Để không bị chết vì hen

Bệnh nhân X., 60 tuổi ở Đồng Nai, đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM ngày 2/7 cho biết, mỗi ngày ông phải xịt đến 26-27 nhát thuốc cắt cơn hen (tương đương với 4 bình) nhưng bệnh vẫn không giảm. Trong khi đó, nghiên cứu trên 12.000 bệnh nhân hen của bác sĩ Spitzer (Mỹ) cho thấy nguy cơ chết hoặc bị lên cơn hen nặng tăng gấp 20 lần ở những người dùng 2 bình thuốc xịt cắt cơn hen mỗi tháng.

Sự thiếu hiểu biết về bệnh và sử dụng thuốc một cách tuỳ tiện có thể dẫn đến những hậu quả tai hại.

Làm sao biết cơn hen sắp xảy ra?

Các dấu hiệu cho biết cơn hen sắp bắt đầu là ho, khò khè, nặng ngực, thức giấc giữa đêm vì các triệu chứng trên. Để dự báo cơn hen ngay cả khi chưa có dấu hiệu khò khè hay ho, bệnh nhân có thể sử dụng lưu lượng đỉnh kế hằng ngày (khoảng 150.000 đồng/cái, dễ sử dụng, chỉ cần thổi như thổi tắt đèn cầy). Hai dạng bệnh nhân đặc biệt cần theo dõi cơn hen tại nhà bằng thiết bị này là người đã từng nhập viện cấp cứu do hen và người không biết đánh giá độ nặng nhẹ của bệnh một cách chính xác (người già, trẻ em).

Khi cơn hen đến phải làm gì?

Bệnh nhân phải tránh xa các nguồn chất kích thích, dùng 2 nhát xịt thuốc cắt cơn nhanh (Ventolin, Bricanyl, Berotec), giữ yên tĩnh trong 1 tiếng đồng hồ để chắc chắn rằng hô hấp đã được cải thiện.

Phải đưa đi cấp cứu ngay nếu có một trong những dấu hiệu nguy hiểm sau:

- Thuốc cắt cơn không giúp được lâu hoặc hoàn toàn không hiệu quả.

- Bệnh nhân vẫn thở nhanh và khò khè.

- Bệnh nhân nói một cách khó khăn, môi hay móng tay tím tái.

- Cánh mũi nở rộng, phập phồng, khó thở.

- Co kéo ở trên hõm xương ức, xương đòn và ở giữa các xương sườn khi thở.

- Tim hay nhịp mạch đập rất nhanh.

- Không đi nổi.

Phải dùng thuốc như thế nào?

Hen có 4 bậc, khác nhau về mật độ xuất hiện của các triệu chứng hen.

- Bậc 1: Thỉnh thoảng mới có triệu chứng hen.

- Bậc 2: Triệu chứng xuất hiện trong vài ngày/tuần.

- Bậc 3: Ngày nào cũng có biểu hiện hen.

- Bậc 4: Triệu chứng xuất hiện liên tục.

Trừ bậc 1, các bậc khác đều cần dùng cả 2 loại thuốc cắt cơn phòng cơn. Các loại thuốc này hầu hết đều ở dạng bình hít định liều, phải dùng đúng liều mới có hiệu quả. Bác sĩ sẽ tuỳ theo bậc hen mà cho liều và loại thuốc thích hợp. Bệnh nhân cần đến bác sĩ thường xuyên để được điều chỉnh liều thuốc theo diễn biến của bệnh.

1. Thuốc cắt cơn

Tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc này. Có trường hợp, khi dùng thuốc cắt cơn quá liều, triệu chứng bệnh có vẻ giảm, nhưng thực chất đường dẫn khí lại bị sưng nề, bệnh nhân không biết là mình đang rơi vào cơn hen cấp rất nguy hiểm, có thể tử vong ngay. Nếu ngày nào cũng phải dùng thuốc cắt cơn thì nhất thiết phải dùng thêm thuốc phòng cơn hen. Nếu phải dùng thuốc cắt cơn 4 lần/ngày thì phải tìm đến bác sĩ ngay.

2. Thuốc phòng cơn

Ưu điểm của thuốc phòng cơn (corticoid dạng phun) là:

- Tránh được tác dụng toàn thân nhờ đi thẳng vào đường hô hấp.

- Dùng được cho cả trẻ em.

- Không gây nghiện, an toàn và có thể dùng trong nhiều năm.

Bệnh nhân phải dùng thuốc phòng cơn nếu có một trong những dấu hiệu sau:

- Có cơn ho, khò khè hay nặng ngực hơn 1 lần/tuần.

- Ban đêm thức giấc vì hen.

- Có nhiều cơn hen cấp.

- Phải dùng thuốc cắt cơn nhanh hằng ngày.

Những sai lầm hay gặp

Theo bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, cán bộ giảng dạy Đại học Y dược TP HCM, cần tránh các sai lầm mà bệnh nhân thường mắc phải như:

 

 

- Không tuân thủ chế độ điều trị liên tục hằng ngày. Tự ý ngừng dùng thuốc khi thấy đỡ hoặc tự ý mua thuốc về uống khi thấy bệnh trở lại, trong khi thuốc dạng uống có nhiều tác dụng phụ, không hiệu quả, an toàn bằng loại Corticosteroid dạng hít.

- Sử dụng thuốc không đúng cách khiến thuốc không vào được phổi.

- Dùng thuốc cắt cơn liên tục thay vì phải dùng thuốc phòng cơn.

Để tránh cái chết không được báo trước, bệnh nhân phải định kỳ đến bác sĩ theo lịch hẹn (1-6 tháng/lần) để được đánh giá và theo dõi độ nặng, dù đang cảm thấy dễ chịu và không có triệu chứng gì về hô hấp.

(Theo Tuổi Trẻ, 10/7)