ĐÁI RA MỦ

Là hiện tượng có mủ trong nước tiểu. Bình thường nước tiểu có rất  ít hồng cầu (không quá 2000 bạch cầu/phút); trong trường hợp đái ra mủ, nước tiểu có rất nhiều bạch cầu đa nhân thoái hoá, đái ra mủ có thể đơn thuần, có thể  kèm theo đái ra máu.

Đái ra mủ nhiều, mắt thường có thể thấy nước tiểu đục, đái ra mủ nhẹ, nước tiểu vẫn trong, phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy được.

I. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH.

1. Đại thể:

Nước tiểu có nhiều mủ sẽ đục, để sẽ có lắng cặn, nước tiểu ở trên mủ ở dưới.

Cặn mủ gồm: các sợi, các hạt lấm tấm, các đám mây và chất nhầy. Các sợi cấu tạo của các tế bào bị thoái hoá như bạch cầu, tế bào niêm mạc hình đa giác, hình gạch lát, tơ huyết, chất nhầy và vi khuẩn. Các đám mây, các bụi mủ cấu tạo bởi các tế bào niêm mạc, các căn kết tinh…

2. Vi thể.

Chắc chắn là soi qua kính hiển vi, thấy các sợi, tế bào huỷ hoại bạch cầu bị thoái hoá, có thể thấy cả vi khuẩn Coli, tụ cầu…nước tiểu lấy phải thử ngay mới có giá trị: nếu để lâu, các tế bào và bạch cầu tự huỷ hoại.

II. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT.

Ngoài đái ra mủ, nước tiểu đục có thể là:

1. Dưỡng chấp.

Nước tiểu đục, hoặc trắng như nước vo gạo. Nếu nhiều có thể đông lại như cục thạch. Thử có nhiều dưỡng chấp. Soi kính, không có tế bào niêm mạch bị huỷ hoại, ít bạch cầu.

2. Đái ra Photphat urat.

Nước tiểu  trắng như nước vo gạo, để có lắng cặn ở dưới, nhưng không có các sợi hay đám mây… đun nóng sẽ kết tủa, nhưng rỏ axit axetic  1/10 tủa sẽ tan, và nước tiểu trong trở lại.

3. Đái ra tinh dịch:

Cuối bãi, nước tiểu đục như nước vo gạo. Soi kính có nhiều tinh trùng.

4. Nước tiểu có lẫn khí hư:

Phân biệt bằng cách lấy nước tiểu bằng ống thông.

5. Nước tiểu có nhiều vi khuẩn:

Đục, không có mủ, có mùi amoniac. Số lượng nước tiểu trong bạch cầu vẫn bình thường.

III. NGUYÊN NHÂN.

Cũng như đái ra máu, đái ra mủ có thể do tổn thương của ba nơi:

1. Mủ ở niệu đạo

1.1. Viêm niệu đạo:

Do lậu, loét hạ cam (Nicolas Favre). Triệu chứng: đái buốt, đái rắt, đái ra  mủ đầu bãi. Lấy mủ ở quy đầu hay niệu đạo soi và cấy sẽ thấy lậu cầu hình hạt cà phê hay trực khuẩn hạ cam (Ducreyi). Hiện nay rất hiếm. Thường  bao giờ cũng hậu phát do lây trực tiếp sau khi giao hợp.

1.2. Viêm hoặc apxe tiền liệt tuyến: 

Người bệnh có triệu chứng như trên. Thăm trực tràng thấy tiền liệt tuyến to, đau. Có thể gây bí đái. Đây là nguyên nhân thường gặp ở những người già.

2. Mủ  ở bàng quang.

- Do viêm bàng quang.  triệu chứng cũng  là đái buốt, đái rắt, đái ra mủ cuối bãi. Viêm bàng quang o vi khuẩn thường, vi khuẩn lậu, lao: tiên phát hay hậu phát sau bí đái lâu ngày, thông đái lâu ngày gây bội nhiễm.

- Do sỏi bàng quang: cần phải soi bàng quang để chấn đoán chắc chắn. Viêm mủ bàng quang lâu ngày sẽ gây  viêm thận ngược dòng.

3. Mủ ở thận.

3.1. Viêm mủ bể thận.

- Do vi  khuẩn.

- Do sỏi và các nguyên nhân khác gây ứ nước bể thận rồi bội nhiễm gây  viêm mủ thận bể thận hậu phát.

3.2. Lao thận. 

Khi đã thành hang, bã đậu hoá sẽ có thể đái ra mủ. Nhưng thực ra đó là chất bả đậu. Có thể tìm thấy trực khuẩn lao trong đó.

3.3. Thận nhiều nang:

Khi bị bội nhiễm, các nang biến thành  mủ: đột nhiêm sốt cao, đau vùng thận và đái mủ.

3.4. Ung thư thận:

Đôi khi có bội nhiểm vi khuẩn, nhưng rất hiếm.

IV. KẾT LUẬN.

Tóm lại, đứng trước một trường hợp lao mủ:

1. Nếu có đái buốt, đái rắt:

Nghĩ tới nguyên nhân ở bàng quang niệu đạo.

Nam giới, người già: viêm tiền liệt tuyến.

Nữ giới:  viêm bàng quang có mủ do vi khuẩn.

2. Nếu không có đái buốt, đái rắt:

Nghĩ tới nguyên nhân ở thận:

Lao thận khi đã thành hang.

Viêm mủ bể  thận: do sỏi, có thai.

 

Chương 01: Đại cương
Chương 02: Triệu chứng học bộ máy tuần hoàn
Chương 03: Triệu chứng học bộ máy hô hấp
Chương 04: Triệu chứng học bộ máy tiêu hoá
Chương 05: Triệu chứng học về máu
Chương 06: Triệu chứng học hệ thống thận – Tiết niệu
Chương 07: Triệu chứng học về nội tiết
Chương 08: Triệu chứng học thần kinh
Chương 09: Triệu chứng học hộ máy vận động (cơ, xương, khớp)
Chương 10: Các hội chứng toàn thân