CÁC PHƯƠNG PHÁP THĂM DÒ CẬN LÂM SÀNG

I. TRIỆU CHỨNG XQUANG

1. Bình thường.

Thăm dò Xquang đối với xương, chủ yếu dựa vào chụp:

1.1. Chụp với nhiều tư thế khác nhau: thẳng, nghiêng, chéo.

1.2. Chụp cắt lớp: tìm các tổn thương sâu.

1.3. chụp với tư thế đặc biệt:  chụp sọ, xương bánh chè.

Nói chung sau khi chụp,  ta đánh  giá về mặt: hình dáng kích thước, độ thấu quang, cấu trúc.

2. Những thay đổi bệnh lý.

2.1. Kích thước, hình dáng: ta chú ý đến các tổn thương dị hình, cong, lồi, khuyết, tiên xương…

2.2. Đậm độ cản quang: đậm độ cản quang đo lượng vôi và tổ chức  xơ của xương quyết định, xương dày cản quang nhiều, xương mỏng cản quang ít.  Ta chia hai loại thay đổi cản quang là tăng thấu quang và giảm thấu quang.

2.2.1. Tăng thấu quang: do mất vôi hoặc tiêu xương, khi nào người ta thấy lượng  vôi trong  xương giảm > 25% mới gây dấu hiệu tăng thấu quang thấy trên phim được.

- Toàn thân (trên tất cả các xương): thấy rõ nhất ở thân đốt sống. Gặp trong các bệnh rỗ xương, mềm xương do cận giáp trạng.

- Khu trú: u xương, viêm xương, rối loạn sinh dưỡng, các bệnh khớp mạn tính gây tăng  thấu quang ở  phần xương gần khớp.

- Nhiều nơi:  bệnh đau tuỷ xương, ung thư xương thứ phát, viêm xương nhiều nơi.

2.2.2. Giảm thấu quang: xương đặc hơn, chủ yếu là tăng hiện tượng xơ xương.

- Toàn thân:  ngộ độ Fluo mạn tính, suy thận.

- Khu trú: U lành hoặc u ác tính thể  đặc xương, viêm nhồi máu.

- Nhiều nơi:  di căn ung thư  (tiền liệt tuyến).

2.3. Thay đổi về cấu trúc.  Bình thường ta phân biệt dễ dàng phần màng ngoài, vỏ xương, sụn nối… trong một số vùng có thể thấy cả  những thớ xương (cổ xương đùi, xương sên), trong các bệnh u xương, bệnh Paget, cấu trúc thường đảo lộn và thay đổi.

2.4. Gãy và nứt xương. Nhiều khi trên lâm sàng không thấy, mà chỉ dựa vào xquang mới phát hiện được. Bệnh mềm xương thường thấy xương nứt có tính chất đối xứng.

II. SINH THIẾT XƯƠNG.

Dùng để chẩn đoán bệnh xương. Đối với u lành hoặc ác tính. sinh thiết thường tiến hành ngay khi phẫu thuật. Trong các bệnh về rối loạn  chuyển hoá sinh thiết ở vùng mào chậu.

III. SINH HOÁ.

1. Thăm dò chuyển hoá Ca và P.

Can xi và Photpho là những yếu tố quan trọng để cấu tạo xương vì vậy  trong các bệnh về xương, thăm dò chuyển hoá Ca/P là rất cần thiết. Rất nhiều bệnh xương có rối loạn chuyển hoá Ca/P.

1.1. Ca máu:

- Bình thường: Ca trong máu 85 – 100mg/lít hay 5mEq/lít.

- Tăng: khi có hiện tượng phá huỷ xương (ung thư xương, u tuỷ xương, cường cận giáp trạng) hoặc dùng quá liều Ca (tiêm, uống).

- Giảm: thiếu Vitamin D, suy cận giáp trạng.

1.2. Ca niệu: bình thường  80 – 250mg/24 giờ. Thay đổi phụ thuộc vào Ca máu.

1.3. P Máu:

- Bình thường:  28 – 45 mg/lít hay 3mEq/lít.

- Tăng: suy cận giáp trạng, suy thận.

- Giảm: cường cận giáp trạng, mềm xương, còi xương.

1.4. P niệu: lượng P trong nước tiểu thay đổi nhiều, trong lâm sàng ít được sử dụng để chẩn đoán.

1.5. Men photphataza kiềm và axit trong máu:

- Photphotaza kiềm:  bình thường 8 -10 đơn vị King Armstrong  trong  1 lít máu. Tăng trong các bệnh còi xương, mềm xương, bệnh Paget…

- Photphataza axit:  bình thường 1 -5 đơn vị Plummel. Tăng trong  ung thư tiền liệt tuyến  di căn  vào xương.

2. Một số thăm dò đặc biệt  về chuyển hoá Ca, P.

2.1. Truyền Ca: Ta tiến hành truyền tĩnh mạch Ca Gluconat với liều lượng 12mg/kg, lấy nước tiểu 24 giờ sau định lượng Ca thả ra. Bình thường lượng Ca thải ra bằng 30% lượng Ca cho vào. Đối với những bệnh  thiếu Ca  ở xương (còi  xương, mềm xương), lượng Ca bị  giữ lại  chỉ còn thải ra ít  < 10%.

2.2. Nghiệm pháp vitamin D, dựa vào dự thay đổi Ca, P trong máu nước  tiểu,  trước và sau khi  dùng một lượng  vitamin D nhất định, ta chẩn đoán  tình trạng thiếu Ca hay do thiếu Vitamin D.

2.3. Thăng bằng Ca: đối với một cơ thể bình thường, lượng Ca hấp thụ bằng lượng Ca thả ra. Trong phần lớn bệnh xương (ung thư, mềm xương, rỗ xương, cường giáp trạng), người ta thấy lượng Ca thả ra lớn hơn lượng Ca hấp thụ vào, trung bình mỗi ngày 300mg).

3. Các xét nghiệm pháp khác:

Những xét nghiệm sau đây là tuỳ theo từng loại bệnh  của xương, thí dụ trong viêm xương làm công thức máu, máu lắng,  trong u tuỷ xương làm máu lắng điện  di huyết tương, chọc dò tuỷ  xương.

 

Chương 01: Đại cương
Chương 02: Triệu chứng học bộ máy tuần hoàn
Chương 03: Triệu chứng học bộ máy hô hấp
Chương 04: Triệu chứng học bộ máy tiêu hoá
Chương 05: Triệu chứng học về máu
Chương 06: Triệu chứng học hệ thống thận – Tiết niệu
Chương 07: Triệu chứng học về nội tiết
Chương 08: Triệu chứng học thần kinh
Chương 09: Triệu chứng học hộ máy vận động (cơ, xương, khớp)
Chương 10: Các hội chứng toàn thân