Một số điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.

Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở trẻ em các tỉnh phía Nam. Số trẻ sốt xuất huyết đang tăng dồn dập tại 2 bệnh viện nhi đồng ở TP HCM. Sự hiểu biết về bệnh sẽ giúp bạn bảo vệ gia đình, nhất là trẻ em, trong mùa dịch.

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là gì?

Bệnh SXH do virus Dengue gây ra. Cho đến nay, nó vẫn là một bệnh rất nguy hiểm; những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch (sốc) và do xuất huyết ồ ạt.

Ai có thể bị SXH?

Tất cả mọi người đều có thể bị SXH. Ở các tỉnh phía Nam hiện nay, hầu hết các trường hợp SXH (70%) xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi vẫn có thể bị SXH nặng.

Làm sao biết trẻ bị bệnh SXH?

Nếu trẻ bị sốt cao (39-40 độ C) từ 2 ngày trở lên, phải nghĩ ngay đến bệnh SXH và đưa đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi. Khi cần, các bác sĩ sẽ cho các cháu thử máu để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Trẻ đang theo dõi SXH có thể điều trị tại nhà không?

Trong 10 trường hợp bị SXH, chỉ một hoặc hai trường hợp trở nặng (có biến chứng) phải được nhập viện ngay và chữa trị tại bệnh viện. Các trường hợp còn lại được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh. Khi trẻ hết sốt, thèm ăn, chạy chơi là an toàn.

Nên làm gì khi trẻ bị SXH?

Khi trẻ sốt cao, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Không nên cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý cho uống thuốc aspirine, ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh, oresol, nước chín nguội), ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi và theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh.

Cách theo dõi tại nhà như thế nào?

Phải theo dõi sát các cháu, không được lơ là. Thời điểm nguy hiểm nhất là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh), trẻ có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

Các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH: Nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu. Trẻ hết sốt nếu có một trong các dấu hiệu trên phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Hiện có thuốc tiêm phòng SXH không?

Cho đến nay, vẫn chưa có vacxin phòng ngừa hiệu quả bệnh SXH. Các nghiên cứu về vacxin này vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, phải nhiều năm nữa mới có thể phổ biến.

Bệnh SXH có thể lây trực tiếp từ người sang người không?

Bệnh SXH không lây trực tiếp từ người sang người. Trẻ bị lây bệnh là do bị muỗi vằn đốt (chích).

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh SXH?

Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh SXH. Sau khi đốt trẻ bị bệnh SXH, muỗi vằn nhiễm virus Dengue và sau đó khi chích trẻ khác, nó sẽ làm lây bệnh SXH. Muỗi vằn sống trong nhà và đốt trẻ vào ban ngày. Như vậy, để phòng bệnh SXH, trước hết phải tránh muỗi bằng cách cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, xoa kem chống muỗi ở da, dùng nhang, thuốc phun diệt muỗi trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng và trứng phát triển thành lăng quăng nơi nước trong. Do đó, phải tiêu diệt hết lăng quăng bằng cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, dẹp bỏ các nơi đọng nước như lu, máng, lon, hộp, gáo dừa, vỏ xe.

BS Nguyễn Thanh Hùng, Người Lao Động