BẠN NÊN BIẾT KHI DÙNG NHIỀU LOẠI THUỐC

BS. VŨ ĐỊNH

Một đơn thuốc có đến 5-6 loại thuốc. Người mắc 2-3 loại bệnh, đi khám ở 2 chuyên khoa, mỗi nơi cho 3-4 thứ thuốc. Nhiều thuốc như thế uống cùng một lúc liệu có được không, hay phải uống cách xa nhau.

Nói chung có nhiều loại thuốc có thể uống cùng một lúc được. Nhưng cũng có những loại thuốc nếu dùng cùng một lúc sẽ xảy ra giao hưởng thuốc về mặt hóa học, vật lý học, hay sinh học làm giảm tác dụng, hoặc tăng độc tính của nhau. Để đơn giản, trong bài viết này gọi chung là tương kỵ.

Một số chị em uống viên thuốc tránh thai một cách nghiêm chỉnh nhưng vẫn bị "vỡ kế hoạch" mà không rõ tại sao. Xem xét kỹ thì ra trong những ngày dễ thụ thai đã có dùng Phenobarbital. Các loại thuốc Phenobarbital, Phenytoin (chống động kinh), Rifampicin (thuốc chữa lao và bệnh phong)... làm cho hoạt chất của thuốc chống thụ thai bị tăng nhanh chuyển hóa, làm mất tác dụng tránh thai.

Gentamicin là thuốc kháng sinh quý, nhưng có một số người dùng bị tai biến điếc rất nhanh. Đó là do họ dùng đồng thời với thuốc Furosemid (thuốc điều trị suy tim, suy thận, tăng huyết áp...). Gentamicin và một số kháng sinh khác cùng họ aminosid đều là những chất có cực nên được phân bố đều ở dịch ngoài tế bào. Sự giảm thể tích dịch ngoài tế bào do dùng Furosemid, làm giảm thể tích dịch phân bố cho Gentamicin. Biến đổi trên gây hậu quả là nồng độ Gentamicin ở máu cao lên, tăng nguy cơ tai biến ở thận và tai trong do độc tính của kháng sinh này.

Dùng kháng sinh Penicillin để điều trị bệnh nhiễm khuẩn, nhưng muốn giáng cho vi khuẩn "một đòn chí mạng" bèn phối hợp kháng sinh Cloramphenicon, song hiệu quả lại không như mong muốn. Penicillin (và các kháng sinh nhóm bêta - lactamin) nếu dùng cùng với Cloramphe, hoặc Tetracyclin, Sunfamid sẽ bị hạn chế một phần tác dụng. Bởi lẽ tác dụng của Penicillin là ở pha phân bào của vi khuẩn (bao vây sự tổng hợp vách tế bào vi khuẩn), còn các kháng sinh kia là kìm khuẩn, làm chậm sự phân bào. Kháng sinh Methicillin cũng tương kỵ với kháng sinh Kanamicin, nếu tiêm cùng một lúc đều mất tác dụng kháng khuẩn.

Ngoài mấy trường hợp nói trên, cần chú ý một số thuốc sau đây không nên dùng cùng một lúc:

- Những thuốc tương kỵ về tính axit và bazơ có thể tạo nên muối không hòa tan làm giảm tác dụng của cả hai. Thí dụ vitamin C và Penicillin là những thuốc mang tính axit yếu tương kỵ với natri bicarbonat, Cloroquin... là những thuốc mang tính bazơ.

- Thuốc là protein khi gặp muối kim loại sẽ kết tủa hoặc mất tác dụng.

- Thuốc loại oxy hóa (vitamin C, Penicillin, Tetracyclin...) không dùng chung với thuốc loại khử (như vitamin B2).

- Thuốc chống toan dạ dày làm tăng pH ống tiêu hóa, ngăn cản hấp thu thuốc là axit yếu (Aspirin, Phenylbutazon, Sulfamid, một số barbiturat...).

- Thuốc chống toan dạ dày chứa Ca, Mg, Al hoặc thuốc bổ máu có chứa sắt, nếu uống cùng với Tetracyclin nó sẽ kết hợp với các ion kim loại nói trên tạo ra những phức hợp không tan làm giảm tác dụng của cả hai loại thuốc.

- Thuốc nhuận tràng loại muối (magie sulfat, natri sulfat) làm giảm hấp thu nhiều thuốc, vì thuốc bị tống nhanh khỏi ruột.

- Không dùng Aspirin cùng với Indometacin (thuốc điều trị bệnh khớp), vì Aspirin ức chế thuốc này hấp thu qua ruột.

- Amitriptylin (thuốc chống trầm cảm) nếu dùng đồng thời với Guanetidin và Clonidin sẽ làm mất tác dụng hạ huyết áp của các thuốc này. Amitriptylin nếu dùng cùng một lúc với thuốc Diazepam (an thần...) rất có thể gây ra lú lẫn.

- Thuốc Haloperidol (an thần kinh mạnh) uống cùng với Indometacin sẽ gây buồn ngủ nặng.

- Paracetamol dùng đồng thời với Chlolestyramin (thuốc điều trị tăng cholesterol huyết), thì Paracetamol sẽ bị giảm hấp thu - tác dụng hạ nhiệt, giảm đau của thuốc bị hạn chế.

- Theophylin (điều trị hen phế quản) nếu dùng đồng thời với Carbamazepin (điều trị động kinh), Phenytoin, Rifampicin có thể làm giảm nồng độ theophylin ở máu, tác dụng chữa trị hen bị hạn chế.

- Methotrexat (điều trị ung thư) dùng đồng thời với Aspirin, Phenyllbutazon (điều trị các bệnh khớp) sẽ làm tăng độc tính của Methtrexat.

Bởi tính tương kỵ của thuốc thì nhiều, rất khó nhớ hết, khi kê đơn thuốc chỉ nên cho bệnh nhân dùng những thuốc thực sự cần thiết, càng ít loại thuốc càng hay.

Người bệnh khi cầm đơn thuốc thấy bác sĩ cho nhiều loại thuốc thì cần phải hỏi cho rõ: vì có những loại thuốc không tương kỵ nhau có thể dùng cùng một lúc, nhưng cũng có những thuốc phải uống cách nhau một số giờ...


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa