Thuốc cảm cúm - uống quá liều cũng gây ngộ độc

Tác giả : DS. PHAN QUỐC ÐỐNG

Tại Hội nghị Hồi sức cấp cứu và chống độc năm 2003 vừa qua, nhóm nghiên cứu của khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã báo cáo cho biết thuốc cảm cúm cũng có thể là nguyên nhân gây ngộ độc.

Từ giữa năm 2002 đến nay, khoa Chống độc đã tiếp nhận trên 30 bệnh nhân nhập viện vì bị ngộ độc trong trạng thái đau đầu, choáng váng... Sau khi uống thuốc cảm cúm độ 15 phút (Decolgen, Rhumenol, Medicoldac.), bệnh nhân có triệu chứng khó thở, đau ngực, vã mồ hôi, giật hai tay, đau đầu- trong khi họ đều không có tiền sử cao huyết áp và đã uống thuốc theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuy vậy khi nhập viện đều có tăng huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim.

NGUYÊN NHÂN

Tai biến này có thể do uống quá liều Phenylpropanolamin, một chất gây tăng huyết áp có trong thành phần một số thuốc cảm cúm.

Thuốc cảm cúm sản xuất từ Paracetamol được chia làm 3 nhóm:

Nhóm I: Chỉ có đơn thuần chất Paracetamol, sử dụng tương đối an toàn với mọi đối tượng, kể cả phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Nhóm II: Gồm có 2 chất: Paracetamol và Chlorphe-niramin, sử dụng khá an toàn, chỉ gây buồn ngủ, uể oải, chóng mặt.

Nhóm III: Gồm 3 chất: Paracetamol, Chlorpheniramin và Phenylpropanolamin, cần sử dụng thận trọng vì có nhiều phản ứng phụ do chứa chất Phenylpropanolamin (PPA).

Phenylpropanolamin (PPA) là một thuốc cường giao cảm giống như Ephedrin, nhưng tác dụng co mạch mạnh hơn và kích thích thần kinh yếu hơn Ephedrin.

NHỮNG KHUYẾN CÁO MỚI KHI SỬ DỤNG CÁC THUỐC CẢM CÚM CÓ CHỨA PPA

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Ðại học Y khoa Yale (Mỹ), nhận thấy những người dùng thuốc có chứa PPA đều dễ bị tai biến mạch máu não, Cục Quản lý Thực phẩm Mỹ đã đề nghị các nhà sản xuất ngưng lưu hành những sản phẩm có PPA và không kê đơn các thuốc có chứa PPA.

Ở nước ta, Cục Quản lý Dược Việt Nam cũng khuyến cáo:

- Không được dùng các thuốc có chứa PPA làm thuốc giảm cân.

- Khi cần sử dụng thuốc có chứa PPA với liều trên 25mg, phải có chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.

- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có chứa PPA cần ghi rõ các chống chỉ định, không dùng thuốc có PPA cho người bị bệnh tăng huyết áp, đau thắt ngực, huyết khối, mạch vành... và những người có tiền sử tai biến mạch máu não.

Hàm lượng PPA trong thuốc điều trị cảm cúm thường là 25mg/viên, nhưng nhiều bệnh nhân do thấy thuốc chưa có tác dụng hoặc muốn chóng khỏi bệnh nên đã tùy tiện, tự động uống tăng thêm liều 2 viên/lần, là giới hạn tối đa của nhà sản xuất (1-2 viên/lần, ngày 3-4 lần).

Như vậy khi bệnh nhân tự ý uống 2 viên/lần là đã quá liều, trên mức an toàn của PPA và khuyến cáo của Bộ Y tế. Do đó tai biến kể trên là do dùng quá liều PPA, một chất có tác dụng tăng huyết áp. Ngoài các biểu hiện đau đầu, choáng váng, co giật hai tay, tất cả các bệnh nhân đều có triệu chứng tăng huyết áp. Tai biến có thể trở nên nghiêm trọng nếu bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp hay bệnh tim mạch.

Trong thời tiết giao mùa hiện nay, từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên đã khiến nhiều người, cả người lớn lẫn trẻ em thiếu giữ gìn dẫn đến sinh bệnh, thường là cảm cúm, nóng sốt, nhức đầu, ho... Việc điều trị thường là tự dùng mấy viên thuốc cảm sốt, giảm đau, hạ nhiệt.

Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như ta tưởng, nếu sử dụng thuốc không đúng liều lượng và chỉ dẫn của thầy thuốc; Tự ý, tùy tiện tăng liều thuốc cho mau khỏi bệnh có thể sẽ gây ngộ độc, vì thật ra các thuốc cảm cúm nói trên không an toàn như ta tưởng, ngay ở liều điều trị đúng cũng có thể gây biến cố tăng huyết áp rất nguy hiểm.

 

 


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa