HÃY COI CHỪNG GENTAMYCIN

BS. NGUYỄN VĂN BÀNG

Gentamycin là một thuốc kháng sinh "con cháu" của Streptomycin nhưng là "hậu sinh khả úy", nghĩa là thuốc có tác dụng tốt trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là những trường hợp nhiễm khuẩn trong bệnh viện, nhiễm trùng máu khi phối hợp với những kháng sinh khác. Nhưng cũng như Streptomycin, Kanamycin và các thuốc thuộc họ aminoglucoside, các thuốc thế hệ mới như gentallin (Gentamycin), amikacin (Amiklin), netilmicin (Netromycin) đều là những thuốc rất độc với thận và đặc biệt độc với tai. Trên thế giới, người ta đã cảnh báo hơn một nửa số trẻ em câm điếc là do dùng các loại thuốc này lúc chưa biết nói.

Vì thuốc loại này chỉ được đào thải qua thận, nếu dùng cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, đây là tuổi mà chức năng thận chưa hoàn chỉnh, thuốc sẽ bị ứ lại trong cơ thể và gây ngộ độc cho nhu mô thận (suy thận sau này), và gây tổn thương không hồi phục tai trong là bộ phận cảm nhận tiếng động, nên trẻ bị điếc vĩnh viễn. Trẻ bị điếc khi chưa biết nói sẽ câm vì không nghe được bất cứ tiếng động nào, nhất là tiếng nói con người để tập nói theo.

Ở các nước tiên tiến, mỗi khi cần dùng đến các loại thuốc này (là loại được chỉ định rất hạn chế và được cân nhắc rất kỹ lưỡng), người thầy thuốc phải lấy máu bệnh nhân để định hướng nồng độ thuốc tồn dư trong máu trước khi tiêm mũi thuốc sau. Nếu nồng độ thuốc còn cao, sẽ phải lùi mũi tiêm sau lại để tránh tổn thương thận và tai.

Ở nước ta hiện nay, không những ở những vùng nông thôn hay vùng núi xa xôi mà ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Gentamycin là một trong những thuốc đầu tay của nhiều thầy thuốc khi người bệnh (mà đại đa số là trẻ nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh) bị ho sốt. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại và phẫn nộ vì hậu quả lâu dài (như suy thận, điếc hay câm điếc) của việc dùng thuốc này không lường được. Những người thầy thuốc được đào tạo đầy đủ và có trách nhiệm với bệnh nhân đều biết đến tác dụng phụ đáng sợ của các loại thuốc này đối với cuộc sống lâu dài của bệnh nhân. Mặt khác, gần một nửa bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do siêu vi trùng (là loại mà kháng sinh không tiêu diệt được) gây ra. Phần còn lại chủ yếu gây nên do các loại vi khuẩn như liên cầu, phế cầu và vi khuẩn gây giả cúm (có tên là Hemophilus influenzae). Trong số những vi khuẩn này, loại chủ yếu gây viêm đường hô hấp là liên cầu và phế cầu lại là những vi khuẩn không bị các thuốc loại Gentamycin tiêu diệt, trong khi đó những thuốc thông thường như Penicillin hay các thuốc cùng nhóm với nó vừa có tác dụng tốt vừa không hoặc rất ít độc. Còn với vi khuẩn gây giả cúm thì có rất nhiều kháng sinh ít độc khác có thể dùng để chữa trị nó. Như vậy, chúng ta có thể thấy là không có lý do gì dùng Gentamycin và các thuốc cùng nhóm với nó để chữa bệnh viêm đường hô hấp, cả ở người lớn lẫn trẻ em. Các thuốc này chỉ được dùng để chữa viêm phổi nặng hay các bệnh nhiễm khuẩn nặng khác khi người bệnh phải nằm viện, và phải được các thầy thuốc chuyên khoa có kinh nghiệm cân nhắc kỹ lưỡng khi dùng, vì chúng ta chưa có điều kiện định lượng nồng độ thuốc trong máu, để tránh tác dụng gây độc của nó như đã nêu trên ở các nước tiên tiến.

Đến nay chúng ta vẫn chưa có con số cụ thể về hậu quả tai hại do việc dùng Gentamycin bừa bãi và thiếu cân nhắc của các thầy thuốc chữa tư, cũng như một số thầy thuốc bất cẩn tại các bệnh viện đối với đời sống, tương lai người bệnh nói chung và các cháu nhỏ nói riêng. Vì vậy, các bậc cha mẹ và gia đình cần lưu ý đến việc dùng thuốc của con mình để tránh những hậu quả tai hại khó lường cho trẻ. Để dễ nhớ, xin nhắc lại rằng: Gentamycin và các thuốc tương tự chỉ được dùng tại các khoa bệnh nặng, do các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định; những bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp thông thường gây ho sốt ở trẻ em (và cả người lớn) đều không có chỉ định dùng những thuốc này.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa