PHƯƠNG PHÁP  KHÁM RIÊNG MỘT  SỐ KHỚP.

I. KHÁM KHỚP HÁNG.

1. Triệu chứng chức năng.

Khi khớp háng bị tổn thương thường gây đau, vị trí đau ở vùng bẹn,  hướng lan ra trước hoặc vào trong, dọc xương  đùi xuống khớp  gối, ít lan ra phía sau. Đau tăng lên khi đi lại, có khi làm cho người bệnh đi lệch, khập khiểng. Đau ảnh hưởng đến một số động tác như ngồi, dạng đùi, mặc quần khó khăn.

2. Triệu chứng thực thể:

- Biến dạng: để người bệnh đứng hoặc nằm ngửa, ta thấy chi bị tổn thương thường có  xu hướng hơi gấp, dạng và quay ra ngoài, nếu muốn duỗi thẳng thường phải uốn lưng để khỏi đau.

- Gíơi hạn động tác:  khám tư thế nằm ngửa  và nằm sấp  xoay chuyển khớp háng theo các động tác gấp, duỗi, dạng, khép, quay ra ngoài và vào trong… (xem hình 17 và bảng ghi giới hạn hoạg động tối đa  của khớp ở cuối chương V).

- Tìm điểm đau: ở vùng tam giác Scarpa, ấn vào mấu chuyển lớn, vùng cổ  xương đùi.

- Tìm hạch ở vùng bẹn:  ít  giá trị.

II. KHÁM KHỚP GỐI.

1. Triệu chứng chức năng:

- Đau: đau ở vùng khớp gối thường  lan xuống cẳng chân, tăng khi đi lại và vận động.

- Vướng trong khớp:  nếu có tổn thương đĩa đệm.

- Tiếng lắc rắc khi vận động:  thoái khớp có thể thấy dấu hiệu này.

2. Triệu chứng thực thể.

- Sưng: vì khớp gối to và nông nên khi sưng dễ thấy hơn các khớp khác. Sưng có thể kèm nóng, đỏ, đau nếu nguyên nhân do viêm. Vị trí sưng  ở phần trên khớp  nhiều hơn vì đó là vùng  túi cùng của cơ  từ đầu; khi khớp gối có nước ta làm nghiệm pháp bập bềnh xương bánh chè hay chạm xương bánh chè. Người bệnh nằm ngửa, chân duỗi, thầy thuốc dùng hai bàn tay dồn xung quanh xương bánh chè làm cho dịch khớp tập trung nhiều  ở dưới xương bánh chè, sau đó  dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ vào xương bánh chè, ta sẽ có cảm giác  xương  bánh chè  chạm nhẹ vào đầu xương đùi và nước dồn ra xung quanh.  Khi  nước trong khớp  quá nhiều  và  căng thì dấu hiệu  này  không rõ bằng lượng nước ít  hoặc trung bình (hình 18).

- Hiện tượng biến dạng:  Biến dạng khớp gối có thể do bẩm sinh: choãi vào trong, ra ngoài, hoặc thứ phát sau một số bệnh khớp  như biến dạng nửa gấp, biến dạng choãi ra ngoài, vào trong và đôi khi  biến dạng choãi ra sau (hình 19).

- Giới hạn động tác: khám với tư thế nằm ngửa và nằm sấp, chủ yếu ta thăm khám  động tác gấp của khớp gối.

- Hiện tượng lỏng khớp:  do tổn thương dây chằng và bao khớp.

Tổn thương dây chằng bên: cẳng chân lúc lắc sang hai bên dễ dàng (hình 20 a).

Tổn thương dây chằng chéo trước sau: dấu hiệu rút ngăn kéo (hình 20b). tổn thương dây chằng khớp cổ chân  thì bàn chân sẽ lỏng lẻo khi ta di động theo chiều trước sau (hình 20c).

- Tìm các điểm sau: ít giá trị trong chẩn đoán.

- Các hiện tượng khác: teo cơ,  nổi hạch cần phát hiện  khi thăm khám.

III. KHÁM CỘT SỐNG.

1. Triệu chứng chức năng.

- Đau là dấu hiệu hay gặp.

- Vị trí: đau có thể chỉ  ở một đốt, một đoạn, lan toả cả cột sống. Đau có thể ở chính giữa nhưng cũng có khi  lệch sang một bên.

- Tính chất: phần lớn mang tính chất cơ giới, tăng khi mang vác, đứng ngồi lâu, vận động, giảm khi nằm. Riêng bệnh viêm cứng cột sống , đau tăng  về đêm và khi nằm.

- Đau có thể lan theo các rễ thần kinh đi xa, nếu tổn thương có chèn ép  vào các rễ thần kinh.

- Hạn chế động tác: vùng thắt lưng gây ra hạn chế động tác rõ ràng hơn vùng lưng, thường người bệnh không chú ý đến  nếu không có kết hợp với đau. Hoặc người bệnh  đi khám vì lệch vai, đi lệch …. Vùng đốt sống cổ, khi hạn chế động tác thường được phát hiện sớm vì gây cản trở hoạt động thông thường của người bệnh  ngay ở mức độ nhẹ.

2. Triệu chứng thực thể. 

Muốn khám cột sống, cần phải cởi hết áo quần để bộc lộ toàn bộ cột sống từ chẩm xuống tới xương cùng cụt, tư thế đứng chụm hai gót chân, hai tay thẳng và áp vào hai đùi, ta quan sát phía lưng và nghiêng ít khi khám với tư  thế nằm sấp và ngồi.

2.1. Những thay đổi về đường cong của cột sống:

- Bằng cách kẻ các đường ngang qua cột sống, ta chia làm nhiều đoạn: đường qua bả vai: DIII, đường qua mỏm bả: DVII, đường qua mào chậu LIV. Bình thường đoạn sống cổ hơi cong lồi ra sau, đoạn lưng cong lồi ra sau và thắt lưng lồi ra trước.

- Những thay đổi về đường cong cột sống có thể là  bẩm sinh  hay thứ phát bao gồm: gù, ưỡn, vẹo. Khi thăm khám cần đánh giá những thay đổi này ở  đoạn nào của cột sống.

2.2. Lồi gai hay thụi gai:

Dùng các ngón tay miết nhẹ trên các mỏm gai  sau của cột sống  từ dưới đi lên, ta sẽ thấy gai lồi đều và vừa phải (trừ đốt C7 lồi nhiều)  như  hình làn sóng.

- Trong trường hợp tụt đốt  sống ra sau, ta sẽ thấy gai của  đốt ấy lồi ra nhiều hơn.

- Nếu tụt ra trước  thì ngược lại, gai sẽ tụt xuống thấp hơn nhiều gai khác.

- Trong trường hợp một số đốt sống tổn thương nặng,  có thể gây nên tình trạng gập cột sống  thành hình một góc  (tù nhọn).

2.3. Giới hạn động tác hay cứng cột sống:

- Khi khám, ta làm các động tác  cúi, ngửa, nghiêng hai bên, quan trọng nhất là  động tác cúi: người bệnh đứng chụm hai bàn chân sát vào nhau, đầu gối thẳng không gấp, từ từ cúi xuống,  bình thường các ngón tay có thể chạm sát đất khi cúi. Trong trường hợp cứng cột sống, người bệnh cúi được ít hoặc không cúi được. Cứng đoạn thắt lưng ảnh hưởng nhiều động tác cúi.

- Riêng đối  với các đốt sống cổ, ngoài các động tác cúi, ngửa, nghiêng, cần làm thêm động tác quay sang hai bên.

Cứng cột sống thường  hay phối hợp  với co cứng các cơ cạnh cột sống.

2.4. Điểm đau:

Có giá trị trong chẩn đoán tổn thương, khám với tư  thế  nằm sấp, ta ấn vào gai,  vùng liên gai, rãnh liên đốt sống  và các điểm cạnh cột sống.

2.5. Những tổn thương thần kinh:

Bệnh về cột sống  thường ảnh hưởng đến thần kinh, nên khi khám cột sống cần chú ý đến khám thần kinh: rễ thần kinh,  thần kinh  hồng to, hiện tượng liệt, rối loạn cơ tròn…

GIỚI HẠN HOẠT ĐỘNG TỐI ĐA CỦA KHỚP.

Khớp

Gấp

Duỗi

Khép

Dạng

Nghiêng

Quay

Việt Nam

Nước ngoài

Việt Nam

Nước ngoài

Việt Nam

Nước ngoài

Việt Nam

Nước ngoài

Việt Nam

Nước ngoài

Việt Nam

Nước ngoài

Háng

1300

1300

330

200

250

150

560

800

180

Cổ tay

700

850

550

850

400

450

220

150

Cổ

520

650

450

600

Gối

1300

1300

Khuỷu

1370

1400

Vai đưa ra trước: 900

Vai đưa lên trên: 1000

Vai đưa ra sau: 900

Vai đưa sang ngang: 800

 

Chương 01: Đại cương
Chương 02: Triệu chứng học bộ máy tuần hoàn
Chương 03: Triệu chứng học bộ máy hô hấp
Chương 04: Triệu chứng học bộ máy tiêu hoá
Chương 05: Triệu chứng học về máu
Chương 06: Triệu chứng học hệ thống thận – Tiết niệu
Chương 07: Triệu chứng học về nội tiết
Chương 08: Triệu chứng học thần kinh
Chương 09: Triệu chứng học hộ máy vận động (cơ, xương, khớp)
Chương 10: Các hội chứng toàn thân