Thuốc uống và... uống thuốc
Tác giả : DS. LÃ XUÂN HOÀN
Trong các cách đưa thuốc vào cơ thể thì đường uống là tiện lợi nhất, lại dễ thực hiện và an toàn.
Nhờ mạng lưới mao mạch khá lớn, những thuốc không kích ứng hoặc được chỉ định với liều tương đối thấp (như thuốc chống đau thắt ngực, cắt cơn hen phế quản, thuốc hạ huyết áp, một số hormone...) sẽ thấm qua niêm mạc dưới lưỡi, niêm mạc má rồi vào thẳng hệ thống tuần hoàn nên có tác dụng tương đối nhanh, tránh sự phá hủy của dịch vị, dịch ruột, mật, men gan. Còn đa số các thuốc khác đều đi qua miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già để được hấp thu vào cơ thể.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THUỐC HẤP THU DỄ DÀNG VÀ HIỆU QUẢ
Muốn thuốc được hấp thu dễ dàng và triệt để, việc uống thuốc nên như thế nào và dùng loại nước gì để uống là vấn đề cần hết sức lưu ý. Khi uống thuốc, chúng ta nên đứng hoặc ngồi, không nên nằm.
Dùng nước đun sôi để nguội uống thuốc là tốt nhất, không dùng nước khoáng, nước ngọt. Các loại nước chè, nước lá chứa nhiều tanin sẽ làm kết tủa, mất tác dụng một số thuốc chế phẩm Alkaloid (Atropin, Cafein, Strichnin). Các loại nước hoa quả, nước chua sẽ làm cho một số thuốc kém bền vững trong môi trường acid (như Erythromicin, Ampicillin, Lincomycin) dễ bị phân hủy. Còn các loại rượu, bia làm tăng hấp thu một số thuốc và có thể dẫn đến ngộ độc, chẳng hạn dùng Metronidazol chung với rượu có thể làm rối loạn tâm thần (bị buồn nôn), uống Tetracyclin với sữa làm Tetracyclin không hấp thu vào cơ thể.
Uống thuốc với lượng nước lớn sẽ tạo áp suất lớn làm thuốc lưu lại tại dạ dày trong thời gian ngắn và nhanh chóng được đẩy xuống ruột - nơi hấp thu thuốc tối ưu. Nhiều thí nghiệm khoa học đã cho thấy các loại thuốc như Aspirin, Amoxicillin, Theophylin ở nồng độ loãng sẽ hấp thu nhiều hơn so với nồng độ đặc. Ví dụ uống Amoxicilin với 250ml nước sẽ hấp thu nhanh hơn khi uống với 25ml nước. Đối với thuốc bột, nên hòa tan trong chén nước rồi mới uống để thuốc hấp thu được tối đa. Riêng các cháu nhỏ, với lượng thuốc đã hòa tan trong chén nên cho uống từng thìa để tránh bị nôn, không ép trẻ uống vì sẽ gây cảm giác khó chịu (dễ khóc thét). Khi uống Orezol với gói 27,9g, cần pha đúng một lít nước (không pha ít hơn hay nhiều hơn) để đảm bảo độ hòa tan và lượng muối có trong gói thuốc, giúp thuốc hấp thu nhanh chóng và triệt để. Không dốc cả gói bột Orezol vào miệng khi chưa pha. Đối với các loại viên sủi bọt, nên pha vào cốc cho sủi hết bọt mới dùng, không nên cho thuốc vào miệng chiêu với nước vì sẽ gây khó chịu và ít tác dụng. Một số viên thuốc có cách bào chế riêng và được khuyên nên uống cả viên với nước, không được bẻ ra vì sẽ làm mất tác dụng.
Thuốc uống sau khi ăn sẽ cho tác dụng chậm hơn so với uống lúc đói vì thức ăn làm cản trở sự chuyển hóa thuốc từ dạ dày xuống ruột. Những thuốc dễ kích ứng (như salycilat, corticoid...) thường được uống sau bữa ăn để tránh gây tai biến. Một số thuốc kém bền vững trong môi trường acid (như Erythromycin, Amoxycillin) thường được bào chế dưới dạng viên nhộng tan ở ruột để tránh thuốc bị phân hủy, kém tác dụng.
Nếu không có viên nhộng, nên uống lúc đói vì lúc đó dạ dày ít toan hơn (pH từ 5-6), dạ dày lại rỗng nên thời gian lưu thuốc ngắn và thuốc được chuyển nhanh xuống ruột.
Thức ăn cũng có ảnh hưởng đến một số thuốc, chẳng hạn như bữa ăn có nhiều mỡ sẽ làm tăng hấp thu theophylin, bữa ăn có nhiều carbonhydrat làm giảm hấp thu theophylin.
Dùng thuốc với rượu sẽ làm tăng tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, nhức đầu. Với vitamin E sẽ làm kéo dài thời gian đông máu và tăng rủi ro chảy máu.
Nhiều thuốc thường được khuyên nên uống trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ (Erythromycin, Cefaclor). Các thực phẩm có chứa nhiều calci (sữa, sữa chua) sẽ làm giảm nhanh nồng độ các loại kháng sinh kháng khuẩn (Penicilin, Amoxycilin, Ampicilin).
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI UỐNG THUỐC
Muốn điều trị có kết quả, chúng ta cần uống đúng thuốc, đúng liều (1 lần và 24 giờ), đủ liều (trong một đợt điều trị). Không tự động tăng cũng như giảm liều nếu không có chỉ định của thầy thuốc. Các lần uống thuốc nên cách nhau từ 2-6 giờ. Việc xác định liều thuốc đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (nhất là người mắc bệnh gan, thận) cần hết sức thận trọng.
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ trong tháng, do thận lọc kém hiệu quả nên nguy cơ ngộ độc thuốc gia tăng, các hệ thống thải chất độc chưa hoàn chỉnh nên quá trình thải trừ chậm và dễ gây tai biến. Liều dùng thuốc tính theo mg/kg được điều chỉnh theo tuổi, theo tình trạng bệnh nhi và từng loại thuốc. Nên hạn chế tiêm bắp vì gây đau cho trẻ. Khi dùng thuốc dài ngày, nên dùng các loại thuốc không có đường. Không nên hòa thuốc vào sữa cho trẻ uống vì có thể thuốc tương tác với sữa và trẻ có thể uống thuốc không đủ liều nếu không uống hết sữa.
Thời kỳ mang thai: Cần được lưu ý đặc biệt vì không có loại thuốc nào an toàn 100%. Trong thời kỳ mang thai, nên hạn chế dùng thuốc, chỉ dùng các loại thuốc đã được sử dụng rộng rãi, được thầy thuốc cân nhắc giữa lợi ích chữa bệnh cho người mẹ và nguy cơ đối với thai nhi; thường dùng liều thấp có hiệu quả cho người mang thai.
Ngày thứ 70 của thai kỳ là giai đoạn có thể gây khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi, vì vậy cần lưu ý việc dùng thuốc trong giai đoạn này.
Thời kỳ cho con bú: Hầu hết các thuốc người mẹ dùng đều bài tiết qua sữa ở một mức nào đó. Khi lượng thuốc vào sữa đủ lớn, thuốc sẽ có tác dụng đến thai. Sau khi cân nhắc nếu người mẹ phải dùng thuốc thì có thể ngừng cho con bú. Nếu là các loại thuốc thông thường thì sau khi cho con bú mới được uống để cho trẻ ít tiếp xúc với thuốc. Những loại thuốc dùng an toàn cho trẻ thì cũng an toàn cho người mẹ đang cho con bú.
Khi uống thuốc, nếu xảy ra các hiện tượng như ban đỏ, tróc vảy, nổi mề đay, tiêu chảy hay các hiện tượng khác thì nên ngừng thuốc và báo với bác sĩ. Nếu gặp phản ứng dị ứng nặng sẽ rất dễ dẫn đến tử vong, đòi hỏi người bệnh cần phải được điều trị đúng và nhanh. Bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ khi gặp một số tác nhân như thức ăn (trứng, cá, sữa bò), một số thuốc (sản phẩm máu, kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, chế phẩm sắt dùng theo đường tiêm) hoặc tạng người có dị ứng đặc biệt. Dị ứng có thể xuất hiện nhanh trong vài phút (cần phải cấp cứu) hoặc muộn. Cần lưu ý những trường hợp nặng như phù thanh quản, co thắt phế quản và mời thầy thuốc đến xử lý kịp thời.
Để tránh các tác dụng phụ khi dùng thuốc cần lưu ý:
1. Phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng thuốc, chỉ nên dùng các thuốc khi thật cần thiết. Tránh dùng nhiều thuốc cùng một lúc. Nên báo cho bác sĩ biết các loại thuốc hay gây dị ứng.
2. Người cao tuổi, người bị bệnh gan, thận cần dùng thuốc ở liều thấp hơn liều trung bình.
3. Trước khi dùng thuốc, cần hỏi ý kiến thầy thuốc về cách dùng, liều dùng, những điều cần tránh, các triệu chứng của những phản ứng phụ để điều trị kịp thời.
Chú thích ảnh: Hình ảnh một công đoạn nghiên cứu bào chế thuốc.