NGƯỜI CAO TUỔI VÀ THUỐC CẢM HO

DS. TRƯƠNG TẦT THỌ

Gió sang mùa, thời tiết đổi thay, người cao tuổi thường dễ nhuốm bệnh mà thường gặp nhất là cảm ho, đau nhức mình mẩy. Theo năm tháng, cơ thể bị lão suy, các gốc tự do phát sinh trong quá trình biến dưỡng khiến khả năng dung nạp thuốc lẫn đào thải bị sút kém, đồng thời khả năng tích tụ độc tố trong cơ thể lại tăng lên, nên người cao tuổi được xem là một cơ địa đặc biệt cần thận trọng trong khi dùng thuốc.

MỘT TAI NẠN KHI DÙNG THUỐC THÔNG THƯỜNG

Cụ TTD, 83 tuổi, nặng 22,5kg, thấy trong người vừa nhức đầu, chảy nước mắt vừa đau khắp tay chân. Cô cháu gái lấy một viên Aspirin 500mg cho cụ uống lúc 11 giờ trưa. Khoảng nửa giờ sau đó cụ đau ở dạ dày dữ dội phải đưa đi cấp cứu và nằm viện một tuần. Nguyên nhân là do cô cháu đã cho đúng thuốc về mặt chống đau nhưng lại sai trong chỉ định điều trị. Cụ bị loét dạ dày, lại dùng thuốc lúc bụng đói, khi ấy Aspirin với bản chất bào mòn niêm mạc dạ dày của acid acetyl salycilic đã gây nên xuất huyết bao tử. Như thế từ một viên thuốc chống đau hiệu nghiệm và quen thuộc hàng trăm năm nay, nhưng dùng sai chỉ định trên một cơ thể lão suy là cũng có thể gây nên tai nạn rồi.

ĐIỀU TRỊ HO ĐÂU PHẢI CHỈ DÙNG THUỐC CHỐNG HO

Thói quen dùng thuốc thông thường trong quần chúng, nhất là bà con lao động nghèo, đó là thấy ho thì mua thuốc chống ho, thuốc càng mạnh, uống vào hết ho ngay thì "càng tốt". Nhưng thực ra có đến năm bảy đường ho, nghĩa là có nhiều nguyên nhân gây ho: ho lao, ho suyễn, ho gà, ho do viêm nhiễm đường hô hấp như viêm phế quản cấp tính, sưng màng phổi, ho do nhiễm virus hô hấp, do viêm khí-phế quản, viêm phế quản mãn tính, ho dai dẳng có nguồn gốc từ mũi, hầu, do dị ứng v.v...

Rồi tính chất ho cũng lại khác nhau: ho không lâu kèm sốt, ho từng cơn thở rít, ho khan kèm đau ngực, ho khẽ kèm khó thở, ho buổi sáng hoặc ho thường xuyên, ho có đàm nhớt hoặc ho có đàm máu v.v... Như thế ho là một phản xạ bảo vệ phế quản phổi. Việc sử dụng thuốc ho riêng rẽ là không hợp lý mà trước khi bắt đầu trị liệu ho cần phải tìm nguyên nhân gây ra ho để trị liệu nguồn gốc.

THUỐC HO THÔNG THƯỜNG VÀ CÁC THẬN TRỌNG VỚI NGƯỜI CAO TUỒI

Thuốc giảm ho chứa codein

Thường được kết hợp với những chất làm long đàm cổ điển như sulfogaiacol, cao mềm grindelia, terpin v.v... Codein là alcaloid của thuốc phiện, có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp dẫn đến suy hô hấp do giảm thông khí trung ương. Thuốc có thể dẫn đến nghiện và táo bón. Vì thế với người cao tuổi, nếu hàm lượng viên thuốc ho chứa 25mg/viên thì liều khởi đầu có thể giảm đi một nửa rồi tùy theo sự dung nạp thuốc có thể gia tăng đến 3/4 liều người lớn. Trong thời gian dùng thuốc không nên dùng các loại rượu bia làm tăng thêm tác dụng buồn ngủ và giảm đi sự chú ý. Thuốc không dùng được với những người ho vì hen suyễn cũng như suy hô hấp. Ngoài ra cũng cần nói thêm, thuốc ho Eucalyptyl Le Brun loại tọa dược chứa 20mg codein/viên và viên nang mềm chứa 15mg codein/viên, trong khi Eucalyptyl VN thì không chứa codein.

Thuốc giảm ho chứa dextromethorphan

Thường được kết hợp trong các công thức thuốc giảm ho thông thường và các thuốc trị cảm lạnh bao gồm những chất giảm ho, long đàm, giảm sung huyết, giảm đau và kháng dị ứng để làm giảm xuất tiết chất nhày và giảm chảy nước mắt, nước mũi. Thuốc không gây nghiện tuy cũng thuộc nhóm á phiện, trị ho với tác dụng trung tâm. Những người bị suy hô hấp hoặc ho suyễn không nên dùng. Với người suy gan và người cao tuổi, cần giảm 50% liều lượng dùng lần đầu để xem khả năng dung nạp.

NGƯỜI CAO TUỒI VỚI CẢM VÀ THUỐC TRỊ CẢM

Người cao tuổi dễ bị tác động của sự thay đổi thời tiết, nhất là những lúc giao mùa với những biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp trên, cùng với tình trạng dị ứng thời tiết gây ra: ho, nghẹt mũi, chảy nước mắt nước mũi, khô cổ, rát họng, sốt, nhức đầu, đau nhức mình mẩy, người mỏi mệt. Vì thế thuốc trị cảm thường là sự phối hợp thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng (Xin xem lại SK&ĐS số 48: Trẻ em dùng thuốc cảm ho thế nào cho tốt?).

Kết hợp Paracetamol - Phenylpropanolamine - Chlorpheniramine

Đây là loại thuốc trị cảm hiện nay rất phổ biến. Với Paracetamol, những ai bị bệnh nặng ở gan, thận thì không dùng được và không nên dùng liều cao kéo dài trên hai tuần gây tổn thương gan. Phenylpropanolamine là chất cường giao cảm gián tiếp, nếu dùng dài ngày hoặc lập lại nhiều lần sẽ làm nhanh nhịp tim, tim co bóp mạnh hơn, huyết áp tăng, kích thích thần kinh, xáo trộn thị giác. Việc kết hợp Phenylpropanolamine với chất chống dị ứng cổ điển Chlorpheniramine làm người cao tuổi cần thận trọng khi sử dụng: gây buồn ngủ, không dùng được với người bị huyết áp cao, nhãn áp cao, bí đái, bệnh tim bẩm sinh, làm giảm hiệu lực thuốc trị cao huyết áp, tăng hiệu lực thuốc? tê, mê, nguy hiểm khi uống chung với thuốc kháng viêm giảm đau không steroid như Aspirin, Diclofenac, Indomethacin v.v...

Nhóm thuốc giảm đau thông thường

Quen thuộc nhất là Aspirin với công dụng trị các loại đau nhức thường gặp như nhức đầu, nhức răng, đau dây thần kinh, đau lưng, thấp khớp. Nhưng không dùng được cho người bị loét dạ dày-tá tràng và các trường hợp bệnh xuất huyết. Việc sử dụng rộng rãi Aspirin có liên hệ đến hội chứng Reye với biểu hiện rối loạn tri thức từ nhẹ đến trầm trọng. Hiện nay nhiều nhóm thuốc kháng viêm giảm đau không chứa nội tiết tố steroid (AINS), có công dụng trị đau nhức cơ thể, thường được dùng chung với thuốc cảm và cần thận trọng đối với người cao tuổi, đó là các thuốc thuộc nhóm Ibuprofen, Flurbiprofen, Ketoprofen, Piroxicam, Phenylbutazone, Diclofenac v.v... Đa số các thuốc này đều không dùng được cho những người nghi ngờ hoặc viêm loét tá tràng, bị hen suyễn, hay bị chảy máu, suy chức năng gan thận, cao huyết áp hoặc suy tim. Đây là những thuốc có công dụng trị đau nhức thấp khớp cao nhưng khó dung nạp với người cao tuổi, có nhiều chống chỉ định cũng như tương kỵ với nhiều loại thuốc uống chung. Vì thế không nên tự ý mua dùng mà cần có chỉ định cụ thể của BS điều trị. Điều này cũng tương tự với loại thuốc giảm đau mạnh thường được dùng chung với thuốc cảm, đó là kết hợp Codein-Paracetamol, nhất là với loại chứa 30mg codein/viên.

NGƯỜI CAO TUỒI VỚI BIỆN PHÁP GIẢI CẢM BỒ SUNG

Dùng thuốc là biện pháp cần phải có khi bị bệnh, tuy nhiên trong những chứng cảm ho thông thường, người cao tuổi có thể dùng thêm các biện pháp bổ sung để mau hồi phục sức khỏe. Đó là:

- Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, đầy đủ vitamin và khoáng chất, nhất là các loại rau quả giàu vitamin C sẽ giúp hạn chế được nhưng triệu chứng khó chịu của cảm ho.

- Xông hơi để ra mồ hôi từ từ, tuy nhiên những người cao tuổi có tổng trạng kém, mất nước nhiều thì không nên xông hơi.

- Cạo gió, mát xa để làm nóng cơ thể với các loại dầu làm thông máu huyết để giải trừ cảm lạnh.

Tóm lại, người cao tuổi có sức đề kháng kém đối với sự xâm nhiễm của vi khuẩn cũng như các loại virus, nên dễ bị cảm ho khi thời tiết thay đổi. Và dù chỉ dùng những loại thuốc cảm ho thông thường cũng cần phải thận trọng, để tránh các trường hợp quá liều hay không chịu được thuốc, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe các bậc cao tuổi.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa