Những điều nên tránh khi dùng thuốc
Tốt nhất là uống thuốc với nước trắng. |
Thức ăn mà bạn dùng có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động của thuốc trong cơ thể. Một trong những sự kết hợp nguy hiểm nhất là uống thuốc với nước nho, loại nước được nhiều người ưa chuộng. Nước nho ảnh hưởng tới sự sản xuất men gan tham gia vào quá trình chuyển hóa thuốc, làm thay đổi nồng độ thuốc trong máu.
Dược sĩ Michael Coyne, Phó giám đốc Khoa dược Bệnh viện Đại học Staten Island ở New York cho biết, khi dùng thuốc với nước nho, nồng độ trong máu của một số thuốc tăng lên so với tính toán, trong khi một số thuốc khác lại bị giảm còn thấp hơn so với yêu cầu.
Phần lớn các dược phẩm đều chịu ảnh hưởng của nước nho, trong số này có:
- Thuốc kháng histamin để chống dị ứng.
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepine.
- Thuốc chẹn kênh canxi để điều trị cao huyết áp.
- Các thuốc nhóm statin để giảm cholesterol máu.
Một số nghiên cứu cho thấy phản ứng cũng xuất hiện với các thuốc như Viagra, Singulair và Aricept.
Bà Maudene Nelson, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Tôn giáo Columbia ở Manhattan (Mỹ), cho rằng điều này chỉ xảy ra khi bạn dùng nước nho. Các loại nước quả khác vẫn an toàn và có thể dùng với những thuốc nói trên.
Một thứ nước uống khác không nên dùng cùng thuốc là cà phê, nguyên nhân là do nó chứa caffein. Ngoài việc gây rắc rối cho dạ dày, khiến bạn có cảm giác khó chịu sau khi uống thuốc, caffein còn có thể ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa thuốc, làm thay đổi tỷ lệ thuốc đi vào máu. Các đồ uống giàu caffein có thể làm tăng cảm giác bồn chồn, và do đó làm giảm hiệu quả của thuốc an thần.
Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ, những thuốc chịu ảnh hưởng nhiều nhất của caffein gồm:
- Thuốc giãn phế quản (điều trị hen).
- Kháng sinh nhóm quinolone (như Cipro chẳng hạn).
- Thuốc an thần như Valium (Seduxen), Ativan và Xanax.
Ngoài ra, FDA còn cảnh báo rằng, thuốc giãn phế quản thông dụng là theophylline cũng có thể chịu ảnh hưởng của chế độ ăn giàu chất béo (làm tăng lượng thuốc được cơ thể hấp thu) hay các thức ăn giàu tinh bột (làm giảm nồng độ thuốc trong cơ thể).
Không riêng gì đồ ăn chính, món tráng miệng như đồ ăn có cam thảo cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều tới các thuốc điều trị cao huyết áp. Bà Nelson nhận xét: "Hiệu quả của cam thảo đã được xác định từ trên 20 năm nay, gồm khả năng làm tăng huyết áp. Vì vậy không nên dùng nó khi uống thuốc chữa cao huyết áp".
Theo bà, phần lớn cam thảo bán tại siêu thị ở Mỹ không gây hại vì nó thường gồm các thành phần tổng hợp hay vị cam thảo. Tuy nhiên, cam thảo mua ở cửa hàng thực dược (health food store) hoặc nhập của châu Âu thường chứa cam thảo thật. Chỉ vài mẩu là đủ gây hại cho huyết áp của người bệnh.
Một sự tương tác nguy hiểm khác sẽ khiến bạn ngạc nhiên là thuốc chống đông máu như Coumadin có thể bị ảnh hưởng nếu bạn ăn quá nhiều xúp lơ xanh. Đó là vì loại rau này chứa rất nhiều vitamin K, kích thích sự hình thành cục máu đông. Một số thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao là rau bina (spinach), cải brussel, xúp lơ. Nếu bạn không thể sống thiếu những loại thực phẩm này thì hãy dùng chúng đều đặn mỗi tuần và báo cho bác sĩ biết để điều chỉnh liều thuốc.
Cuối cùng, nguy hiểm nhất là sự phối hợp của rượu và thuốc. Đồ uống này có thể làm thay đổi đáng kể tác động của thuốc đối với cơ thể. Điều này đặc biệt đúng đối với tất cả các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương, nơi rượu phát huy tác dụng, như thuốc chống trầm cảm, chống lo lắng hay thuốc an thần. Một số thuốc khác có thể chịu ảnh hưởng của rượu là thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm cholesterol máu và một số thuốc tim mạch khác.
Thu Thủy (theo HealthScout)