ÐỂ SỬ DỤNG THUỐC KHÔNG GHI TOA AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

Tác giả : BS. NGUYỄN VĂN RA (BV. Nhi Ðồng Nai)

Sử dụng thuốc là việc rất phổ biến trong sinh hoạt của tất cả mọi người. Nếu chỉ bị những tình trạng nhẹ và thông thường như nhức đầu do làm việc căng thẳng, đau khớp, mỏi cơ, cảm nhẹ, đau bụng kinh, mệt mỏi. thì bạn chỉ cần ghé ngang nhà thuốc để tự mua mà không cần có toa bác sĩ. Những thuốc có thể bán rộng rãi như vậy được gọi là loại dược phẩm không cần ghi toa (OTC: over the counter). Tuy nhiên, vì thuốc luôn là con dao 2 lưỡi, nên ngay cả dù là OTC thì bạn vẫn phải có những kiến thức cần thiết để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách sử dụng những loại thuốc OTC.

I. THUỐC OTC LÀ GÌ?

Theo cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ, thuốc ghi toa là những thuốc sử dụng an toàn và hiệu quả khi có sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ. Còn thuốc không cần ghi toa hay OTC là những thuốc có thể sử dụng an toàn và hiệu quả mà không cần chỉ dẫn và sự theo dõi của bác sĩ.

Có những thuốc trước đây cần ghi toa, nhưng trải qua nhiều năm sử dụng đã chứng minh được độ an toàn cao và hiệu quả nên có thể được chuyển thành không cần ghi toa. Hiện tại có hơn 700 mặt hàng OTC đang được bán trên thị trường trước đây thuộc nhóm phải ghi toa.

II. NHỮNG ÐIỀU CẦN LƯU Ý:

1. Ðọc kỹ nhãn thuốc:

* Ðây là yêu cầu rất quan trọng, nhưng không phải ai cũng quan tâm đầy đủ. Nếu bạn luôn ghi nhớ những lời thầy thuốc dặn dò, thì cũng không vì lý do gì bạn lại không đọc kỹ nhãn thuốc trước khi sử dụng; Vì để hiểu rõ một thuốc, không có cách nào tốt hơn là đọc kỹ những thông tin về nó.

* Theo quy định, tất cả các thông tin cần thiết trên hộp thuốc đều phải được trình bày một cách rõ ràng ở vị trí dễ nhìn nhất, từ ngữ phải thật dễ hiểu.

* Những thông tin trên nhãn thuốc gồm:

Thành phần có hoạt tính: Là những chất có tính trị liệu của thuốc. Những chất này đều được ghi rõ hàm lượng. Dạng viên sẽ ghi thẳng hàm lượng chứa trong mỗi viên thuốc. Nếu là thuốc dạng lỏng thì ghi hàm lượng có trong 1ml hay 5ml v.v... tùy theo dạng trình bày của các hãng sản xuất khác nhau. Cũng có thể gặp dạng hàm lượng được ghi trong mỗi gói là bao nhiêu, hoặc trong mỗi gam dạng thuốc bôi chứa bao nhiêu mg thành phần có hoạt tính.

Thành phần không hoạt tính: Thí dụ như màu sắc hay hương vị.

Dạng trình bày: dạng viên nén hay viên nang, dạng sủi, dạng si rô hoặc dạng bôi ngoài da...

Tính chất: Hoạt động của thuốc hay nhóm thuốc nào (thí dụ nhóm antihistamine, nhóm kháng acid hay giảm ho...).

Chỉ định: Thuốc được dùng cho những bệnh nào hay điều trị những triệu chứng gì? Thí dụ như: hạ sốt, giảm đau, chống đầy hơi...

Thận trọng: Những tình trạng cần phải có lời khuyên của thầy thuốc trước khi sử dụng thuốc (thí dụ những bệnh nhân cao huyết áp không được uống những thuốc trị cảm trong thành phần có chất co mạch), những tương tác thuốc hay tác dụng phụ của thuốc có thể có, khi nào nên dừng thuốc, nếu đang có thai hay cho con bú thì phải dùng như thế nào, để xa tầm với của trẻ em...

Những thông tin khác: Bảo quản thuốc như thế nào, có bao nhiêu gam muối hay đường trong thuốc để giúp những bệnh nhân bị cao huyết áp hay tiểu đường chú ý.

Hạn sử dụng: Ngày hết hạn của thuốc.

Số lô thuốc hay mã vạch: Là những thông tin của nhà sản xuất giúp nhận biết được sản phẩm của hãng.

Tên và địa chỉ nhà sản xuất, nơi đóng gói hay nhà phân phối.

Số lượng: Thí dụ có bao nhiêu viên trong mỗi hộp thuốc.

2. Tương tác thuốc:

* Tương tác giữa 2 thuốc hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn đến những tác dụng không mong muốn, làm giảm hay tăng hoạt tính của một thuốc khác, do đó bạn cần phải nắm rõ về vấn đề này. Một số thuốc còn có thể tương tác với thực phẩm và thức uống.

* Tránh uống rượu nếu đang dùng thuốc nhóm Antihistamine, thuốc ho trong thành phần có dextro-methorphan hay thuốc trị mất ngủ.

* Không được uống thuốc ngủ nếu đang uống thuốc an thần.

* Không uống Aspirin nếu bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng.

* Không dùng thuốc nhuận tràng nếu đang bị đau bao tử hay nôn ói.

* Trừ khi có chỉ định của bác sĩ, nếu không bạn không được dùng thuốc chống sung huyết mũi nếu đang uống thuốc điều trị cao huyết áp, trầm cảm, bệnh tim mạch, bệnh tuyến giáp, tiểu đường hay bệnh tiền liệt tuyến.

* Ðôi khi nhà sản xuất có thể thay đổi hoặc thêm vào một số chất khác trong thành phần hoặc cung cấp thêm thông tin về thuốc, vì vậy tốt nhất vẫn phải đọc kỹ nhãn thuốc có sẵn trong hộp mỗi lần sử dụng.

3. Phụ nữ có thai hay đang cho con bú:

* Một số thuốc có thể đi từ mẹ qua nhau tới thai gây ảnh hưởng cho thai nhi. Vì vậy luôn luôn phải có ý kiến của bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào kể cả sản phẩm dinh dưỡng, vì cho dù chỉ là một lượng thuốc nhỏ thật sự an toàn cho mẹ cũng có thể là quá nhiều cho bào thai.

* Mặc dù hầu hết các thuốc khi đi qua sữa đều có nồng độ rất thấp, ít gây ra những tác dụng không mong muốn cho trẻ. Nhưng tốt hơn hết, vẫn nên thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng để có được liều thấp nhất, giúp lượng thuốc truyền qua trẻ ở mức tối thiểu.

4. Khi sử dụng thuốc cho trẻ em:

* Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, vì vậy cần tránh ước lượng liều thuốc dựa trên kích thước của trẻ.

* Cần tuân thủ đúng giới hạn tuổi và hướng dẫn dùng thuốc cho trẻ theo tờ chỉ dẫn.

* Cần phân biệt thế nào là muỗng súp, muỗng cà phê hay trà vì thầy thuốc thường ghi liều uống thuốc cho trẻ theo muỗng. Phải nhớ liều lượng giữa 2 loại muỗng là rất khác nhau, như liều lượng muỗng trà hay cà phê chỉ bằng 1/3 so với muỗng súp.

* Không tự ý tăng liều thuốc lên gấp đôi chỉ vì triệu chứng bệnh lần này của trẻ có vẻ nặng hơn lần trước.

* Không được cho trẻ uống Aspirin vì có thể gây hội chứng Reye, nguy hiểm đến tính mạng.

* Không sử dụng đơn thuốc của trẻ khác cho con mình vì thấy có những triệu chứng bệnh tương tự.

* Nếu dùng 2 thuốc cùng lúc cho trẻ thì phải hỏi ý kiến thầy thuốc hay dược sĩ.

* Không để trẻ tự uống thuốc một mình.

* Không bao giờ được gọi thuốc là kẹo để dụ trẻ uống, vì có thể sau này trẻ sẽ tự lấy thuốc ra ăn vì lầm tưởng là kẹo.

* Nên sử dụng những dạng thuốc thích hợp cho trẻ nhỏ như dạng si rô hay bột. Không sử dụng dạng viên nén vì có thể gây nguy hiểm nếu trẻ bị hóc.

5. Thuốc đóng gói chống trẻ em mở ra:

* Ðó là loại thuốc có nắp hộp làm trẻ khó mở. Tuy nhiên cần nhớ đậy kỹ hộp thuốc sau khi sử dụng để phát huy được tác dụng chống mở này.

* Nên để tất cả các loại thuốc ở nơi trẻ không thấy hay không với tới được.

* Trẻ thường có tính tò mò, vì vậy không để thuốc trong ví hay cặp táp vì chúng có thể lục ra và lấy uống thử.

* Trẻ nhỏ rất hay bắt chước, do đó không nên uống thuốc trước mặt trẻ, đến khi không có bạn chúng sẽ lấy thuốc và bắt chước uống.

6. Biết cách phân biệt thuốc giả

Mặc dù các nhà sản xuất đã có rất nhiều biện pháp để chống hàng giả nhưng vẫn không thể tránh được, nhất là khi ngày nay kỹ nghệ làm thuốc giả đã rất tinh vi. Chính vì thế cần phải chú ý đến vấn đề phân biệt thuốc giả.

* Ðọc kỹ tờ hướng dẫn trong hộp thuốc để biết cách nhận ra những dấu hiệu chống hàng giả trên hộp thuốc.

* Quan sát kỹ bao bì, nếu không còn nguyên vẹn thì không nên mua.

* Quan sát kỹ hình dạng, màu sắc viên thuốc. Nếu thấy hình dạng mỗi viên thuốc không đều nhau hay màu sắc nhợt nhạt, lem luốc thì nhất định không được sử dụng.

* Nên mua thuốc ở những cửa hiệu lớn, có uy tín vì để bảo vệ tên tuổi nhà thuốc của mình, chắc chắn khi mua hàng họ sẽ phải kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng. Ngoài ra nếu có vấn đề về chất lượng, họ cũng sẽ dễ dàng cho bạn đổi lại.

7. Những lưu ý khác

* Cần để thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo hay những vị trí mà nhãn thuốc hướng dẫn.

* Mỗi năm cần kiểm tra lại tủ thuốc gia đình. Nếu thấy thuốc đã hỏng, đổi màu hay hết hạn thì phải vứt đi ngay.

* Khi mua thuốc, nên yêu cầu loại có ngày hết hạn còn xa để nếu không sử dụng hết thì vẫn dự trữ được lâu.

* Người cao tuổi khi mua thuốc, cần đọc nhãn thuốc ở nơi có đầy đủ ánh sáng để tránh nhầm lẫn.

* Ðừng sử dụng liều cao hơn hay dài ngày hơn liều đã được khuyến cáo trong tờ hướng dẫn.

* Mỗi lần mua thuốc, mặc dù là loại đã dùng quen vẫn phải đọc kỹ lại để tránh trường hợp nhà sản xuất cho ra một sản phẩm có tên tương tự, nhưng lại có thêm một chất mới trong thành phần không phù hợp với bạn. Thí dụ Paracetamol cho thêm codein hay cafein không thích hợp với những người nhạy cảm với các chất này.

* Cần tỉnh táo, đừng quá tin vào những lời đường mật của các quảng cáo vì theo thống kê cho thấy, những thuốc bán chạy nhất chưa hẳn là những thuốc tốt nhất mà chính là những thuốc được tiếp thị giỏi nhất. Do đó nếu tỉnh táo suy xét và hỏi kỹ người bán, bạn hoàn toàn có thể mua được những thuốc có cùng công dụng với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và giá thành lại rẻ.

* Cuối cùng, nếu đã uống thuốc nhưng các triệu chứng bệnh vẫn không giảm hoặc tồn tại mãi thì phải đi khám bác sĩ để có chỉ định thích hợp.

 


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa