BẠN BIẾT GÌ VỀ ĂN UỐNG KHI ĐANG DÙNG THUỐC

BS. VŨ ĐỊNH

Khi dùng thuốc ai cũng muốn nâng sự hiệu nghiệm lên mức cao nhất, và giảm xuống mức thấp nhất những phản ứng phụ. Nhưng nhiều người dùng thuốc thường ăn uống thoải mái, vậy thuốc kết hợp với thức ăn có sự tương tác gì? Khi nào sự tương tác đó có lợi, ngược lại có khi có hại, nhiều người chưa biết.

Trước hết nói về thuốc nằm trong dạ dày lép hay đầy: thức ăn làm thay đổi pH dạ dày, khi đói dạ dày chứa ít dịch, pH rất axít (pH 1,7-1,8), khi no pH tăng đến 3 hoặc hơn nữa tùy thuộc chế độ ăn. Thuốc sẽ thay đổi hấp thu tùy theo pH. Mặt khác, nếu uống thuốc lúc đói thì chỉ 10-30 phút là thuốc qua khỏi dạ dày. Nhưng nếu uống thuốc cùng lúc với ăn no, tốc độ di chuyển thuốc chậm phải mất 1-4 giờ để thuốc cùng thức ăn qua khỏi dạ dày. Vậy nếu ăn no thuốc sẽ tồn lâu ở dạ dày, hậu quả tốt hay xấu là tùy theo thuốc điều trị. Đại để những loại thuốc ít được hấp thu ở dạ dày sẽ làm chậm hấp thu ở ruột. Thuốc nào tạo phức được với những thành phần của thức ăn sẽ giảm mức độ hấp thu thuốc. Thí dụ như thuốc kháng sinh Tetracyclin tạo chelat với ion canxi trong sữa và với các ion magiê, sắt, nhôm, và với các cation hóa trị 2 và 3 khác có trong thức ăn làm giảm tác dụng của thuốc. Một vài dẫn xuất của penicillin cũng sẽ mất hiệu nghiệm nếu ở quá lâu trong môi trường axit của dạ dày.

Những thuốc mà kích thước các hạt có ảnh hưởng tới cường độ hấp thu thì nên uống trong bữa ăn, vì lúc đó dạ dày tăng tiết dịch và khối lượng thức ăn nhào trộn giúp những hạt thuốc được trộn đều. Có thể kể tên một vài loại thuốc như Spironolacton, Griseofulvin (thuốc kháng sinh điều trị các loại nấm ngoài da), Nitrofurantoin (điều trị nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính ở niệu đạo)...

Các thuốc tan mạnh trong dầu mỡ như Sulfamid, Griseofulvin, Phenytoin (điều trị động kinh và các cơn tâm thần vận động), các vitamin A, D, E, K... thì nên uống trong bữa ăn giàu chất béo để được hấp thu tốt hơn.

Những thuốc có tác dụng phụ gây nôn do cơ chế ngoại biên, nếu uống trong lúc no (hoặc uống cùng với sữa) sẽ hạn chế bớt tác dụng không mong muốn này. Nhưng nếu thuốc gây nôn do cơ chế trung ương như Opiat, thuốc chống ung thư thì phải uống xa bữa ăn, và dùng cùng thuốc chống nôn.

Các thuốc corticoid và thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như Aspirin, Indometacin, Profénid... dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, cần uống trong bữa ăn.

Một vài loại thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp (có chất hydrochlorothiazid) chỉ được cơ thể hấp thu ở một đoạn ngắn phần đầu đại tràng - chỉ tại nơi đây thuốc mới thực sự "ngấm" nhiều vào trong cơ thể. Nếu uống thuốc trong lúc đói, thuốc sẽ trôi nhanh qua khúc ruột này và ít được cơ thể hấp thu.

Những thức ăn giàu viatmin K (rau cải, bắp cải, đậu Hà Lan, rau diếp, xà lách, gan lợn...) đối kháng với tác dụng của dẫn xuất coumarin chống đông, vậy cần tránh ăn khi dùng loại thuốc này.

Đặc biệt pho mát và nhiều chế phẩm của sữa chứa nhiều tyramin, nếu dùng cùng với thuốc ức chế giáng hóa Catecholamin (như Imao), hoặc tương tác với thuốc làm tăng giải phóng Catecholamin (như Amphetamin và các thuốc tương tự) có thể gây tăng huyết áp nghiêm trọng mà người ta gọi là "Hội chứng pho mát".

Penicillin, Erytromycin nếu uống đồng thời với ăn hoa quả chua, hoặc nước quả ép trong môi trường axit thuốc sẽ bị giảm tác dụng kháng khuẩn.

Các glucozit chữa bệnh tim, đặc biệt thuốc Lanoxin và Crixgodigin... nếu đồng thời dùng với nước ép mận, cam và thức ăn có nhiều chất xơ, làm giảm mức hấp thu thuốc, tim đập nhanh (hoặc nhịp chậm), khó thở...

Thuốc Quinin điều trị bệnh sốt rét, được hấp thu chủ yếu ở tá tràng và đoạn đầu của ruột non - nơi có độ pH cao. Nếu uống Quinin lại ăn nhiều thức ăn chua (khế, chanh, giấm...), ở môi trường chua tốc độ hấp thu Quinin qua màng ruột bị giảm hạn chế tác dụng của thuốc.

Qua các dẫn liệu trên, khi dùng thuốc ta không nên theo kiểu truyền miệng tự mua thuốc tự chữa bệnh, không cần khám bệnh kê đơn gì cả. Khi cầm đơn thuốc cần hỏi lại thầy thuốc cho rõ thuốc uống vào lúc nào, có cần tránh ăn một vài loại thức ăn nào đó không.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa