THẢM MỸ - BS TRẦN THIỆN TƯ


Những điều cần biết về phẫu thuật thẩm mỹ (phần 40)

Phẫu thuật thẩm mỹ đầu mũi

"Đầu mũi em to quá, thô và rất kém thẩm mỹ. Có cách nào làm cho đầu mũi nhỏ, gọn lại được không?".

Đầu mũi to do hai phần: phần cánh mũi và chóp mũi. Giải phẫu thẩm mỹ cánh mũi (cắt cánh mũi) tương đối dễ. Thật ra chỉ có một số người cánh mũi quá to, quá thô mới cần cắt bớt. Đa số những trường hợp đến bác sĩ thẩm mỹ cắt cánh mũi đều là để tạo hình lại cánh mũi hoặc tiền đình mũi cho đẹp (tiền đình hay cửa mũi trước là phần thông từ mặt vào mũi, thường gọi là lỗ mũi). Ngoài việc tạo hình mũi cho mũi hẹp lại, việc chỉnh hình cánh mũi còn có thể làm mũi thấp xuống hoặc cao lên thêm chút ít nhờ khép cánh mũi lại. Tiến bộ mới nhất của phẫu thuật thẩm mỹ cánh mũi là mổ đường phía trong miệng. Đường mổ này không có sẹo và thường được may bằng chỉ tự tan, không cần cắt chỉ.

Giải phẫu thẩm mỹ chóp mũi phức tạp hơn. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ sụn cánh mũi hay sụn vách ngăn, đầu mũi mới nhỏ và gọn lại được. Có một số trường hợp đầu mũi to và biến dạng, cần phải ghép thêm sụn.

Nói chung, trong nhiều trường hợp, giải phẫu thẩm mỹ mũi rất phức tạp. Việc giải quyết đầu mũi to cũng không chỉ đơn giản là can thiệp trên đầu mũi đơn thuần. Nhiều khi cần phải chỉnh thêm xương mũi cho thẳng lại hoặc hạ thấp bớt phần giữa mũi bị gồ lên.

Nâng mũi cao lên bằng cách độn sụn

"Cháu năm nay 19 tuổi. Không may là mũi cháu tẹt quá, ai cũng chê. Cháu rất muốn làm mũi cao lên bằng chất sụn tự nhiên của cơ thể, như vậy có được không?".

Một số người sợ bị dị ứng với chất độn khác cơ thể nên chủ trương giải quyết các khiếm khuyết bằng chất liệu của chính cơ thể. Nhiều loại chất liệu như xương, sụn được chuyển từ nơi này đến nơi khác. Phẫu thuật độn mũi cao lên có thể thực hiện bằng xương chậu, xương sọ, sụn vành tai, sụn xương sườn. Để thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhân phải chịu hai ca mổ, một để lấy xương hoặc sụn và một để nhận mảnh ghép. Kết quả là cả bệnh nhân và thầy thuốc đều rất yên tâm, không lo phản ứng của cơ thể đối với mảnh ghép nữa.

Tuy nhiên, về thẩm mỹ thì sau một thời gian, mảnh ghép sẽ thay đổi như xương bị mòn đi, sụn cong lại chút ít. Do đó, kết quả về thẩm mỹ của phương pháp này nhiều khi kém hơn độn bằng silicôn cứng. Người được phẫu thuật rất hay đau sau mổ, nơi lấy mảnh ghép đau nhiều hơn ở mũi. Do đó, cháu nên suy nghĩ kỹ khi quyết định sửa mũi bằng sụn hay xương của cơ thể mình.

Điều trị sẹo bít lỗ mũi

"Tôi năm nay 24 tuổi, bị bỏng vùng mặt do hóa chất cách đây hơn 1 năm. Nơi bỏng đã lành, nhưng lỗ mũi tôi càng ngày càng hẹp lại làm cho mặt tôi trở nên rất xấu. Gần đây tôi không thở được bằng mũi, toàn thở miệng làm miệng luôn khô, rất khó chịu. Tôi có nên mổ để có thể thở lại bằng mũi không?".

Trường hợp của bạn khá phổ biến. Có thể phẫu thuật tạo hình lỗ mũi lại được bằng cách mổ cắt rộng, bỏ tổ chức xơ quanh lỗ mũi, ghép da hoặc niêm mạc vào, sau đó đặt ống nong khoảng 6 đến 9 tháng.

Để tránh bị sẹo hẹp như vậy, thường khi bị bỏng quanh lỗ mũi, bệnh nhân phải chú ý theo dõi, nếu thấy bắt đầu hẹp là có kế hoạch đặt ống nong liền, kết quả sẽ đẹp hơn.

Làm cho chân mũi cao lên

"Con gái tôi năm nay 27 tuổi, tính khờ khạo, nghe theo lời chị ruột đến một thẩm mỹ viện để sửa mũi. Bác sĩ đã cắt hai bên cánh mũi, mỗi bên 0,6 cm làm mũi biến dạng, đường kính lỗ mũi rất nhỏ nên hô hấp rất khó khăn. Từ lúc giải phẫu đến nay (4 tháng rưỡi), nó bỏ ăn và có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Xin bác sĩ cho biết có cách nào phục hồi mũi cháu như trước mổ (tức là làm cho chân mũi cao lên) không?".

Trường hợp này hơi khó vì hai lý do:

- Bệnh nhân đã có dấu hiệu rối loạn tâm thần, đã mong muốn có mũi đẹp theo ý riêng. Sau khi phẫu thuật không vừa ý, bây giờ muốn trở lại như trước khi mổ. Dù kỹ thuật mổ có hoàn hảo như thế nào đi nữa cũng không thể trả lại hình ảnh mũi giống 100% như lúc trước mổ được. Chỉ cần một tỷ lệ nhỏ khác trước mổ thôi là có thể bệnh tâm thần có thể nặng thêm. Do đó, bà nên đưa cháu đi khám và điều trị chuyên khoa tâm thần trước.

- Về chỉnh hình mũi cho cao lên, cho thở dễ hơn thì có thể làm được bằng cách tách da hai bên mũi đưa cao lên, hoặc dùng sụn vành tai ghép vào cánh mũi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mũi sửa lại sẽ có ít sẹo nhỏ, không thể đẹp hoàn toàn như mũi tự nhiên được.

Chỉnh hình dị tật bẩm sinh ở mặt

"Con gái tôi năm nay 17 tuổi, lúc mới sinh cháu bị dị tật hở môi, hở hàm ếch và hàm dưới bị đưa ra ngoài nhiều. Cháu đã được phẫu thuật vá môi, và màng hầu và chỉnh hình hàm dưới. Nhưng đến nay, phần mũi và giữa mặt còn bị lõm vào và cánh mũi hai bên không đều. Cháu có cần phải phẫu thuật nữa không? Phẫu thuật có phức tạp lắm không? Cháu còn nhỏ mà phải mổ nhiều lần nên quá tôi rất ngại".

Việc điều trị dị tật bẩm sinh ở mặt khá phức tạp, thường phải phẫu thuật nhiều lần, tùy theo mức độ dị tật. Con chị tuy đã được phẫu thuật nhiều lần, nhưng do cơ thể phát triển, gương mặt cũng phát triển theo, các phần xương, sụn, cơ mặt thay đổi và có lúc trở nên không cân đối, cần phải điều chỉnh lại. Trong các phẫu thuật này, phẫu thuật chỉnh hình xương phức tạp và cần nhiều thời gian nhất. Các phẫu thuật điều chỉnh da và phần mềm đơn giản hơn. Nếu có điều kiện, nên phẫu thuật thêm một vài lần nữa cho thật hoàn chỉnh. Trường hợp khó khăn quá, có thể không mổ cũng được. Tình thương của cha mẹ đối với con cái thật vô tận, tuy nhiên, chị nên nghĩ thêm là dù mổ nhiều lần nữa, gương mặt cháu tuy đẹp hơn trước nhiều, nhưng cũng khó đẹp như người bình thường được.

Điều trị dị dạng cánh mũi do tật hở môi bẩm sinh

"Con tôi 14 tuổi, bị tật hở môi từ nhỏ, đã được phẫu thuật vá môi lại. Kết quả cũng khá đẹp, nhưng cánh mũi bên hở môi bè ra và lỗ mũi rộng hơn bình thường. Phẫu thuật thẩm mỹ có chỉnh lại được dị dạng này không? Sau mổ có bị nhiều sẹo lắm không?".

Trường hợp này có thể phẫu thuật bằng cách mổ nâng sụn cánh mũi đứng lên và thu hẹp lỗ mũi bên dị tật nhỏ lại, đều với phía bên bình thường. Phẫu thuật này thực hiện với các đường mổ bên trong mũi, không để lại sẹo bên ngoài.

Vẹo mũi và vách ngăn mũi

"Tôi 37 tuổi, mũi bị nghẹt nhiều bên trái, nhìn bên ngoài thấy sống mũi cũng bị lệch sang trái. Tôi đã đi khám bệnh ở chuyên khoa Tai mũi họng, bác sĩ cho biết bị sẹo vách ngăn và vẹo cả tháp mũi sang trái. Có thể phẫu thuật cho vách ngăn và mũi thẳng lại không? Nên làm hai lần hay một lần?".

Đa số trường hợp vẹo vách ngăn và vẹo cả tháp mũi là do chấn thương, mũi bị chạm vào vật cứng. Tuy nhiên, cũng có một số người không bị chấn thương gì nhưng mũi và vách ngăn cũng bị vẹo. Vẹo tháp mũi làm khuôn mặt mất cân đối, kém thẩm mỹ. Vẹo vách ngăn nhiều gây nghẹt mũi thường xuyên và có thể đưa đến viêm xoang.

Phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi khá đơn giản, các khoa tai mũi họng có phẫu thuật đều làm được. Chỉnh hình tháp mũi khó hơn, thuộc lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ, ít có nơi làm. Do đó, trong trường hợp của bạn, có thể mổ vách ngăn trước, sau đó phẫu thuật chỉnh hình tháp mũi sau. Có thể tìm nơi nào bác sĩ có thể làm cùng lúc hai phẫu thuật cũng được.

Mũi gồ cao sau khi sửa mũi

"Tôi 34 tuổi, cách đây 5 năm tôi có làm phẫu thuật độn mũi cho cao lên. Cách đây vài tháng, khi chú ý kỹ, tôi thấy phần giữa mũi có vẻ gồ cao hơn trước. Như vậy có sao không và có thể sửa lại cho hết gồ không?".

Cô không cho biết trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, mũi cô có bị gồ cao lên không, thành ra cũng khó nói. Có một số người mũi tự nhiên bị gồ lên ở giữa. Khi để sống mũi nhân tạo vào, nếu không chú ý, phần này tiết tục cao như trước, làm mũi không cân xứng và không được thẳng đẹp. Một số rất ít trường hợp có thể bị khối u ở mũi hay bị chấn thương gây tụ máu hoặc gãy xương mũi, làm mũi biến dạng.

Trường hợp có kèm gãy xương hoặc khối u ở mũi cần phải giải quyết bệnh tích trước khi làm thẩm mỹ lại. Các trường hợp khác có thể phẫu thuật thẩm mỹ lại ngay được.

Phẫu thuật điều trị cánh mũi quá to

"Cháu 18 tuổi, dù ăn kiêng rất cẩn thận nhưng mũi vẫn có rất nhiều mụn. Lỗ mũi cháu thì bình thường thôi, không rộng lắm, nhưng hai cánh mũi rất to và rất xấu. Có cách nào làm cho cánh mũi mình nhỏ và mỏng lại không?".

Trong trường hợp của cháu, nếu muốn cho cánh mũi mỏng lại thì phải phẫu thuật gọt bớt sụn cánh mũi. Phẫu thuật này khó hơn cắt cánh mũi đơn thuần vì phải tách da ra và gọt bớt sụn cánh mũi cho mỏng lại, hoặc cắt cả sụn và da cánh mũi cho mỏng lại. Cách sau đơn giản hơn, nhưng phải chú ý giấu sẹo cho khéo để tránh mũi bị biến dạng xấu.

Cháu nên nhớ trị mụn ở mũi hết hẳn trước khi phẫu thuật để tránh nhiễm trùng khi mổ.


Biến đổi da khi lớn
Chống nếp nhăn ở mặt
Các loại mụn
Có nên vừa lột da mặt vừa căng da mặt?
Căng da mặt.
Hút mỡ bụng
Hút mỡ và nâng ngực
Mũi
Phẫu thuật da mặt ở người cao tuổi
Phẫu thuật nâng ngực
Phẫu thuật xóa vết xăm
Thuật cà sẹo
Tái tạo da mặt
Vitamin C và sự lão hóa
Vitamin E và sự lão hóa
Xóa nốt ruồi, vết xăm
Điều trị da mặt
Điều trị sẹo
Điều trị sẹo mụn
Điều trị thu nhỏ tuyến vú ở phái nam
Điều trị tật vành tai.
Đôi điều về phẫu thuật thẩm mỹ
Ảnh hưởng của thuốc là đối với da


LIST SÁCH

Khảo sát tình dục học - BS Hồ Đắc Duy
Sách 230 bệnh tật trẻ em
Sách 365 lời khuyên sức khoẻ
Sách Bác sĩ vui tính trả lời
Sách commic - 50 cau hoi HIV - AIDS
Sách Cấp Cứu
Sách Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Sách Giải phẫu thẩm mỹ
Sách Giấc ngủ trẻ em
Sách Giới tính tuổi hoa
Sách Sức khoẻ phụ nữ
Sách Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe
Sách Tăng huyết áp - Đào Duy An
Thắc mắc biết hỏi ai


LINK THAM KHẢO