Chất chống nghẹt mũi trong thuốc cảm có thể gây nguy hiểm

Nên thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào.

Gần đây, một số người bị sốc sau khi dùng thuốc cảm có phenylpropanolamin, như Rhumenol D500. Bộ Y tế cho biết, chất này có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não nên các biệt dược chứa nó đã bị ngừng cấp số đăng ký từ năm ngoái.

Tại Việt Nam, phenylpropanolamin (PPA) được sử dụng trong các loại thuốc cảm cúm với mục đích chữa triệu chứng nghẹt mũi. Trong mấy năm gần đây, Cục Quản lý dược đã nhận được báo cáo về một số trường hợp có phản ứng không mong muốn sau khi dùng chất này. Ngoài các trường hợp bị sốc, tăng mạnh huyết áp... được ghi nhận tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai còn có những ca bị nổi mề đay, phù (toàn thân hoặc mi mắt, miệng), đỏ da... tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM. Nhiều người trong số họ chỉ dùng đúng liều hướng dẫn và trước đó không có vấn đề gì về tim mạch hay nội tiết.

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý dược Cao Minh Quang, cho biết, Cục đã có thông tin về tác hại của PPA từ 4 năm trước. Tháng 11/2000, một nghiên cứu của Đại học Y khoa Yale cho thấy PPA có liên quan đến các ca tai biến mạch máu não (chảy máu não, màng não) ở những người dùng thuốc giảm cân chứa hoạt chất này. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ đã đề nghị các công ty dược phẩm ngừng lưu hành các thuốc giảm cân chứa PPA, đồng thời thông báo cho công chúng về phản ứng phụ của chúng.

Việt Nam chưa cấp phép lưu hành cho thuốc giảm cân chứa PPA. Chất này chỉ được dùng phối hợp trong các biệt dược chữa cảm. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược vẫn ra công văn quy định: không dùng các thuốc chứa PPA vào mục đích giảm cân. Đối với thuốc cảm chứa PPA, tờ hướng dẫn sử dụng phải ghi rõ các chống chỉ định (cao huyết áp, đau thắt ngực, huyết khối mạch vành, cường giáp, tiểu đường, có tiền sử tai biến mạch máu não). Thực tế đã chứng minh động thái này không thừa: nhiều người đã phải cấp cứu sau khi dùng thuốc cảm cúm chứa PPA.

Cũng theo văn bản trên, khi cần sử dụng những thuốc chứa PPA với liều cao hơn 25 mg, bệnh nhân cần có chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Tuy nhiên, các loại thuốc cảm đang phổ biến trên thị trường thường có lượng PPA trong mỗi viên thuốc xấp xỉ hoặc cao hơn con số này (ở Rhumenol D500 là 30mg/viên), trong khi liều hướng dẫn là 1-2 viên. Nếu theo đúng khuyến cáo trên thì ngay cả khi uống một viên, bệnh nhân cũng phải xin chỉ định của bác sĩ; trong khi loại thuốc này lại không nằm trong danh mục kê đơn, bệnh nhân có thể tự mua về dùng. Ít ai nghĩ đến chuyện hỏi bác sĩ vì việc xin chỉ định và hướng dẫn khi dùng liều trên 25 mg không bị buộc ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng.

Bác sĩ Hoàng Thanh Mai, chuyên viên Cục Quản lý dược cho biết, những năm gần đây, trên thế giới có nhiều nước đã ngừng lưu hành sản phẩm chứa PPA hoặc có những hướng dẫn sử dụng một cách hạn chế. Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng thuốc chứa chất này cho đến khi có báo cáo đánh giá đầy đủ về nó. Trước tình hình đó, vào tháng 2/2003, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định không cấp số đăng ký mới hoặc đăng ký lại cho những sản phẩm chứa PPA. Những thuốc đã đăng ký sẽ được phép lưu hành đến khi số đăng ký hết hiệu lực (5 năm).

Bà Mai cũng cho biết, khi nhận được thông tin về các trường hợp bị sốc sau khi dùng thuốc cảm Rhumenol D500 ở Bệnh viện Bạch Mai, Cục đã yêu cầu nhà sản xuất giải trình về việc này và nhận được lời hứa sẽ điều tra để có báo cáo trong thời gian ngắn nhất. Cục cũng đã yêu cầu các đơn vị, nhất là cơ sở điều trị, phát hiện các trường hợp có tác dụng không mong muốn do thuốc cảm chứa PPA và gửi báo cáo về Cục.

Ông Phạm Duệ, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cơ sở này đang tiến hành một nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc cảm cúm chứa PPA. Đây là nhánh của một đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Dự kiến trong năm 2005, nghiên cứu này sẽ hoàn tất.

Thanh Nhàn


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa