Một số điều cần biết về thuốc dán xuyên thấm qua da

Băng dán tránh thai hiệu Ortho Erva.

Loại thuốc này được sản xuất dưới dạng miếng băng dán lên da, cho tác dụng toàn thân. Thuốc chứa nhiều thành phần có thể gây kích ứng da; vì vậy không nên dán mãi ở cùng một chỗ mà phải thay đổi, dán ở nhiều nơi khác nhau trong vùng da được chỉ định.

Dạng thuốc dán xuyên thấm qua da hiện đã được dùng nhiều ở Việt Nam, phổ biến nhất là thuốc trị đau thắt ngực, phòng chống nhồi máu cơ tim (với hoạt chất làm giãn mạch là trinitrin). Sau khi được dán, hoạt chất trong miếng băng sẽ thấm qua da để vào tĩnh mạch dưới da, rồi vào hệ tuần hoàn chung và cho tác dụng toàn thân.

Sau tên thuốc dạng này đều có chữ TTS (Transdermal Therapeutic System - hệ điều trị xuyên da), ví dụ như nitroderm TTS. Sản phẩm của các công ty khác nhau có kích cỡ và hàm lượng không giống nhau. Chẳng hạn, đối với thuốc trị đau thắt ngực, do chứa cùng một hoạt chất là trinitrin, lại phải được phóng thích qua da với lượng hằng định (10 mg hoạt chất trong 24 giờ) nên miếng băng dán phóng thích thuốc chậm phải chứa hàm lượng hoạt chất cao hơn mới phóng thích đủ 10 mg trong 24 giờ.

Thuốc dán xuyên thấm qua da có ưu điểm chính là tiện lợi, chỉ cần dán một lần trong ngày, khi cần ngừng trị liệu, chỉ việc bóc miếng băng dán ra. Tuy nhiên, dạng thuốc này lại cho tác dụng chậm hơn so với đường uống. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể cho dùng thuốc dán hoặc uống. Nếu tuân thủ đúng chỉ định thì dạng thuốc nào cũng có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Một số lưu ý khi dùng thuốc dạng dán xuyên thấm qua da:

- Việc dùng miếng băng dán loại nào, dán trong thời gian bao lâu hoàn toàn do bác sĩ trực tiếp khám và điều trị quyết định dựa trên tình trạng bệnh. Nếu dùng miếng băng dán trong 12 giờ mỗi ngày, nhất thiết phải hỏi ý kiến bác sĩ.

- Đối với thuốc băng dán chứa trinitrin dùng trị đau thắt ngực, nên dán lên da vùng ngực (gần tim) bởi vì thuốc sau khi thấm vào máu cần nhanh chóng đến vùng tim, làm giãn mạch vành. Nếu dán ở vùng da cách xa tim, thuốc sẽ cho tác dụng chậm hơn.

- Nếu miếng băng dán có nguy cơ bị rơi ra, nên dán thêm băng keo chung quanh rìa của nó.

- Khi sử dụng một số loại băng dán, người sử dụng vẫn được phép tắm rửa, nhưng không được chà xát chỗ dán bằng xà phòng (cần xem kỹ bản hướng dẫn về điều này).

- Sau khi dùng, không nên bỏ miếng dán bừa bãi (hãy bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín) vì lượng thuốc còn thừa có thể gây hại cho trẻ em nếu chúng lấy dán vào da.

TS Nguyễn Hữu ĐứcSức Khỏe & Đời Sống  


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa