Ngộ độc thuốc cai rượu

Nghe theo lời mách bảo của chị em bạn, nhiều phụ nữ mua thuốc Espéral lén pha vào rượu cho chồng uống để… cai rượu. Kết quả là rượu không cai được mà chồng lại bị ngộ độc phải đi cấp cứu.

Từ lâu, các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu để tìm thuốc chữa nghiện rượu nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra loại thuốc nào hoàn hảo.
Có một chất được cho là giúp cai rượu nhưng thực chất chỉ có tác dụng ngăn chặn sự chuyển hóa và đào thải rượu, khiến người dùng thuốc nếu có uống rượu sẽ bị ngộ độc với nhiều triệu chứng rất khó chịu, từ đó có thể kinh sợ mà không dám uống nữa. Đó là disulfiram với tên biệt dược là Espéral hoặc Antabuse.

Thành phần chính của rượu là cồn etylic (ethanol). Cơ thể xem rượu là chất độc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng nên gan phải làm việc cật lực để chuyển hóa nó thành nhiều chất khác, trong đó có acetaldehyd, trước khi biến nó thành thán khí (CO2) và hơi nước để loại ra khỏi cơ thể. 

Disulfiram có tác dụng ngăn chặn sự chuyển hóa rượu, chỉ cho nó chuyển thành acetaldehyd rồi thôi. Acetaldehid rất độc. Vì vậy, người nào uống rượu sau khi dùng thuốc hoặc đã dùngthuốc mà vẫn tiếp tục uống rượu sẽ bị ngộ độc với các dấu hiệu: tim đập mạnh, mặt bừng đỏ, ói mửa, đổ mồ hôi, hạ huyết áp. Nặng hơn, người bệnh bị trụy mạch, chóng mặt, nhức đầu dữ dội... Chính sự vật vã rất khó chịu này làm người uống rượu cảm thấy ghê sợ và không muốn uống nữa.

Ở nước ngoài, người nghiện rượu thường được điều trị trong bệnh viện và khi dùng disulfiram đều được bác sĩ theo dõi chặt chẽ, vì nếu dùng không đúng có thể gây tai biến trầm trọng. Để trị chứng nghiện rượu, phải dùng thuốc lâu dài (nhằm tạo phản xạ có điều kiện, hễ nhìn thấy rượu là sợ) và bản thân bệnh nhân phải có ý chí, quyết tâm cai. Trước khi chỉ định, bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm để xem người bệnh có thích hợp với thuốc hay không.

Việc chị em tự mua Espéral và lén cho chồng uống là rất nguy hiểm. Họ không biết sử dụng với liều lượng thế nào cho đúng. Quan trọng hơn là người chồng dùng thuốc mà không biết, cứ uống rượu nhiều và dễ bị ngộ độc nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể tử vong. Vì vậy, người vợ nên thuyết phục chồng bỏ rượu; chỉ khi chồng thuận tình và tỏ rõ sự quyết tâm mới tính đến chuyện dùng thuốc cai với sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài disulfiram, một số dược chất khác cũng gây các triệu chứng ngộ độc như trên nếu được dùng cùng với rượu; đó là metronidazol, cloramphenicol, ketoconazol, các thuốc trị bệnh tiểu đường. Vì vậy, cần kiêng rượu trong suốt thời gian điều trị bệnh bằng các thuốc này.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa