A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Z

 

PANTOLOC

BYK GULDEN
c/o TRIDEM PHARMA

Viên nang tan trong ruột 40 mg : hộp 14 viên.

Bột pha tiêm tĩnh mạch 40 mg : hộp 1 lọ.

THÀNH PHẦN

cho 1 viên
Pantoprazole 40 mg
cho 1 lọ
Pantoprazole 40 mg


DƯỢC LỰC

Chất ức chế chọn lọc bơm proton ; về cấu trúc hóa học là dẫn xuất của benzimidazol.

CHỈ ĐỊNH

- Loét tá tràng.

- Loét dạ dày.

- Viêm thực quản trào ngược trung bình và nặng.

- Ngoài ra, dạng viên còn được dùng phối hợp với hai kháng sinh thích hợp (xem phần Liều lượng và Cách dùng) để diệt Helicobacter pylori ở những bệnh nhân loét dạ dày, nhằm giảm tái phát chứng loét tá tràng và dạ dày do vi sinh vật này gây ra.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Không nên dùng Pantoloc trong điều trị phối hợp để diệt Helicobacter pylori ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan và thận ở mức trung bình đến nặng, vì hiện thời chưa có dữ liệu về tính công hiệu và an toàn của Pantoloc trong điều trị phối hợp cho các bệnh nhân này.

- Nói chung, không nên dùng Pantoloc cho các trường hợp có tiền sử nhạy cảm với một trong các thành phần của Pantoloc hoặc với thuốc dùng phối hợp cùng Pantoloc.

- Kinh nghiệm lâm sàng về Pantoloc khi dùng trong thai kỳ hiện còn hạn chế. Trong nghiên cứu về sinh sản ở động vật, đã thấy độc tính nhẹ của Pantoloc đối với thai súc vật, ở liều dùng trên 5 mg/kg. Hiện không có thông tin về bài xuất của pantoprazole qua sữa mẹ.

Chỉ dùng Pantoloc khi lợi ích cho người mẹ được xem là lớn hơn rủi ro đối với thai nhi và em bé.

THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

- Chỉ khuyến nghị dùng dạng tiêm khi dùng đường uống không thích hợp.

- Không chỉ định Pantoloc cho những ca rối loạn tiêu hóa nhẹ như chứng khó tiêu liên quan tới thần kinh.

- Trong liệu pháp phối hợp thuốc, cần phải quan tâm đến đặc tính của thuốc phối hợp.

- Trước khi điều trị với Pantoloc, phải loại trừ khả năng loét dạ dày ác tính hoặc viêm thực quản ác tính, vì điều trị với pantoprazole có thể nhất thời làm mất các triệu chứng của bệnh loét ác tính, do đó có thể làm chậm chẩn đoán ung thư.

- Chẩn đoán viêm thực quản trào ngược cần được khẳng định bằng nội soi.

- Không vượt quá liều 40 mg pantoprazole khi dùng cho bệnh nhân cao tuổi hoặc suy thận.

- Ở bệnh nhân suy gan nặng, liều dùng hàng ngày phải giảm xuống 20 mg pantoprazole. Ngoài ra ở các bệnh nhân này cần phải giám sát các enzyme gan trong liệu trình Pantoloc IV. Khi enzyme gan tăng, phải ngưng dùng Pantoloc IV.

- Hiện chưa có kinh nghiệm về việc điều trị với Pantoloc ở trẻ em.

- Hiện chưa rõ tác dụng của thuốc khi dùng cho người lái xe hay vận hành máy móc.

TƯƠNG TÁC THUỐC

- Pantoloc có thể làm giảm độ hấp thu của các thuốc khác dùng đồng thời mà độ hấp thu phụ thuộc vào pH (thí dụ : ketoconazole). Điều này cũng xảy ra với những thuốc dùng trước Pantoloc IV một thời gian ngắn.

- Hoạt chất của Pantoloc được chuyển hóa ở gan nhờ hệ enzyme cytochrome P450. Không loại trừ khả năng pantoprazole tương tác với những thuốc khác chuyển hóa cùng hệ enzyme cytochrome P450. Tuy nhiên, ở lâm sàng chưa thấy tương tác đáng kể trong những thử nghiệm đặc hiệu với một số thuốc hoặc hợp chất có tính chất nói trên, như carbamazepine, cafein, diazepam, diclofenac, digoxine, ethanol, glibenclamide, metoprolol, nifedipine, phenprocoumon, phenytoin, theophylline, warfarine và các thuốc tránh thai dùng bằng đường uống.

- Cũng không thấy Pantoloc tương tác với thuốc kháng acid (trị đau dạ dày) uống đồng thời.

- Không thấy có tương tác với các kháng sinh dùng phối hợp (clarithromycine, metronidazol, amoxicylline) trong điều trị diệt Helicobacter pylori.

TÁC DỤNG NGOẠI Ý

- Điều trị với Pantoloc có thể thỉnh thoảng dẫn đến nhức đầu hay tiêu chảy.

- Đã có báo cáo về những trường hợp hiếm gặp : buồn nôn, đau bụng trên, đầy hơi, ban da, ngứa và choáng váng.

- Trong những trường hợp cá biệt, đã xảy ra phù nề, sốt, viêm tĩnh mạch huyết khối, cơn trầm cảm và rối loạn thị giác (nhìn mờ).

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Dạng viên :

Liều khuyến cáo :

Ở những bệnh nhân loét dạ dày và tá tràng, nhiễm Helicobacter pylori (dương tính), cần thực hiện việc diệt vi khuẩn bằng trị liệu phối hợp. Tùy theo kiểu kháng thuốc, có thể theo các sơ đồ phối hợp sau để diệt Helicobacter pylori :

Phác đồ 1 :

Mỗi ngày 2 lần x (1 viên Pantoloc + 1000 mg amoxicylline + 500 mg clarithromycine).

Phác đồ 2 :

Mỗi ngày 2 lần x (1 viên Pantoloc + 500 mg metronidazol + 500 mg clarithromycine).

Phác đồ 3 :

Mỗi ngày 2 lần x (1 viên Pantoloc + 1000 mg amoxicylline + 500 mg metronidazol).

Nếu không cần dùng trị liệu phối hợp, nghĩa là bệnh nhân đã thử nghiệm âm tính về Helicobacter pylori, hướng dẫn sau đây về liều lượng được áp dụng cho đơn liệu pháp Pantoloc :

Loét tá tràng, loét dạ dày và viêm thực quản trào ngược :

- Trong phần lớn các trường hợp, dùng mỗi ngày 1 viên Pantoloc tan ở ruột. Trong trường hợp cá biệt, có thể tăng liều dùng gấp đôi (mỗi ngày tới 2 viên Pantoloc), đặc biệt khi mà trị liệu khác đã không cho đáp ứng.

- Đối với bệnh nhân suy gan nặng, liều dùng cần giảm xuống 1 viên (40 mg pantoprazole), hai ngày một lần. Ngoài ra, đối với các bệnh nhân này, cần theo dõi các enzyme gan trong liệu trình Pantoloc. Nếu giá trị enzyme gan tăng, nên ngưng dùng Pantoloc.

- Không được dùng qua 1iều 40 mg pantoprazole một ngày ở người có tuổi hoặc suy thận. Ngoại lệ là trị liệu phối hợp diệt Helicobacter pylori, trong đó người có tuổi cũng phải dùng liều pantoprazole thông thường (2 x 40 mg/ngày) trong một tuần điều trị.

Cách dùng và thời gian điều trị :

- Không được nhai hoặc nghiền nhỏ viên Pantoloc mà phải uống nguyên viên với nước, một giờ trước bữa ăn sáng. Trong trị liệu phối hợp diệt Helicobacter pylori, cần uống viên Pantoloc thứ hai trước bữa tối.

- Nếu quên không dùng thuốc đúng giờ, không nên dùng liều bù vào lúc muộn trong ngày, nên tiếp tục dùng liều bình thường vào ngày hôm sau trong liệu trình.

- Nói chung, liệu pháp phối hợp thực hiện trong 7 ngày có thể kéo tối đa trong 2 tuần. Nếu cần điều trị thêm với pantoprazole để chữa lành bệnh loét, cần chú ý tới khuyến nghị về liều lượng dùng trong loét tá tràng và loét dạ dày. Nói chung, có thể chữa lành loét tá tràng trong vòng 2 tuần. Nếu thời gian điều trị 2 tuần chưa đủ, trong hầu hết các trường hợp có thể chữa lành loét tá tràng khi dùng Pantoloc thêm 2 tuần nữa. Thông thường, thời gian 4 tuần là cần thiết để điều trị loét dạ dày và loét thực quản trào ngược. Nếu thời gian này không đủ, thường có thể chữa khỏi bệnh nếu dùng Pantoloc thêm 4 tuần nữa.

- Vì hiện chưa đủ kinh nghiệm dùng dài hạn, điều trị với Pantoloc không được vượt quá 8 tuần.

Dạng tiêm tĩnh mạch :

Chỉ khuyến nghị dùng Pantoloc IV khi dùng đường uống không thích hợp.

Liều Pantoloc tĩnh mạch là 1 lọ (40 mg pantoprazole) mỗi ngày.

Hướng dẫn cách dùng và pha chế :

- Để pha thuốc tiêm, bơm 10 ml dung dịch NaCl sinh lý vào lọ chứa chất đông khô (pantoprazole). Có thể dùng dung dịch này để tiêm trực tiếp sau khi pha loãng với 100 ml dung dịch NaCl, glucose 5% hoặc 10%.

- Không pha chế hay hỗn hợp Pantoloc IV với dung môi nào khác ngoài các dung môi nói trên. Giá trị pH của dung dịch phải là 9.

- Thuốc Pantoloc IV được tiêm tĩnh mạch trong thời gian 2 đến 15 phút.

- Dung dịch tái tạo (đã pha chế) cần được dùng trong vòng 3 giờ sau khi pha chế.

QUÁ LIỀU

Hiện chưa biết triệu chứng khi dùng quá liều ở người.

Trong trường hợp dùng quá liều và có triệu chứng nhiễm độc lâm sàng, áp dụng các quy tắc giải độc thông thường.

BẢO QUẢN

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25oC.

Chọn tên theo mẫu tự

A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Z