HỘI CHỨNG SUY THUỲ SAU

BỆNH ĐÁI  NHẠT

I. ĐỊNH NGHĨA

Trong bệnh đái nhạt, người bệnh đái nhiều và uống nhiều kéo dài.

Số lượng nước tiểu khá nhiều, trên 3 lít trong 24 giờ, không có đường (do đó có tên là đái nhạt), không có protein tỷ trọng dưới 1,005.

Bệnh do thiếu nội tiết chống đái nhiều của thuỳ sau tuyến yên gây ra. Nhưng khoảng 60% các trường hợp  do rối loạn chức năng, không thấy rõ nguyên nhân.

II.  TRIỆU CHỨNG.

Xảy ra từ từ hoặc đột ngột, nhưng bao giờ cũng có hai triệu chứng chủ yếu.

1. Lâm sàng.

1.1. Đái nhiều: là triệu chứng chính.

- Lượng núơc tiểu trung bình từ 4 – 8 lít/24 giờ. Có khi tới  20 lít, chiếm 80-90%  số nước người bệnh uống vào.

- Số lần đái cũng nhiều, từ 10 – 20 lần, làm phiền cho ngườibệnh, nhất là về đêm, làm cản trở giấc ngủ. Nếu cố gắng chịu đựng không uống nước, người bệnh chỉ thấy khó chịu, còn vẫn đái nhiều. Nhưng lại chịu ảnh hưởng của tinh chất thuỳ sau tuyến yên: tiêm tinh chất thuỳ sau tuyến yên cho người bệnh, sẽ giảm số lượng nước tiểu.

- Xét nghiệm nước tiểu, chúng ta thấy:

Nước tiểu rất trong.

Tỷ trọng thấp.

Có rất ít các chất thường gặp trong nước tiểu người thường như canxi, urai…

Không có trụ niệu, protein và đường. Chức năng thận bình thường.

1.2. Uống nhiều. Người bệnh uống nước thường xuyên, đêm cũng như ngày: số lượng núơc uống vào có thể lên tới 10 lít, 20 lít, có khi hơn nữa, trong 24 giờ, để bù đắp kịp thời số nước mất đi vì đái nhiều.

Không được uống, người bệnh bứt rứt, khó chịu, có khi có những  hiện tượng mất nước cấp diễn như: sốt cao, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, tim đập nhanh, có khi mê sảng.

Uống nhiều như vậy, tất nhiên ảnh hưởng đến ăn (vì uống no, người bệnh không ăn được nữa), nhưng không ảnh hưởng gì đến toàn thễ trạng cả.

Với hai triệu chứng lâm sàng ấy, chỉ có thễ gợi ý bệnh, muốn chắc chắn cần tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng.

2. Cận lâm sàng.

Các nghiệm pháp thăm dò thuỳ sau tuyến yên có nhiều, ở đây chỉ giới thiệu hai nghiệm pháp chính:

2.1. Nghiệm pháp tiêm dung dịch muối ưu trương: Nghiệm pháp Carter và Robins: dựa trên nhận xét: nếu tiêm dung dịch muối ưu trương vào tĩnh mạch, sẽ làm thay đổi áp lực thẩm thấu của mạch máu, kích thích thuỳ sau tuyến yên, làm tiết ra nhiều Hocmon chống đái nhiều.

Tiến hành: ngày trước, người bệnh không đươc dùng tinh chất thuỳ sau tuyến yên. Ngừng uống nước ít nhất 4 giờ. Cho uống trong một giờ lượng nước tương đương 20ml cho mỗi cân nặng cơ thể. Cứ 15 phút một lần, thông bàng quang, tính lượng nước tiểu  trong một phút. Rỏ giọt tĩnh mạch  một lượng dung dịch NaCl ưu trương 25%0 với tốc độ 0,25 ml đối với  mỗi  kg cân nặng cơ thể  trong 1 phút, tiêm liền 45 phút.

- Trong khi tiêm và sau khi tiêm thuốc hoặc sau nửa giờ, lưu lượng núơc tiểu hạ từ 70 – 90%.

Trong bệnh đái nhạt, lưu lượng nước tiểu  không thay đổi đáng kể.

2.2. Nghiệm pháp tiêm nicotin: nghiệm pháp Cartesgarod: Nicotin có tác dụng kích thích trên trục hạ khâu não yên, làm tiết nhiều Hocmon chống đái nhiều nhưng  tác dụng này không có  khi bị suy thùy sau tuyến yên.

Tiêm 1 – 3mg nicotin vào tỉnh mạch. Tiêm từ từ  trong 3 phút. Sau khi  tiêm,  tính lượng nước tiểu trong 1 phút.

Kết quả:

- Bình thường, lưu lượng nước tiểu hạ ít nhất 80%, sau 1-2 giờ mới trở lại bình thường.

- Trong bệnh đái nhạt, lưu lượng đó giảm ít hoặc không giảm.

III. CHẨN ĐOÁN.

1. Chẩn đoán xác định.

Dựa vào hai triệu chứng đái nhiều, uống nhiều hai nghiệm pháp thăm dò tuyến yên.

2. Chẩn đoán nguyên nhân:

60% bệnh đái nhạt chỉ do rối loạn chức năng. Ngoài ra có thể gặp các nguyên nhân sau đây:

- U vùng não yên (Tumeur diencé-phalo-pitutaire).

- Nhiễm khuẩn: lao màng não vùng nền sọ, viêm não.

- Chấn thương nền sọ:  xảy ra sau phẫu thuật não bị chạm vào tuyến yên.

- Di truyền.

Chúng tôi  vừa trình bày sơ bộ  về hội chứng tuyến yên.

Trong đó chủ yếu nói tới hai bệnh thường gặp  hơn cả ở nước ta là bệnh to các viễn cực  và bệnh đái nhạt. Các bệnh khác,  chỉ giới thiệu để biết sơ qua mà thôi.

 

Chương 01: Đại cương
Chương 02: Triệu chứng học bộ máy tuần hoàn
Chương 03: Triệu chứng học bộ máy hô hấp
Chương 04: Triệu chứng học bộ máy tiêu hoá
Chương 05: Triệu chứng học về máu
Chương 06: Triệu chứng học hệ thống thận – Tiết niệu
Chương 07: Triệu chứng học về nội tiết
Chương 08: Triệu chứng học thần kinh
Chương 09: Triệu chứng học hộ máy vận động (cơ, xương, khớp)
Chương 10: Các hội chứng toàn thân