventolin). Bơm xịt 2 nhát trước khi tập luyện, có tác dụng làm giãn phế quản trong 4-6 giờ.

  + Natri Cromoglycat: Cũng sử dụng bằng đường hít, có tác dụng bảo vệ người bệnh hen khi vận động, tên thường dùng là Lomudal, Intal, Tilade...

- Khởi động kỹ trước khi tập luyện và tránh ngừng tập đột ngột: Thời gian khởi động của người bệnh hen cần kéo dài hơn so với người bình thường. Nên bắt đầu bằng cách đi bộ, tập các động tác chậm, các bài tập mềm dẻo, chạy tại chỗ trong 30 giây rồi nghỉ 60 giây (lặp lại 2-3 lần), sau đó mới bước vào tập luyện chính thức.

Trước khi ngừng tập, phải thực hiện các động tác chậm dần trong khoảng 10 phút hoặc lâu hơn.

- Chọn loại hình thể dục thể thao phù hợp: Cơn hen rất dễ xảy ra với các môn thể thao đòi hỏi vận động nhanh, cường độ cao, liên tục và kéo dài như aerobic, chạy tốc độ, đua xe đạp, bóng đá. Người bệnh cũng cần tránh các môn phải tập luyện ở nơi có khí lạnh và khô như trượt tuyết...

Bơi lội là môn thể thao thích hợp nhất với bệnh nhân hen vì hiếm khi gây cơn hen. Các môn tennis, bóng chuyền, đánh gôn, thể dục dụng cụ... cũng phù hợp với đối tượng này.

BS Đỗ Thị Tường Oanh, Sức Khỏe & Đời Sống