CÁCH KHÁM MỘT NGỪƠI BỆNH BỊ SỐT.

I. Nhận định sốt.

Sau khi đã xác định sốt bằng nhiệt kế, cần phải nhận định sốt  về các phương diện.

  1. Khởi phát.

- Đột ngột: đang khoẻ mạnh, người bệnh đột nhiên bị sốt cao ngay như trong cúm, sốt rét cơn, viêm bể thận, viêm mật quản, viêm phổi hoặc  các nhiễm khuẫn ở nơi khác.

- Hoặc dần dần sau một thời gian mệt mỏi, khó chịu rồi mới bắt đầu sốt  và nhiệt độ tăng lên dần dần  như trong thương hàn, lao, bệnh thấp khớp.

  1. Tính chất.

- Chỉ sốt như trong thương hàn, lao, viêm màng  não, viêm não, sởi, thuỷ đậu…

- Hoặc khởi phát bằng một cơn rét run rồi sốt liên tục trong những ngày  sau như trong  viêm phổi, sốt hồi quy, sốt do xoắn khuẩn hoặc trong một số trường hợp  cúm.

- Hoặc có những cơn rét run làm cho người bệnh phải đắp hai, ba chăn, rồi kèm theo sau là sốt ra  mồ hôi, sau đó lại hết để tái phát lại nhiều lần trong ngày hoặc trong những ngày sau như trong: sốt rét cơn, viêm bể thận, viêm mật quản, các ổ nung mủ sâu, nhiễm khuẩn máu.

  1. Diễn biến: việc theo dõi diễn biến, chủ yếu phải dựa trên biểu đồ nhiệt độ, rất có giá trị  khi người bệnh sốt đã 5, 7 ngày trở lên, vì dựa trên đó, người ta mới chia ra làm nhiều loạii sốt  có giá trị gợi ý hoặc đặc hiệu cho  các bệnh  gây ra sốt.

- Sốt liên tục: biểu diễn thành một đường hình cao nguyên, nhiệt độ cao suốt ngày, nhiệt độ sáng và chiều chênh lệch nhau rất ít, thường không quá 10C. loại sốt này thường gặp trong thương hàn, viêm phổi

- Sốt dao động: Biểu diễn thành một đường có nhiều hình tháp, trong đó quá trình sốt gồm nhiều cơn, giữa các cơn nhiệt độ có thể:

+  Không xuống hẳn bình thường: vẫn còn hơi sốt ( 3702 – 3705C); đấy là các loại sốt không dứt cơn, thường gặp trong bệnh nhiễm khuẩn máu, viêm mật quản, viêm bể thận, các ổ nung mủ tâu. Trong loại này, cơn sốt xảy ra vào bất cứ  giờ nào trong ngày, khi vài ba cơn trong ngày, có khi vài ngày mới có một cơn.

+ Xuống hẳn bình thường: nhiệt độ tuyến thể hiện từng cơ n rõ ràng mỗi cơn cách nhau bằng một thời gian không  sốt;  trong đó người bệnh thấy thoải mái dễ chịu, tưởng như mình đã khỏi hẳn; đấy là loại sốt cơn, điển hình trong sốt rét cơn. Trong loại này cơn sốt xảy ra vào một giờ nhất định  mỗi ngày (Pl. malarrine).

Trong loại sốt dao động này,  nhất là loại không dứt cơn, cần chú ý lấy nhiệt độ nhiều lần trong ngày,  có khi 3 lần  một ngày thì mới phát hiện được  cơn sốt cao.

+ Sốt hồi quy: là loại sốt từng đợt, mỗi đợt sốt  kéo dài một tuần, 10 hôm, kế tiếp bằng một đợt dài như vậy không sốt, để rồi sau đợt không sốt này lại có một đợt sốt khác  kế tục. Điển hình của loại sốt này gặp trong bệnh sốt hồi quy.

II. RỐI LOẠN CHỨC NĂNG.

  1. Tì nh trạng tinh thần.

- Các biểu hiện nhỏ, không đáng kể như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất hoặc kém ngủ.

- Các biểu hiện quan trọng như mê sảng, hôn mê, các động tác bất thường  (bắt chuồn chuồn) và cơn co giật (thường xảy ra ở trẻ em khi sốt cao bất cứ (do nguyên nhân gì).

  1. Tình trạng tim – mạch: khi sốt, tim đập nhanh lên, trung bình cứ thân nhiệt tăng 10C  thì  nhịp tim tăng từ 20 đến 15 nhịp trong một phút; riêng trong thương hàn có thể  có sự phân ly mạch nhiệt độ  (nhiệt độ vẫn cao  mà mạch không tăng theo).

Sự theo dõi tim mạch rất cần thiết, vì người bệnh sốt nhiều bất cứ do nguyên nhân gì đều có thể chết vì truỵ tim mạch, cần phát hiện sớm để đối phó kịp thời bằng các biểu hiện như: nhịp nhanh, có khi có tiếng ngựa phi, tiếng tim mờ, huyết áp tụt, mạch chỉ.

  1. Tình trạng thải tiết nước tiểu: trong khi sốt người bệnh thường đái rất ít. Về sau, khi sắp hồi phục, người bệnh đái nhiều hơn: hiện tượng cơn đái nhiều (crise urinaire) thường là báo hiệu cho sự khỏi bệnh. Trái lại người bệnh càng đái ít bao nhiêu  càng có giá trị tiên lượng xấu.

  2. Tình trạng kiệt nước và điện giải: do hiện tượng thở nhiều, ra mồ hôi khi người bệnh sốt. Biểu hiện bằng: khát nước, đái ít, môi khô nẻ, rộp, lưỡi khô, da khô nhăn nheo.

Cần phát hiện để cung cấp nước cho người bệnh  hoặc bằng đường uống hoặc bằng đường tiêm (truyền huyết thanh).

  1. Tình trạng chảy máu: có thể ở:

- Da và niêm mạc.

- Hoặc các phủ tạng, nôn ra máu,  ỉa ra máu, đái ra máu.

  1. Tình trạng tiêu hoá. Nôn, buồn nôn, ỉa lỏng, táo bón.

Sự phát hiện các rối loạn nói trên  rất quan trọng, nhất là ở những người  bệnh sốt nhiễm khuẩn cấp diễn:  sự tập hợp của một số rối loạn ấy  có giá trị tiên lượng rất nặng, mà các thầy thuốc lâm sàng thường gọi là  “ hội chứng cá tính”  biểu hiện bằng 4 loại triệu chứng:

- Triệu chứng thần kinh.

- Triệu chứng tim mạch.

- Triệu chứng tiêu hoá.

- Triệu chứng chảy máu.

Nếu sự phát hiện các triệu chứng này  có giá trị quan trọng về  tiên lượng thì  sự phát hiện các triệu chứng  chỉ điểm có một giá trị quan trọng để chẩn đoán nguyên nhân.

III. PHÁT HIỆN CÁC TRIỆU CHỨNG CHỈ ĐIỂM.

Các triệu chứng chỉ điểm này có thể là các triệu chứng chủ quan hoặc khách quan, do đó thầy thuốc cần phải:

1. Hỏi toàn diện: cần hỏi lần lượt (để khỏi bỏ sót) các triệu chứng chủ quan thuộc từng bộ phận: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, gan mật, tiết niệu, tính thần kinh, vận động (cơ, khớp, xương…).

2. Khám toàn diện: phải khám kỹ lưỡng và theo trình tự  như đã trình bày  trong bài “ công tác khám  bệnh và chẩn đoán”.

- Khám toàn thân.

- Khám từng bộ phận: không bỏ sót một bộ phận nào.

- Khám các chất thải tiết và một số thể dịch.

Các triệu chứng chỉ điểm  có khi khá rõ ràng ở lâm sàng, chỉ cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định cụ thể hơn và đánh giá mức độ. Nhưng  cũng nhiều khi lâm sàng không có một  triệu chứng chỉ điểm nào cả ngoài tình trạng sốt  và các rối loạn chức phận  hoặc toàn thể do nó gây nên, vai trò  của xét nghiệm cận lâm sàng lúc này rất cần thiết  vì sẽ cung cấp cho chúng ta  những triệu chứng chỉ điểm  hoặc những tài liệu để làm một chẩn đoán mà có thể lâm sàng chưa nghĩ ra.

IV. CÁC XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG.

1. Nếu có triệu chứng lâm sàng chỉ điểm: đấy là  những trường hợp mà nhờ các triệu chứng lâm sàng chỉ điểm đó, chúng ta đã có một chẩn đoán lâm sàng sơ bộ.

Tất nhiên trong những trường hợp này, các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định tuỳ theo các triệu chứng lâm sàng chỉ điểm và chẩn đoán sơ bộ của lâm sàng.

2. Nếu không có triệu chứng lâm sàng chỉ điểm:  trong những trường hợp này, thường phải làm một số xét nghiệm  nhất loạt để qua đó chúng ta may mắn có thể tìm được  một số triệu chứng cận lâm sàng chỉ điểm, góp cho chẩn đoán nguyên nhân. Thông thường các xét nghiệm cận lâm sàng như:

- Công thức máu, tốc độ lắng máu: một công thức máu có bạch cầu tăng nhiều cùng với đa nhân trung tính (nhất là làm 2- 3 lần  mà vẫn có một kết quả tương tự như  vậy) mà tốc độ tăng lắng máu nhanh, thường hướng cho ta một hội chứng nhiễm khuẩn, có thễ một ổ nhiểm khuẩn  hoặc một ổ nung mủ sâu mà lâm sàng có thể bỏ qua.

- Ký sinh vật sốt rét (làm cả phiến đồ mỏng và giọt đặc) bắt buộc phải làm ở nước ta, nhất là ở những người đang ở  hoặc vừa mới ở  một vùng  còn sốt rét. Muốn chính xác, cần lấy máu thử khi người bệnh đang lên cơn rét.

- Cấy máu: tốt nhất cũng nên lấy máu khi người bệnh đang sốt và nhất là chưa dùng các thuốc kháng sinh.

- Một số huyết thanh chẩn đoán: để phát hiện một số bệnh thông thường như Widal: thương hàn, Martin Pettit: sốt do Leptospira, Weil Felix: sốt do Ricketsia.

Cần chú ý, các xét nghiệm này chỉ dương tính  khi bệnh đã tiến triển một thời gian, cho nên phải lấy máu thử từ tuần thứ hai, thứ ba trở đi, nếu phản ứng hơi dương tính, cần làm lại lần thứ 2. nếu lần thứ hai hiệu giá  ngưng kết có tăng hơn  thì mới có giá trị chẩn đoán.

- Chiếu hoặc chụp phổi: để phát hiện những tổn thương nhỏ bé mà lâm sàng có thể đã bỏ qua.

- Nước tiểu:  protein, tế bào (để phát hiện  các  bệnh ở hệ thống thận, tiết niệu).

 

Chương 01: Đại cương
Chương 02: Triệu chứng học bộ máy tuần hoàn
Chương 03: Triệu chứng học bộ máy hô hấp
Chương 04: Triệu chứng học bộ máy tiêu hoá
Chương 05: Triệu chứng học về máu
Chương 06: Triệu chứng học hệ thống thận – Tiết niệu
Chương 07: Triệu chứng học về nội tiết
Chương 08: Triệu chứng học thần kinh
Chương 09: Triệu chứng học hộ máy vận động (cơ, xương, khớp)
Chương 10: Các hội chứng toàn thân