CÁC TRIỆU CHỨNG CHỨC NĂNG  BỘ MÁY TIÊU HOÁ.

Triệu chứng chức năng đóng một vai trò rất quan trọng trong các bệnh về tiêu hoá, nhiều khi dựa vào các dấu hiệu chức năng qua quá trình hỏi bệnh có thể gợi ý ngay  cho ta chẩn đoán trong một số trường hợp điển hình như sau:

- Đau ở vùng thượng vị kéo dài có chu kỳ,  có liên quan rõ rệt tới bữa ăn và thời tiết gợi ý ngay cho ta nghĩ đến  một loét dạ dày – tá tràng.

- Mặt khác những dấu hiệu về chức năng hoàn toàn  chỉ vào lời khia của người bệnh, nó phụ thuộc vào  nhiều yếu tố chủ quan  và cá tính của mỗi người bệnh  khiến cho không thể chỉ hoàn toàn  dựa vào đó để chẩn đoán  mà phải kết hợp với các phương pháp khác.

- Dưới đây là những dấu hiệu chức năng của các bệnh về tiêu hoá mỗi triệu chứng  sẽ có một bài riêng trình bày  chi tiết sau này:

· Đau: là triệu chứng thường hay gặp nhất  trong các bệnh về tiêu hoá, góp phần khá quan trọng đối với  quá trình chẩn đoán bệnh. Đau thường là triệu chứng làm cho người bệnh đi khám bệnh và là triệu chứng đầu tiên khiến người thầy thuốc  hướng đến một bệnh nào đó. Do đó khi khai thác dấu hiệu đau cần phải hỏi chi tiết và tỉ mỉ và có hệ thống.

· Nôn: là hiện tượng những chất chứa trong dạ dày bị tống qua đường miệng ra ngoài, nôn thường kèm theo các triệu chứng biểu hiện buồn nôn, lợm gịong. Nôn hay gặp ở các bệnh về tiêu hoá, nhất là dạ dày và cũng có thể là sẽ gặp  ở những bệnh thuộc các bộ phận khác hoặc toàn thân như ngộ độc, màng não bị kích thích, tăng áp lực sọ não, thai nghén. Tuỳ theo chất nôn và tính chất nôn, ta phân biệt nôn ra máu, nôn ra thức ăn, nôn vọt, nôn khan…

· Ợ: là hiện tượng ứa lên miệng nước và hơi trong dạ dày và thực quản do dạ dày, tâm vị và thực quản co thắt không đồng thời, kèm theo sự co thắt của cơ hoành  và các cơ thành bụng. Ta phân biệt ợ hơi và ợ nước tuỳ theo chất được ợ ra.

+ Ợ hơi: thường là hơi ở dạ dày đưa lên, có thể do nuốt nhiều không khí trong quá trình ăn uống, có thể thức ăn và thức uống sinh nhiều hơi, có thể do rối loạn chức năng của dạ dày và thực quản, nhưng cũng có khi do bệnh của các thành phần khác trong bộ máy tiêu hoá gây nên.

+ Ợ nước: tuỳ theo chất nước ta phân biệt:

Ø nước trong, do nước bọt và dịch thực quản trộn lẫn, ợ lên do tâm vị co thắt.

Ø Ợ nước chua do dịch vị từ dạ dày trào lên có khi gây cảm giác nóng bỏng.

Ø Ợ  nước đắng, thường do nước mật từ tá tràng qua dạ dày trào lên.

Ø Ợ  thức ăn từ dạ dày lên.

· Những rối loạn về nuốt: thường biểu hiện những bệnh của họng và thực quản:

+ Nuốt đau: đau ở phần cao gặp trong viêm họng, ápxe  thành sau họng, những tổn thương ở thực quản  có thể gây cảm giác nuốt đau, nhẹ thì có cảm giác vướng ở cổ, nặng có cảm giác đau rát, nặng hơn nữa thấy đau ran ở ngực phải lấy tay chặn ngực.

+  Nuốt khó: tuỳ mức độ, bắt đầu là nuốt khó chất nhão, cuối cùng nuốt khó cả chất lỏng.

+ Tất cả những nguyên nhân làm hẹp  thực quản đều gây khó nuốt: ung thư thực quản, sẹo bỏng thực quản, hẹp tâm vị, khối u trung thất đè vào thực quản.

Trớ: thức ăn đến chỗ hẹp không xuống được  gây cảm giác khó nuốt, đồng thời đi ngược trở lại lên mồm gọi là trớ. Trớ có thể xảy ra ngay khi ăn hoặc ít lâu sau khi ăn.  Đối với giãn thực quản hoặc túi phình thực quản, thức ăn đọng lâu trong đó mới trớ ra, nên xuất hiện muộn sau khi ăn và có thể có mùi thối. Những thức ăn trớ từ thực quản lên khác với những thức ăn từ dạ dày nôn ra là không có axit clohydric và pepsin.

+ Nghẹn đặc, sặc lỏng: liệt màn hầu và lưỡi gà do đó thức ăn có thể đi lầm đường lên mũi và vào đường hô hấp gây khó thở.

· Những rối loạn về sự ngon miệng, thèm ăn và quá trình tiêu hoá nói chung.

+ Không muốn ăn: có thể do các bệnh về tiêu hoá nhất là bệnh về gan, nhưng phần lớn là biểu hiện  của các bệnh toàn thân. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của yếu tố tinh thần.

+  Đầy, khó tiêu: cảm giác đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu, nặng bụng, gặp trong các bệnh tiêu hoá và bệnh toàn thân.

· Những rối loạn  về  đại tiện: những rối loạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các rối loạn sau:

+ Ỉa chảy.

+ Táo bón và kiết lỵ.

+ Ỉa máu tươi và phân đen.

 

Chương 01: Đại cương
Chương 02: Triệu chứng học bộ máy tuần hoàn
Chương 03: Triệu chứng học bộ máy hô hấp
Chương 04: Triệu chứng học bộ máy tiêu hoá
Chương 05: Triệu chứng học về máu
Chương 06: Triệu chứng học hệ thống thận – Tiết niệu
Chương 07: Triệu chứng học về nội tiết
Chương 08: Triệu chứng học thần kinh
Chương 09: Triệu chứng học hộ máy vận động (cơ, xương, khớp)
Chương 10: Các hội chứng toàn thân