LIỆT NỬA THÂN.

I. GIẢI PHẪU HỌC.

Dây thần kinh mặt hay dây VII  là một dây thần kinh vận động của mặt xuất phát từ một nhân ở trong cầu não, đi trong rãnh hành tuỷ, cầu não qua xương đá,  lỗ ức – chũm và bám tận  vào các cơ ở mặt. Trong khi đi qua xương đá, dây VII  còn có thêm những sợi cảm giác và vị giác 2/3 trước của lưỡi và hướng  sợi ngoại tiết  của tuyến dưới hàm, dưới lưỡi và tuyến lệ (dây VII Wrisheg).

II. TRIỆU CHỨNG HỌC.

Liệt dây thần kinh  mặt chỉ  có một triệu chứng là lệch mặt, có khi kín đáo  lúc không vận động, nhưng rất rõ rệt khi mặt cử động.

1. Trường hơp liệt hoàn toàn.

Ngay khi nhìn  người bệnh, ta đã thấy mặt không được cân đối.

1.1. Khi nghỉ ngơi:

- Nhân trung lệch về bên lành.

- Nếp nhăn góc mũi, má mất đi ở bên liệt.

- Đuôi khoé mắt bên liệt  mở to hơn bên lành.

- Lông mi bên liệt hơi thấp xuống.

1.2. Khi hoạt động các cơ ở mặt thì  sự không cân đối lại càng rõ ràng hơn:

- Khi bảo người bệnh há mồm, người thầy thuốc lấy một  ngón  tay ấn vào cằm người bệnh theo chiều ngược lại, sẽ không thấy cơ da  ở cổ nổi lên  ở bên liệt ( dấu hiệu  cơ da cổ).

- Khi người bệnh há mồm, thè lưỡi, ta thấy hình như lưỡi lệch húơng về bên liệt. Thực ra lưỡi không bị lệch đi, là do mồm méo bị kéo về bên lành.’

- Ta thấy người bệnh nhắm mắt, trong trường hợp liệt dây VII thể ngoại biên, ta thấy mắt bên liệt  không nhắm kín trong khi đó nhãn cầu bên này vẫn đi lên phía trên và ra ngoài: mắt bên liệt chỉ nhìn thấy  lòng trắng và một phần lòng đen ở phía trên ngoài: đó là dấu hiệu  Charles Bell, một dấu hiệu rất có giá trị trong liệt dây VII ngoại biên.

- Khi người bệnh nhăn trán, nửa mặt bên bị liệt, các nếp nhăn hằn lên rất ít so với bên lành.

- Cuối cùng người bệnh không thể thổi sáo, phồng má thổi lửa được. Một đôi khi nói và nhai khó khăn.

2. Trường hợp liệt mặt nhẹ.

Thường hay gặp và thường hay thấy  sự không cân đối của mặt. Cần phải thăm khám tỉ mỉ, kiên trì mới phát hiện được. Có một số nghiệm pháp thùơng hay đụơc áp dụng:

- Bảo người bệnh nhắm thật chặt hai mắt, ta thấy hàng lông mi bên bị liệt có vẻ dài hơn, do mắt bên này không co chặt được.

- Hoặc bảo người bệnh nhắm thật chặt mắt, dùng hai ngón tay nhẹ nhàng  vành  hai bên mắt  người bệnh ra, thấy bên bị liệt vành ra tương đối rõ hơn so với bên lành.

III. CÁC THỂ LIỆT MẶT.

Do cấu tạo  giải phẫu  học của dây  VII, ta phân biệt hai thể  liệt  mặt khác nhau:

- Liệt mặt thể trung ương, do tổn thương phía trên nhân của dây VII.

- Liệt mặt thể ngoại biên, do tổn thương  hoặc ở ngay nhân  nằm trong cầu não, hoặc ở trong đoạn cùng phía ngoài.

Về phương diện triệu chứng học, hai thể liệt kể trên có những biểu hiện và dấu hiệu khác nhau, làm ta có thể  phân biệt được dễ dàng.

1. Liệt mặt trung ương.

Thường là liệt mặt không hoàn toàn. Biểu hiện rõ rệt là liệt dây mặt dưới. Điều này được giải thích  là do tổn thương ở bán cầu não, thường tương đối khu trú.

- Bao giờ cũng kèm theo liệt nửa thân.

- Không có dấu hiệu Charles Bell.

- Không bao giờ tiến triển sang thể co cứng.

2. Liệt mặt ngoại biên.

- Thường là liệt hoàn toàn cả dây mặt  trên lẫn mặt dưới, rõ rệt, dễ phát hiện.

- Có dấu hiệu Charles Bell.

- Có những tiến triển thành thể liệt cứng. Điều này rất đặc biệt,  thường chỉ gặp trong tổn thương  dây VII. Lúc đó các dấu hiệu bên mặt liệt hoàn toàn đảo ngược lại với các dấu hiệu đã tả trên: mắt bên liệt nhắm  chặt hơn… lúc này nếu không cẩn thận  ta rất dễ nhấm bên liệt  với bên lành. Cần chú ý hỏi quá trình tiến triển của bệnh: trước đó một thời gian đã bị liệt bên đối diện.

Trên đường đi của dây VII ở ngoại biên, từ nhân  đến chỗ bám tận,  tuỳ theo địa điểm tổn thương mà có những triệu chứng khác  nhau và chính nhờ những triệu chứng này mà đôi khi  ta có thể  chẩn đoán xác định  được vị trí tổn thương.

2.1. Tổn thương ở vùng nhân, ta thường thấy hội chứng Millard – Gubler liệt  mặt thể ngoại biên bên tổn thương, liệt nửa thân bên đối diện.  Liệt ở đây thường có kèm theo thêm cả những dấu hiệu tổn  thương các dây thần kinh  bên cạnh  như dây vận  nhỡn ngoài, dây thính giác.

2.2.  Tổn thương vùng giữa rãnh  hành tuỷ  cầu não và ống tai trong, liệt  dây VII thường kèm theo tổn thương vùng bên dây thính giác và dây sinh ba.

2.3. Tổn thương trong xương đá. Kèm theo nghe kém hay giảm cảmgiác  nếm  ở 2/3 lưỡi trước.

2.4. Tổn thương sau lỗ ức  chũm. Thường liệt hoàn toàn. Nhưng cũng  có thể  do tổn thương  một trong những nhánh tận  của  dây thần kinh  mà  chỉ liệt  dây mặt  trên hoặc dây mặt dưới.

3. Liệt mặt cả hai bên.

Rất ít gặp. Phải là tổn thương cả hai bên nào hoặc do viêm nhiều dây thần kinh,  hoặc  là một  trong số  hội chứng đặc biệt  có tính cách gia đình  hay tiên thiên.

Triệu chứng khó phát hiện:  vẻ  mặt đờ đẫn, không linh hoạt, không có sức sống. Nhai, nuốt, nói khó khăn.

IV. NGUYÊN NHÂN CỦA LIỆT MẶT.

1. Liệt trung ương.

Tất cả mọi tổn thương ở một bên bán cầu não đều có thể gây liệt mặt.

- Nhũn não.

- Chảy máu não.

- Khối u não…

Do vậy, đặc biệt  đối với những người lớn tuổi, khi xuất hiện liệt nửa mặt, cần chu ý phát hiện thêm liệt nửa thân, nhất là cố gắng  tìm dấu Babinski.

Cũng cần nhớ kỹ là  trong hội chứng  Millad –Gubler, tuy liệt  mặt thễ ngoại biên, nhưng vẫn kèm theo  liệt nửa thân và dấu hiệu Babinski bên đối diện  của liệt mặt.

2. Liệt ngoại biên.

Đi từ nhân ra đến chỗ tận cùng của dây thần kinh  đã có những nguyên nhân như sau:

- viêm màng não dày dính, làm tổn thương đoạn thần kinh  từ rãnh hành tuỷ- cầu não đến ống tai trong.

- Các nguyên nhân ở tai:  viêm tai giữa cấp hoặc mạn. Cần hỏi tiền sử chãy mủ tai hoặc  gửi  khám chuyên khoa  Tai mũi họng.

- Chấn thương vùng  đá. Ở người lớn do vỡ xương đá. Ở trẻ sơ sinh do can thiệp sản khoa như focxep hoặc do khung chậu người mẹ hẹp.

- Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn, như giang mai, viêm nhiều  dây thần kinh, bệnh bại liệt  trẻ em,  Zona  vùng  nhân gối, uốn ván mặt ở Rose (thực ra đây không phải là liệt mặt mà do co cứng  nửa mặt làm cho mắt  mất cân đối).

- Cuối cùng  cần  đặc biệt chú ý đến  những trường hợp liệt nửa mặt xảy ra đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng mà người ta thường gọi là liệt “do lạnh” . loại liệt này thường rất hay gặp trên lâm sàng, đặc biệt của bệnh là xảy ra đột ngột. Đêm đi ngũ vẫn bình thường. Sáng hôm sau dậy soi gương hoặc  người xung quanh  thấy liệt nửa mặt rõ rệt. Cũng  có thể  khi đang ăn thấy  cơm  rơi ra miệng  bên bị liệt.

Đồng thời  với liệt, một đôi khi người bệnh  có cảm giác đau ở vùng sau xương chũm. Sau hai ba tuần, rối loạn về vận động giảm dần rồi  rời khỏi hẳn, không để lại di chứng.

Cá biệt, có  trường hợp  bệnh nặng gây teo cơ  và có phản ứng thoái hoá diện hoàn toàn bên nửa mặt bị liệt. Tiến triển thường kéo dài, để lại di chứng lệch vĩnh viễn và thường bao giờ  cũng tiến triển sang thể liệt  cứng  đã tả ở trên.

Hiện nay người ta  giải thích hiện tượng liệt mặt  do lạnh như sau:  vì dây VII  trong đoạn ngoại biên phải đi qua một vùng ống xương dài và ngoằn ngoèo, như  vậy rất có thể do một khối u, vì viêm nhiễm nhất thời một đoạn nào của ống xương cũng gây chèn ép vào dây thần kinh  làm liệt nửa mặt. Đây cũng chỉ là một giả thiết chưa được chứng minh cụ thể.

V.  KẾT LUẬN.

Liệt nửa mặt là một  hội chứng tương đối dễ phát hiện, chỉ cần bảo người bệnh làm một số động tác ở mặt:

Nguyên nhân thường là:

- Nếu có liệt nửa thân: tổn thương ở não.

- Nếu có liệt nửa thân và là liệt thể ngoại biên: thường là do lạnh, tuy nhiên trước khi kết luận nguyên nhân liệt do lạnh, cần chú ý tìm nguyên do ở tai,  chấn thương vùng  xương đá. Nhất là đối với những người lớn tuổi,  cần lưu ý tai biến mạch máu não mà liệt nửa thân kín đáo  khó thấy ngay.

 

Chương 01: Đại cương
Chương 02: Triệu chứng học bộ máy tuần hoàn
Chương 03: Triệu chứng học bộ máy hô hấp
Chương 04: Triệu chứng học bộ máy tiêu hoá
Chương 05: Triệu chứng học về máu
Chương 06: Triệu chứng học hệ thống thận – Tiết niệu
Chương 07: Triệu chứng học về nội tiết
Chương 08: Triệu chứng học thần kinh
Chương 09: Triệu chứng học hộ máy vận động (cơ, xương, khớp)
Chương 10: Các hội chứng toàn thân