Quen thuốc và nghiện thuốc  
 

Các thuốc an thần rất dễ gây nghiện.

Hai hiện tượng này xảy ra khi người bệnh sử dụng kéo dài một loại thuốc nào đó. Lúc này, bệnh nhân không chỉ gặp nhiều phiền toái do lệ thuộc thuốc mà còn có thể bị suy gan, suy thận do dược chất được đưa vào cơ thể quá nhiều.

Quen thuốc là quá trình thích nghi của cơ thể khi người bệnh sử dụng kéo dài một loại thuốc nào đó. Quá trình này có thể giúp cơ thể vượt qua phản ứng phụ mà vẫn giữ được hiệu quả chữa bệnh của thuốc. Ví dụ, nhiều người dùng thuốc chống trầm cảm kéo dài nhận thấy những phản ứng phụ của thuốc (như khô miệng) mất đi dần trong khi tác dụng chữa bệnh của thuốc vẫn duy trì.

Tuy nhiên, trong điều trị, tính chất quen thuốc cũng làm giảm hiệu quả của một số dược phẩm, khiến bệnh nhân phải dùng liều cao mới đạt được kết quả như mong muốn, điều này làm tăng nguy cơ có tác dụng phụ.

Tình trạng quen thuốc có những biểu hiện:

- Chỉ quen với một số tác dụng của thuốc: Ví dụ, người quen với thuốc morphin thường quen với tác dụng gây khoái cảm và suy giảm hô hấp của thuốc, nhưng không bị quen với tính chất làm sụp mi mắt và gây táo bón.

- Có hiện tượng quen thuốc chéo: Khi người bệnh quen với một dược phẩm nào đó vì đã uống nhiều lần cũng có thể quen với một sản phẩm khác cùng họ.

- Mất quen thuốc nhanh mỗi khi ngừng dùng thuốc: Mỗi khi đã bị quen thuốc nào đó thì thường phải sử dụng nhiều, dài ngày với liều cao mới có tác dụng chữa trị.

Tình trạng quen thuốc khiến cơ thể bị nhiễm chất độc của thuốc, ảnh hưởng tới chức năng của gan và thận; có thể dẫn tới suy gan, suy thận.

Nghiện thuốc, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, là tình trạng cơ thể không hoạt động được bình thường nếu thiếu loại thuốc hoặc dược chất mà nó đã quen. Người bệnh cảm thấy cần phải tiếp tục sử dụng loại thuốc này vì nếu ngưng dùng, họ sẽ thấy khó chịu, thiếu hụt hoặc cảm thấy bệnh có thể đột biến trở lại. Chẳng hạn, người nghiện thuốc nhuận tràng nếu cắt thuốc sẽ bị táo bón nặng hơn; việc cắt thuốc co mạch chữa viêm mũi có thể khiến bệnh tái phát nặng hơn, người nghiện thuốc ngủ nếu không dùng nữa sẽ không tài nào nhắm mắt được... Do đó, người bệnh không nên để mình sa vào tình trạng nghiện một loại thuốc nào đó. 

Một số biểu hiện nghiện thuốc:

Có những biểu hiện tâm thần kinh: Người bệnh có một khoái cảm nhẹ nhàng yên bình hoặc có cảm giác bạo lực.

Có hình thái vật thể của nghiện: Khi bị cắt thuốc, bệnh nhân thấy bồi hồi, bứt rứt mất ngủ, lo âu, hoảng sợ, suy nhược, đôi khi bị ảo giác, rối loạn trong cách cư xử với người khác, rối loạn tiêu hóa (như tăng tiết nước bọt, đi lỏng, nôn, đau bụng), đau đầu, đau cơ, chuột rút, rối loạn vận mạch (mặt khi đỏ khi xanh tái), huyết áp không ổn định, tim đập nhanh, chảy nước mắt, rối loạn nổi da gà.

Một số thuốc dễ gây nghiện:

 - Thuốc kích thích: Chẳng hạn như cocaine, thường được dùng như một yếu tố kích thích thực thể và tâm lý, làm dễ chịu, khoái cảm. Sử dụng qua đường mũi, uống hoặc hít qua phổi hoặc tiêm tĩnh mạch.

- Các chất gây ngủ và an thần: Cần thận trọng khi sử dụng những chất benzodiazepin an thần vì với liều cao, nó gây nghiện, suy giảm hô hấp, dẫn đến chết người.

Để tránh quen thuốc, nghiện thuốc, những người phải chữa bệnh dài ngày nên:

- Kết hợp chặt chẽ với thầy thuốc, cho biết phản ứng của các thứ thuốc đã dùng.

- Tránh tự mua lấy thuốc rồi dùng theo sở thích cá nhân.

- Quyết tâm giữ gìn không để quen thuốc và nghiện thuốc, nên nhớ rằng quen và nghiện thuốc rất có hại cho cơ thể.

- Tránh những thứ thuốc có tác dụng gây khoái cảm nhiều hơn là tác dụng chữa bệnh vì thuốc gây khoái cảm rất dễ bị quen và nghiện.

GS Lê Sĩ Liêm, Sức Khoẻ & Đời Sống


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa