ĐÁI RA PROTEIN
I. ĐẠI CƯƠNG
Trước đây vẫn quen gọi là anbumin niệu, vì nó là thành phần chủ yếu trong đái ra protein. Nhưng thực ra danh từ đó không đúng, vì không có đái ra anbumin đơn thuần, riêng rẻ, mà bao giờ cũng đái ra protein. Muốn biết có bao nhiêu anbumin thực sự có trong nước tiểu, phải làm điện di nước tiểu để phân lập các thành phần protein mới biết được. Protein tìm thấy trong nước tiểu hoàn toàn giống protein trong máu về trọng lượng phân tử, về tính dẫn điện, v.v… ngày nay với phương pháp miễn dịch điện di, người ta còn phát hiện thấy có anbumin to tổ chức thận bài tiết ra (ngoài anbumin của máu).
Nếu đái ra protein nhiều, thường kèm theo cả đái ra lipit với thể chiết quang. đái protein kéo dài và nhiều, sẽ làm thay đổi thành phần protein trong máu., protein trong máu sẽ giảm, anbumin giảm, globulin tăng, có trường hợp bù được có trường hợp không bù đươc gây ra phù.
Đái ra protein nói lên tổn thương chủ yếu là ở cầu thận. Bình thường cầu thận để cho tất cả thành phần của huyết tương đi qua, trừ protein có trọng lượng phân tử <= 68.000 (trong lượng hemoglobin) vẫn được bài tiết qua nước tiểu. Khi cầu thận bị tổn thương nó để cho những protein có trọng lượng phân tử trên 70.000 đi qua.
II. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH ĐÁI RA PROTEIN.
Chẩn đoán bằng sinh hoá:
1. Cách lấy nước tiểu.
Protein không phải lúc nào cũng có trong nước tiểu, mà lúc có lúc không, lúc nhiều, lúc ít. Cho nên không nên chỉ lấy nước tiểu một lần, mà phải lấy nước tiểu nhiều lần để thử, phải lấy ở giữa bãi. Đối với phụ nữ, phải rửa sạch âm hộ khi lấy nước tiểu, phải thông đái để tránh nhầm lẫn với protein của máu kinh nguyệt, bạch đới, chất tiết của âm đạo. Tốt nhất lấy nước tiểu trong 24 giờ và tính kết quả đái ra trong 24 giờ hoặc quy thành phút.
2. Cách thử protein.
2.1. Đặc tính. có hai cách:
- Dùng nhiệt độ và axit axetic để kết tủa protein.
- Dùng axit nitric, axit sunfosalixylic để kết tủa protein.
2.2. Phân biệt protein thật (do cầu thận) cới protein giả (do có máu, tế bào bị huỷe hoại) và protein nhiệt tán.
- Phân biệt với protein giả: dùng axit nitric và axit xitric. Nếu axit nitric có kết tủa, axit xitric không kết tủa: protein thật. Nếu ngược lại là protein giả.
- Phân biệt với protein nhiệt tán (Bence Zone): protein này kết tủa ở 50 – 600C, nhiệt độ cao hơn sẽ tan.
- Định lượng protein: dùng axit tricloraxetic hay axit nitric làm kết tủa protein rồi soi độ đục so với bảng mẫu đã có sẵn. Có thể đem lọc rồi cân, chính xác hơn nhưng phức tạp nên ít dùng.
III. NGUYÊN NHÂN.
Chia làm 2 loại: protein thoáng qua và protein thường xuyên.
1. Protein thoáng qua.
1.1. Do sốt:
Bất cứ sốt do nhiễm khuẩn gì, nước tiểu cũng có thể có ít protein. Hết sốt cũng hết protein trong nước tiểu, không có tổn thương chức năng thận.
1.2. Trong các bệnh:
Chấn thương sọ não, chảy máu não, màng não co giật cũng thấy xuất hiện protein ở nước tiểu.
1.3. Trong bệnh tim.
Suy tim phải, gây hiện tượng ứ đọng máu ở thận, áp lực máu trong vi quản cầu thận tăng lên, máu ở lại cầu thận lâu hơn, do đó xuất hiện protein niệu. Khi suy giảm thì cũng hết protein niệu.
Đặc điểm chung của các protein nước tiểu nói trên là ít, chỉ thoáng qua, ngoài protein ra, nước tiểu không có hồng cầu, bạch cầu, trụ hình hạt, urê máu không cao. Thăm dò chức năng thận, thấy bình thường, người bệnh không cảm thấy có triệu chứng lâm sàng gì. Do đó việc kết luận protein nước tiểu thoáng qua cần phải thận trọng.
Trước đây cho rằng protein nước tiểu xuất hiện khi đứng, khi gắng sức là những protein nước tiểu sinh lý. Nhưng ngày nay, nhờ sinh thiết thận cho biết đó là protein nước tiểu bệnh lý, trong viêm cầu thận tiềm năng.
2. Protein thường xuyên.
Chứng tỏ tình trạng bệnh lý thực sự ở thận. Do nhiều nguyên nhân khác nhau:
2.1. Viêm thận:
2.1.1. Viêm cầu thận cấp:
Thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn. Thường bắt đầu bằng đau họng, sốt rồi đái ít và phù. Nước tiểu có protein, nhiều hồng cầu và bạch cầu, trụ hình hạt, urê máu cao.
2.1.2. Viêm cầu thận mạn:
Tthường do biến chứng của viêm cầu thận cấp hay gặp ở người lớn tuổi. Có 4 triệu chứng chính:
- nước tiểu có protein, hồng cầu và bạch cầu, có trụ hình hạt.
- Urê máu cao.
- Huyết áp cao
- Phù.
2.2. Viêm ống thận cấp:
Do ngộ độc chì, thuỷ ngân, sunfamit: người bệnh không đái được, urê máu cao, nước tiểu có protein, nhiều hồng cầu, bạch cầu trụ hình hạt. Một số chất khác gây viêm ống thận nhiễm độc như esen, photphocacbon, tetraclorua, axit oxatic, axit clohydric, axit nitric, cantarit, pyramydon naptol, clorofoc, vitamin D2.
2.3. Thận nhiễm mỡ:
Pprotein nước tiểu rất nhiều, thường trên 25g/l. nước tiểu có thể chiết quang (corps bipefringents), không có hồng cầu, bạch cầu, trụ hình hạt. Urê máu bình thường. Cholesterol và lipit máu cao. Protit máu hạ. Người bệnh phù rất nhanh.
2.4. Bột thận:
Do viêm hoặc nung mủ lâu ngày như cốt tuỷ viêm, lao, apxe phổi… người bệnh phù to, gan, lách to. Nước tiểu có nhiều protein, không có trụ hạt, hồng cầu, bạch cầu. Nghiệm pháp đỏ Côngô (+).
2.5. Ung thư:
Protein do đái ra máu. Thận to. Xquang có hình ảnh đặc biệt.
2.6. Viêm mủ bể thận:
Người bệnh đái ra mủ. Protein ở đây là do huỷ hoại tế bào. Nước tiểu có nhiều hồng cầu, nhất là bạch cầu thoái hoá.
2.7. Protein nước tiểu trong khi có thai:
Khi có thai cơ thể trong tình trạng nhiễm độc, và thường xuất hiện protein ở nước tiểu vào tháng thứ 3 do “ viêm thận nhiễm độc”. Những người có protein nước tiểu, phù và huyết áp cao xuất hiện từ tháng thứ 6, phải đề phòng “ sản giật” khi đẻ.