A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Z

 

HUMULIN R - HUMULIN N - HUMULIN L - HUMULIN M3 (30/70) - HUMULIN 70/30

ELI LILLY

Humulin R :

dung dịch tiêm 40 UI/mL : hộp 1 lọ 10 mL - Bảng B.

dung dịch tiêm 100 UI/mL : hộp 5 cartridge 1,5 mL - Bảng B.

Humulin N :

hỗn dịch tiêm 40 UI/mL : hộp 1 lọ 10 mL - Bảng B.

hỗn dịch tiêm 100 UI/mL : hộp 5 cartridge 1,5 mL - Bảng B.

Humulin L :

hỗn dịch tiêm 40 UI/mL : hộp 1 lọ 10 mL - Bảng B.

Humulin M3 (30/70) :

hỗn dịch tiêm 40 UI/mL : hộp 1 lọ 10 mL - Bảng B.

Humulin 70/30 :

hỗn dịch tiêm 100 UI/mL : hộp 5 cartridge 1,5 mL - Bảng B.

THÀNH PHẦN

Humulin R

Dạng lọ 40 UI/mL

cho 1 mL
Human Insulin 40 UI
M-cresol chưng cất 2,5 mg
Glycerol 16 mg
Nước pha tiêm vđ 1 mL

Dạng cartridge 100 UI/mL

cho 1 mL
Human Insulin 100 UI
M-cresol chưng cất 2,5 mg
Glycerol 16 mg
Nước pha tiêm vđ 1 mL

Humulin N

Dạng lọ 40 UI/mL

cho 1 mL
Human Insulin 40 UI
M-cresol chưng cất 1,6 mg
Glycerol 16 mg
Phenol 0,65 mg
Protamine sulphate vđ để có tổng hàm lượng protamine base là 0,108 mg
Dibasic sodium phosphate 3,78 mg
Oxide kẽm vđ để cho tổng hàm lượng Zn2+ 40 mg
Nước pha tiêm vđ 1 mL

Dạng cartridge 100 UI/mL

cho 1 mL
Human Insulin 100 UI
M-cresol chưng cất 1,6 mg
Glycerol 16 mg
Phenol 0,65 mg
Protamine sulphate vđ để có tổng hàm lượng protamine base là 0,348 mg
Dibasic sodium phosphate 3,78 mg
Oxide kẽm vđ để cho tổng hàm lượng Zn2+ 40 mg
Nước pha tiêm vđ 1 mL

Humulin L

Dạng lọ 40 UI/mL

cho 1 mL
Human Insulin 40 UI
Sodium acetate 1,6 mg
Sodium chloride 7 mg
Oxide kẽm vđ để cho tổng hàm lượng Zn2+ 0,084 mg
Methyl parahydroxybenzoate 1 mg
Dịch treo hạt Insulin vô khuẩn vđ để tạo tinh thể
Nước pha tiêm vđ 1 mL

Humulin M3 (30/70)

Dạng lọ 40 UI/mL

cho 1 mL
Human Insulin 40 UI
M-cresol chưng cất 1,6 mg
Glycerol 16 mg
Phenol 0,65 mg
Protamine sulphate vđ để có tổng hàm lượng protamine base 0,0756 mg
Dibasic sodium phosphate 3,78 mg
Oxide kẽm vđ để cho tổng hàm lượng Zn2+ 40 mg
Nước pha tiêm vđ 1 mL

Humulin 70/30

Dạng cartridge 100 UI/mL

cho 1 mL
Human Insulin 100 UI
M-cresol chưng cất 1,6 mg
Glycerol 16 mg
Phenol 0,65 mg
Protamine sulphate (xấp xỉ) 0,244 mg
Dibasic sodium phosphate (heptahydrate) 3,78 mg
Oxide kẽm vđ để cho tổng hàm lượng Zn2+ 40 mg
Nước pha tiêm vđ 1 mL

TÍNH CHẤT

Humulin (human insulin có nguồn gốc từ tái kết hợp DNA, Lilly) là một hormone polypeptid gồm chuỗi A có 21 amino acid và chuỗi B có 30 amino acid, nối với nhau bằng hai cầu nối sulfur.

Về phương diện vật lý, hóa học, sinh học và miễn dịch học, Humulin giống như insulin được tiết từ tụy người, hơi khác với insulin của bò và heo về thành phần amino acid. Dạng trình bày của Humulin : dạng lọ và dạng cartridge.

Humulin R : (insulin tác dụng nhanh) human insulin dạng dung dịch trung tính có nguồn gốc từ tái kết hợp DNA.

Humulin N : (insulin tác dụng chậm) human insulin dạng dịch treo (NPH) có nguồn gốc từ tái kết hợp DNA.

Humulin L : (insulin tác dụng chậm) human insulin dạng dịch treo tinh thể insulin - kẽm, có nguồn gốc từ tái kết hợp DNA.

Humulin 70/30 : Dạng hỗn hợp, gồm có 70% dịch treo (human insulin có nguồn gốc từ tái kết hợp DNA) và 30% dạng dung dịch tác dụng nhanh (human insulin dạng trung tính có nguồn gốc từ tái kết hợp DNA).

Đóng gói

Humulin R : Dung dịch human insulin dạng nước trong suốt không màu vô khuẩn, trung tính được điều chỉnh để pH từ 6,6 đến 8,0 ; 40 đơn vị/mL trong lọ 10 mL đóng nắp cao su, và dạng 100 đơn vị/mL trong cartridge 1,5 mL để sử dụng trong bút Becton Dickinson-BD (đóng hộp gồm 5 ống).

Humulin N : Dung dịch treo màu trắng vô khuẩn, chứa human insulin dạng tinh thể tác dụng chậm trong dung dịch sulfate đệm đẳng trương, được điều chỉnh để pH từ 6,9 đến 7,5 ; 40 đơn vị/mL trong lọ 10 mL đóng nắp cao su và dạng 100 đơn vị/mL trong cartridge 1,5 mL để sử dụng trong bút BD (đóng hộp gồm 5 ống).

Humulin L : Dung dịch treo màu trắng vô khuẩn, chứa tinh thể human insulin dạng trong suốt không định hình trong dung dịch đệm acetate trung tính, được điều chỉnh để pH từ 7,0 đến 7,8 ; 40 đơn vị/mL trong lọ 10 mL đóng nắp cao su.

Humulin M3 (30/70) : Hỗn hợp dung dịch treo vô khuẩn NPH 30% và human insulin tác dụng nhanh 70% được điều chỉnh để pH từ 6,9 - 7,5 ; 40 đơn vị/mL trong lọ 10 mL đóng nắp cao su.

Humulin 70/30 : Hỗn hợp dung dịch treo vô khuẩn NPH 70% và human insulin tác dụng nhanh 30% được điều chỉnh để pH từ 6,9 - 7,5 ; 100 đơn vị/mL trong cartridge 1,5 mL để sử dụng trong bút BD (đóng hộp gồm 5 ống).

DƯỢC LỰC

Dùng insulin liều thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường kết hợp với thể dục và chế độ ăn kiêng có thể duy trì tạm thời khả năng chuyển hoá đối với các chất carbonhydrate, đạm và mỡ, tích lũy glycogen ở gan và chuyển glucose thành mỡ. Bệnh nhân tiểu đường dùng Insulin liều thích hợp ở những khoảng thời gian đều đặn, đường huyết sẽ được duy trì ở mức hợp lý, nước tiểu tương đối không có đường niệu và các thể ketone, cũng như phòng ngừa được chứng toan hóa máu và hôn mê do tiểu đường.

Các thử nghiệm cho thấy loại human insulin sinh tổng hợp bằng kỹ thuật tái kết hợp DNA không gây những phản ứng miễn dịch khi so sánh với insulin có nguồn gốc từ động vật. Human insulin dạng sinh tổng hợp không có lẫn các protein dầu chỉ ở dạng vết mà trong tất cả các insulin có nguồn gốc động vật thường có.

Các phương pháp tinh khiết được làm nghiêm túc khi sản xuất human insulin dạng sinh tổng hợp đã loại ra được các protein của E. coli phát hiện được nhờ những phương pháp hiện có. Ngay cả khi protein của E. coli chỉ hiện diện rất ít, các khảo sát lâm sàng cho thấy là cũng không phát hiện được kháng thể của protein E. coli, nên cũng không thể bị quy cho là do dùng human insulin dạng sinh tổng hợp. Human insulin dạng sinh tổng hợp đã không loại được đáp ứng kháng nguyên khi dùng cho chuột cống và chuột lang đã mẫn cảm với polypeptid của E. coli.

Mặc dầu human insulin ít tạo ra tính kháng nguyên hơn là insulin bò hoặc heo, nhưng không phải là không có tính kháng nguyên.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Humulin R là một chế phẩm có thời gian tác dụng ngắn. Thời gian bắt đầu có tác dụng khoảng sau 30 phút, kéo dài từ 6 đến 8 giờ và tác dụng đỉnh từ 2 đến 4 giờ.

Humulin N là một chế phẩm có thời gian tác dụng trung bình, bắt đầu tác dụng khoảng sau 1 giờ, kéo dài 16 đến 18 giờ và tác dụng đỉnh từ 4 đến 10 giờ.

Humulin L là một chế phẩm có thời gian tác dụng trung bình. Bắt đầu có tác dụng khoảng sau 1 giờ, kéo dài đến 24 giờ và tác dụng đỉnh từ 6 đến 12 giờ.

Humulin 70/30 là một loại insulin có thời gian tác dụng trung bình, với thời điểm bắt đầu có tác dụng sau khi dùng thuốc nhanh hơn dùng NPH đơn thuần. Thời gian tác dụng kéo dài từ 16 đến 18 giờ và tác dụng đỉnh ở khoảng 2 đến 12 giờ.

CHỈ ĐỊNH

- Dùng cho bệnh nhân tiểu đường có nhu cầu insulin để duy trì sự ổn định đường huyết.

- Kiểm soát ban đầu bệnh tiểu đường và tiểu đường lúc có thai.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Humulin R, Humulin N, Humulin L, Humulin M3 (30/70) và Humulin 70/30 chống chỉ định dùng trong trường hợp có hạ đường huyết.

Dị ứng với các thành phần của thuốc.

CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG

Từ các dạng insulin khác chuyển sang

Một số ít bệnh nhân dùng insulin có nguồn gốc động vật chuyển sang dùng insulin có nguồn gốc từ tái kết hợp DNA có thể cần phải giảm liều, nhất là ở những bệnh nhân cần được kiểm soát chặt chẽ và dễ bị hạ đường huyết. Có thể giảm ngay liều đầu tiên, hoặc trong những tuần đầu tiên. Nếu nhu cầu insulin giảm sẽ có nguy cơ hạ đường huyết, cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều cần biết đến khả năng này. Nguy cơ có thể được xem như là ít xảy ra nếu liều dùng hàng ngày dưới 40 đơn vị. Các bệnh nhân kháng với insulin dùng liều trên 100 đơn vị/ngày nên nhập viện khi cần chuyển sang dạng insulin khác.

Các khảo sát về dược học cho thấy, ở những bệnh nhân đã ổn định với hỗn hợp insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng chậm loại bò và heo, thì thời gian bắt đầu có tác dụng của human insulin sớm hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn so với insulin động vật. Có thể cần điều chỉnh lại tỷ lệ thành phần khi chuyển sang dùng dạng human insulin. Một vài bệnh nhân có phản ứng hạ đường huyết sau khi được chuyển sang dùng Humulin đã ghi nhận là các triệu chứng cảnh giác sớm này ít rõ rệt hơn so với dạng insulin có nguồn gốc động vật.

THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

Cần phát hiện ngay và xử trí thích hợp các biến chứng của việc dùng insulin, để bảo đảm an toàn và kiểm soát có hiệu quả bệnh tiểu đường khi điều trị bằng insulin.

Số lần dùng và liều dùng hàng ngày, thời điểm sử dụng thuốc cũng như thể dục và ăn kiêng là những vấn đề mà các thầy thuốc cần giám sát trực tiếp và liên tục.

Trong những trường hợp đặc biệt (như gia tăng gắng sức, ăn không đủ.v.v...), liều insulin dùng hàng ngày cho bệnh nhân có thể là liều quá cao. Bệnh nhân nên luôn mang theo trong mình một ít đường glucose. Về triệu chứng, xin xem phần Quá liều.

Trong trường hợp các bệnh nhiễm khuẩn như cảm lạnh, mụn nhọt v.v... nhu cầu về insulin tăng, bệnh nhân phải nên hỏi ý kiến thầy thuốc đúng lúc để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Các bệnh lý như bệnh to cực, hội chứng Cushing, cường giáp và u tủy thượng thận sẽ làm cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường phức tạp hơn.

Rối loạn thị giác trong bệnh tiểu đường không được kiểm soát do thay đổi khúc xạ sẽ được phục hồi nếu được trị liệu hiệu quả ở giai đoạn sớm. Vài tuần lễ sau khi khởi đầu điều trị bằng insulin, cân bằng thẩm thấu giữa thủy tinh thể và các dịch ở nhãn cầu có thể không ổn định, do đó nên hoãn việc chọn kính đeo mắt trong vòng từ 3 đến 6 tuần.

Nhu cầu insulin có thể tăng, giảm hoặc không thay đổi khi bệnh nhân dùng thuốc lợi niệu.

Nhu cầu insulin có thể tăng khi đau ốm hoặc có xáo trộn về cảm xúc hoặc khi bệnh nhân dùng đồng thời các thuốc gây tăng đường huyết như : uống thuốc ngừa thai, steroid, hormone tuyến giáp, hormone tăng trưởng, glucagon hoặc adrenaline.

Tác dụng gây hạ đường huyết của insulin cũng có thể bị đối kháng bởi phenytoin. Nhu cầu insulin có thể giảm ở bệnh nhân bị suy gan hoặc thận, hoặc nếu bệnh nhân có dùng đồng thời các thuốc gây hạ đường huyết như : các steroid tăng chuyển hóa, thuốc ức chế MAO, guanethidine, rượu, propranolol (che lấp tác dụng), những thuốc khác tác dụng lên thụ thể b-adrenergic hoặc salicylate với liều hàng ngày từ 1,5 g đến 6 g.

LÚC CÓ THAI

Cần theo dõi liên tục bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc insulin trong suốt thai kỳ. Nhu cầu insulin thường giảm trong 3 tháng đầu và tăng trong 6 tháng cuối của thai kỳ.

TÁC DỤNG NGOẠI Ý

Nên dùng các chế phẩm của Humulin để làm giảm bớt tần suất xảy ra các phản ứng phụ thường gặp khi dùng insulin có nguồn gốc động vật. Tuy vậy, có một số rất ít báo cáo bệnh nhân phản ứng quá mẫn đối với human insulin, nhưng lại dung nạp được insulin có nguồn gốc động vật.

Các phản ứng đã được ghi nhận như sau :

Dị ứng tại chỗ : ngứa, nổi ban, đỏ da, cứng da.

Dị ứng toàn thân : phản ứng dạng phản vệ, nổi mề đay.

Teo tổ chức mỡ.

Phì đại tổ chức mỡ.

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Liều dùng cho bệnh nhân phải do thầy thuốc quyết định vì tùy theo nhu cầu của từng bệnh nhân. Tiêm dưới da, thường được bệnh nhân ưa thích hơn, nên tiêm ở vùng trên cánh tay, đùi, mông, hoặc bụng. Nên thay đổi các vị trí tiêm, để cho ở cùng một vị trí không được dùng hơn một lần trong tháng.

Nên cẩn thận để đảm bảo không chích thuốc nhầm vào mạch máu. Không nên xoa nắn chỗ chích thuốc.

Loại Humulin đựng trong lọ :

Humulin R là một insulin có tác dụng ngắn, có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Humulin N, Humulin L, Humulin M3 (30/70) và Humulin 70/30 chỉ nên dùng đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

Humulin R có thể được dùng kết hợp với Humulin N tùy thuộc vào nhu cầu chuyển hóa từng bệnh nhân và sẽ do thầy thuốc quyết định. Hỗn hợp Humulin R và N thường được dùng theo công thức 2 lần/ngày.

Humulin N, Humulin L có thể được dùng như là một liều duy nhất trong ngày trước bữa ăn sáng, thường đó là thời gian tiêm thuốc thích hợp nhất.

Tác dụng của những hỗn hợp insulin này với các insulin có nguồn gốc động vật chưa được khảo sát, và được khuyên là không nên thực hiện điều này.

Humulin N, Humulin L, Humulin M3 (30/70) và Humulin 70/30 - Nên lăn lọ thuốc trong lòng bàn tay trước khi dùng để cho thuốc trở lại dạng dịch treo.

Dạng cartridge

Humulin R, N và 70/30 dạng cartridge được đóng gói ở dạng 1,5mL (100 đơn vị/mL) để dùng với bút Becton Dickinson (BD) và dạng này thiết kế để không thể trộn với bất kỳ insulin nào khác.

Humulin N và 70/30 dạng cartridge nên lăn trong lòng bàn tay trước khi dùng để thuốc được trở lại dạng dịch treo.

Humulin R, N và 70/30 dạng cartridge chỉ nên dùng để tiêm dưới da.

QUÁ LIỀU

Triệu chứng :

Hạ đường huyết có thể xảy ra nếu bệnh nhân dùng quá nhiều insulin, trễ bữa ăn, tập thể dục hoặc làm việc quá mức trước bữa ăn, hoặc bị nhiễm khuẩn, bị bệnh (nhất là bị nôn mửa hay tiêu chảy), hoặc nhu cầu insulin của cơ thể thay đổi vì một lý do nào khác. Các triệu chứng gồm bơ phờ, lẫn lộn, hồi hộp, đổ mồ hôi, nôn mửa, đói, ngất và chóng mặt. Bệnh nhân cũng có thể bị nhức đầu, ngủ gà, mệt, lo âu, nhìn mờ, nhìn đôi, tê môi, mũi hoặc các chi. Các triệu chứng có thể xuất hiện khi nồng độ đường huyết dưới 40 mg/100 mL, nhưng cũng có thể xảy ra khi đường huyết tụt đột ngột ngay cả khi nồng độ glucose trong máu vẫn còn trên 40 mg/100 mL.

Biểu hiện lâm sàng của hạ đường huyết có thể bị che khuất đi do sử dụng đồng thời thuốc propranolol, hoặc các thuốc ức chế thụ thể b-adrenergic khác.

Xử trí :

Hạ đường huyết mức độ trung bình, đáp ứng được khi uống glucose, đường hoặc nghỉ ngơi. Trường hợp hạ đường huyết tương đối trầm trọng có thể cần phải bổ sung thêm dùng glucagon tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, cách mỗi 20 phút tiêm 1 đơn vị cho 2 hoặc 3 liều. Nếu bệnh nhân bị hôn mê, cần phải tiêm tĩnh mạch 10 - 20 gam dung dịch dextrose vô khuẩn.

BẢO QUẢN

Các chế phẩm Humulin đựng trong lọ (lọ mới hoặc chưa mở nắp) nên bảo quản ở tủ lạnh từ 2oC đến 8oC. Không nên để vào ngăn làm đông, nơi nóng quá, hoặc để ngay dưới ánh nắng mặt trời.

Với những điều kiện trên, thuốc có hiệu lực trong 2 năm tính từ ngày sản xuất. Các lọ thuốc Humulin khi đang dùng có thể để ở nhiệt độ trong phòng được đến 30 ngày, hoặc để trong tủ lạnh được đến 3 tháng mà không mất hiệu lực. Insulin đã mở nắp và bảo quản ở nhiệt độ trong phòng mà không được dùng sau một tháng, nên loại bỏ đi.

Pha trộn các loại insulin - Nên rút loại insulin tác dụng ngắn (Humulin R) vào bơm tiêm trước để phòng tránh thuốc tác dụng dài hơn (Humulin N) lẫn vào. Nên tiêm hỗn hợp ngay sau khi pha trộn thuốc.

Dạng cartridge : Nên được bảo quản ở tủ lạnh, nhiệt độ từ 2oC đến 8oC. Bảo quản ở nhiệt độ này có thể để được 2 năm.

Không để Humulin ở tủ đông.

Humulin R, N và 70/30 dạng cartridge khi cài vào bút BD, hoặc được đem theo như là một ống dự trữ, không cần để ở tủ lạnh, nhưng phải giữ chỗ mát (dưới 30oC), tránh chỗ quá nóng hoặc ngay dưới ánh mặt trời. Humulin R, N và 70/30 dạng cartridge nếu không bảo quản trong tủ lạnh, thì nên loại bỏ đi sau 21 ngày dù các ống này vẫn còn chứa insulin.

Chọn tên theo mẫu tự

A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Z