Sự hiểu biết về mối nguy hại của thuốc lá còn hạn chế

Mỗi năm có 5 triệu người chết do thuốc lá.

Theo điều tra mới đây của Bộ Y tế, có tới 90% số người hút thuốc ở Việt Nam biết về tác hại lâu dài của thuốc lá, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số họ thực sự muốn bỏ. Ngay cả nhân viên y tế cũng vậy.

Ông Vũ Văn Vũ, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM, cho biết, trong số người hút thuốc lá, chỉ 8% cai thuốc thành công, hầu hết là những người đã mắc trọng bệnh hoặc suy sụp sức khoẻ. Những người khác, đôi khi cũng có dự định cai thuốc nhưng chỉ được vài hôm là nhanh chóng hút lại và còn hút nhiều hơn trước. Dù biết thuốc lá có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chỉ cần thấy khó chịu vì "thiếu hơi khói" là họ tặc lưỡi hút thêm điếu nữa, điếu nữa... cho đến khi tự thừa nhận là không muốn và không thể bỏ thuốc. 

Ông N.G. Hảo, 40 tuổi, thị xã Hà Đông (Hà Tây), một người hút nửa gói thuốc mỗi ngày từ 20 năm nay, nói: "Cả bố tôi và tôi đều hút thuốc với lượng vừa phải, có thấy ai bị ung thư đâu. Mà có mắc bệnh và chết thì cũng phải vài chục năm nữa, ở tuổi ấy thì chết được rồi". Ông Hảo không hề biết rằng, khói thuốc lá mà ông xả ra mỗi ngày có thể đã để lại những mối hoạ tiềm ẩn trong bộ gene, trong từng tế bào của con cháu. Và chứng viêm phế quản ở đứa cháu nội 4 tuổi của ông biết đâu cũng là do thuốc lá?

Hút thuốc lá đang là thói quen của 55% nam giới Việt Nam. Ở nam cán bộ y tế, theo khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ này là 40%. Một điều tra mới đây tại 5 tỉnh thành phố cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nam học sinh là 3-8%, ở thày giáo là 50%. Hơn 40% số thày giáo vẫn có thói quen hút thuốc trong trường học. Phần lớn số người hút thuốc bắt đầu đến với thuốc lá từ thời trẻ (gần 60% hút trước 18 tuổi).

Thanh thiếu niên tập hút thuốc thường do bắt chước hoặc bị bạn bè rủ rê. Bà Phan Thị Hải, nhân viên chương trình Phòng chống thuốc lá Bộ Y tế, cho biết, rất nhiều nam thanh niên nghĩ rằng điếu thuốc trên môi sẽ làm họ trông hấp dẫn và nam tính hơn; việc mời hoặc nhận điếu thuốc từ tay người khác sẽ giúp cho các mối giao tiếp được thuận lợi hơn. Ở nông thôn, trẻ em trai làm quen với thuốc lá từ rất sớm vì được hút thoải mái trong các đám cưới, đám giỗ. Bà Hải kết luận, hành vi hút thuốc ở người Việt Nam tạp nhiễm từ cộng đồng, được nuôi dưỡng và duy trì bởi cộng đồng. Thói quen này cần được thay đổi bằng những chiến lược truyền thông rộng rãi và thường xuyên. Mở rộng khu vực cấm hút thuốc lá và tăng cường độ của lời cảnh báo trên vỏ bao thuốc cũng là các phương pháp hiệu quả.

Theo bà Vũ Thị Bích Ngọc, Viện Kinh tế, giá thuốc lá rẻ là một trong những nguyên nhân tạo ra số người hút thuốc đông đảo ở Việt Nam. Dù thu nhập thấp hay cao, người dân đều có thể tìm được loại thuốc lá phù hợp với khả năng tài chính của mình. Chỉ cần 1.000-2.000 đồng là có thể mua một bao thuốc loại không đầu lọc như Thăng Long, Điện Biên.

Bà Ngọc cho rằng, việc thu thuế thuốc lá theo 3 mức như hiện nay (25% giá bán đối với thuốc nội không đầu lọc, 45% với thuốc đầu lọc sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu trong nước, 65% với thuốc sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu ngoại nhập) đã tạo điều kiện cho người nghèo mua thuốc lá. Mức thuế này cũng còn thấp so với các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá tiến bộ (ở Thái Lan và Australia, thuế bằng 80% giá bán lẻ) và khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (2/3-3/4 giá bán lẻ).

Theo bà Ngọc, chỉ nên thu chung một mức thuế cao cho tất cả các sản phẩm thuốc lá và quy định giá bán lẻ thật cao. Điều này vừa giúp tăng ngân sách vừa giảm được cầu. Giá thuốc lá tăng sẽ làm người chưa hút không bắt đầu hút, người chưa nghiện lắm muốn bỏ và người nghiện hút ít hơn. Các nghiên cứu cho thấy, việc tăng thuế 10% sẽ làm nhu cầu về thuốc lá giảm 4% ở nước thu nhập cao và 8% ở nước thu nhập trung bình, thấp.

Thanh Nhàn


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa