MỌI NGƯỜI NÊN DÙNG MUỐI IỐT

BS. NGUYỄN THỊ KIM HƯNG

Giám đốc TTDDTE

?         Thiếu hụt iốt ảnh hưởng đến năng lực, trí tuệ...

?         Hơn 100 nước trên thế giới đã có luật để toàn dân dùng muối iốt

Toàn dân dùng muối iốt - một quyết định đúng đắn và có hiệu quả, đó là kết luận của cuộc tổng điều tra đánh giá thực trạng các rối loạn thiếu iốt tại nước ta do Chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu iốt (CRLTI) - Bộ Y tế phối hợp với CEMUBAC - Bỉ tiến hành trong tháng 4-5 năm 1998.

Cuộc điều tra tiến hành trên 120 cụm lựa chọn ngẫu nhiên trên tất cả 61 tỉnh thành với đối tượng khảo sát là 5.997 trẻ 8-12 tuổi tại các trường tiểu học trong toàn quốc. Trẻ 8-12 tuổi là quần thể được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới và Ủy hội phòng chống các rối loạn thiếu iốt quốc tế, vì trẻ nhạy cảm với hấp thụ iốt và phản ánh chính xác mức thu nhận iốt trong toàn bộ dân chúng. Dựa vào 2 chỉ số lâm sàng: tỷ lệ bướu cổ (đo bằng siêu âm) và sinh học (lượng muối iốt trong nước tiểu) cho thấy rằng tình trạng rối loạn thiếu iốt có chiều hướng giảm mạnh sau 5 năm thực hiện Chương trình quốc gia vận động toàn dân dùng muối iốt. Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ giảm từ 22,44% xuống 14,9%. Mức iốt niệu trung vị tăng lên 10m g/dl (microgam/decilit) nước tiểu và gần đạt mục tiêu chung. Tỷ lệ thiếu iốt (dựa vào iốt niệu) giảm từ 94% còn 32,9%. Điều đó chứng tỏ Quyết định 481/TTg của Chính phủ về iốt hóa muối toàn bộ là đúng đắn và có hiệu quả.

Tuy nhiên điều đặc biệt đáng lưu tâm qua đợt điều tra này là trong bảy vùng sinh thái trên toàn quốc thì các tỉnh miền Đông Nam bộ và đặc biệt đồng bằng Nam bộ có độ phủ muối iốt thấp nhất: 40-50% và có tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em cao hơn cả miền núi phía Bắc, nơi 100% người dân đã dùng muối iốt trong nhiều năm qua. Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em các tỉnh Đông Nam bộ (kể cả TPHCM) là 14,6% và đồng bằng Nam bộ là 19,2% so với các tỉnh miền núi phía Bắc là 12,9%. Lượng iốt trong nước tiểu của trẻ em khu vực đồng bằng Nam bộ mới đạt 6,6m g/dl trong khi mức cần đạt 10-20m g/dl cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ.

Như vậy, trên toàn quốc và đặc biệt các tỉnh phía Nam vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu iốt và còn một khoảng cách để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống dưới 5%, như một tiêu chuẩn loại trừ các rối loạn thiếu iốt theo Quyết định của Hội đồng sức khỏe thế giới WHA 43.2 và Quyết định của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về trẻ em 9/1990 (mà Việt Nam là một bên ký kết). Hội nghị này đòi hỏi phải loại trừ thực sự các rối loạn thiếu iốt vào năm 2000.

Các rối loạn do thiếu hụt iốt như chúng ta đã biết không phải chỉ là vấn đề bướu cổ ở địa phương mà trước hết và quan trọng là các tổn thương não, ảnh hưởng đến năng lực trí tuệ, sức sáng tạo, khả năng học tập, lao động của cả cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em là các đối tượng nhạy cảm nhất với sự thiếu hụt iốt. Người phụ nữ thiếu iốt ngay trước khi thụ thai và trong những tháng đầu mang thai có thể sinh trẻ đần độn, bị khuyết tật. Thiếu iốt làm tăng tỷ lệ sẩy thai, thai chết lưu... Theo Tổ chức Y tế thế giới thiếu hụt iốt là nguyên nhân chủ yếu gây ra các tổn thương não ở người có thể phòng ngừa được. Do vậy Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF cho rằng việc đảm bảo cho tất cả mọi người đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và cả các bào thai nhận đủ iốt (một vi chất dinh dưỡng) là một quyền cơ bản của con người và tình trạng thiếu hụt iốt có thể phòng ngừa được, bằng một biện pháp dễ thực hiện, hiệu quả cao và an toàn mà chúng ta không làm để cho dù một đứa trẻ sinh ra đần độn thì đó là tội lỗi.

Điều bức xúc này được thể hiện bằng phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh nhân ngày phát động toàn dân dùng muối iốt 2/11/1998 "Việc toàn dân dùng muối iốt là vấn đề hết sức quan trọng. Chương trình phòng chống các rối loạn thiếu iốt đã đạt được các kết quả đáng phấn khởi, tỷ lệ bướu cổ đã giảm rõ rệt. Chủ trương dùng muối iốt là chủ trương cho cả nước không chỉ là miền núi mà cả các vùng đồng bằng đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long. Mong rằng các đồng chí tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chủ trương này đặc biệt là ở những vùng đồng bằng chưa quen cần vận động sao cho đồng bào quen dùng muối iốt thường xuyên. Chương trình phòng chống các rối loạn thiếu iốt không chỉ giải quyết những khó khăn về đời sống vật chất mà còn có ý nghĩa lớn về phát triển dân trí và phát triển nòi giống của đất nước chúng ta".

Hiện nay trên thế giới đã có hơn 100 nước có luật để toàn dân dùng muối iốt. Có nước Úc đã có luật từ năm 1904, còn chúng ta đến cuối thế kỷ mới có luật thì cũng là muộn. Nhưng muộn còn hơn không.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa