THẬN TRỌNG KHI DÙNG
CÁC THUỐC CORTICOIDES
PTS. KIỀU KHẰC ĐÔN
Đại học Dược Hà Nội
Các loại thuốc
corticoides là những thuốc có nguồn gốc nội tiết tố (hormone) của tuyến vỏ
thượng thận. Từ một loại nguyên thủy là cortisone, ngày nay các nhà khoa học
đã tổng hợp được nhiều loại dẫn chất có tác dụng dược lý mạnh gấp nhiều lần
so với "chất mẹ" ban đầu. Ta gọi các "chất con" này là các loại thuốc thuộc
nhóm corticoides. Tác dụng dược lý của chúng được phân loại trong các thuốc
kháng viêm và chống dị ứng mạnh.
Các loại thuốc
corticoides đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều trong điều trị nhiều căn
bệnh khác nhau, đặc biệt là các bệnh thấp khớp, hen suyễn và các bệnh dị ứng
ngoài da. Công hiệu và tác dụng của các loại thuốc corticoides trên thực tế
lâm sàng đã làm cho nhiều bệnh nhân và thầy thuốc rất phấn khởi, chẳng hạn
như các bệnh nhân mắc chứng bệnh hen phế quản (là một căn bệnh khá phổ biến)
sau khi được tiêm một mũi K-cort, cơn hen bị cắt ngay, hiệu quả được duy trì
khá lâu nên thứ thuốc này đã có một thời được mệnh danh là "thần dược". Sự
mê tín loại biệt dược này cả về phía bệnh nhân lẫn thầy thuốc đã dẫn tới sự
lạm dụng thuốc, và trong thực tế đã để lại những hậu quả hết sức đáng tiếc.
Các loại chế phẩm có chứa
corticoides khá đa dạng. Chúng có thể dưới dạng là hormone đơn thuần như một
số biệt dược: Celestone, Cortancyl, Dectancyl, Depersolon, Depo-medrol, Dexa
0,5, Prednisolone, Prednisolut, Diprospan, Hydrocortisone, Kenacort retard,
Lycortin-S, Solu-Cortef, Solu-Medrol, Syncortyl... Corticoides cũng được
điều chế trong các loại dược dành cho chuyên khoa mắt như: Efemoline, Pred
Forte, Pred Mild, FML-Neo, Polydexa Eye Drops, Spersacet C,
Spersadesoline... Các biệt dược có chứa corticoides được dùng trong các bệnh
ở tai ngoài như: Synalar Neomycine, Polydexa Ear drops và dùng ngoài da như:
Diprosone, Flucinol, Flucort, Ftorocort, Locraped, Tempovate, Temprosone,
Cortibion, Diprogenta, Diprosalic, Flucort-N, Halog Neomycine, Mycolog,
Sicroten Plus, Triderm, Celestoderm-V-Cream...
Một số điều cần lưu ý
trong khi sử dụng các chế phẩm có corticoides:
- Không dùng các thuốc
corticoides ở dạng đơn thuần cho những người bị mắc bệnh loét dạ dày tá
tràng, nhất là đang ở giai đoạn tiến triển, vì có thể gây ra tai biến xuất
huyết dạ dày rất nguy hiểm đến tính mạng.
- Không nên dùng các loại
thuốc này cho những người đang mắc các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn, các bệnh
nhiễm nấm, nhiễm virus, bệnh Herpes, Zona có biểu hiện ở mắt, bệnh giãn tĩnh
mạch, bệnh loãng xương tiến triển, những người có tiền sử mắc chứng loạn
thần, bệnh vẩy nến (psoriasis), bệnh Gout, các bệnh viêm gan do các loại
virus A, B, C, E.
- Cần rất thận trọng khi
dùng cho các phụ nữ đang mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu, trẻ em đang ở
độ tuổi tăng trưởng mạnh (tuổi dậy thì), và cho những đối tượng trước và sau
khi tiêm chủng các loại vacxin phòng bệnh.
- Đối với loại biệt dược
Kenacort retard (K-cort) chỉ nên dùng khi có sự chỉ định và theo dõi của bác
sĩ. Khi tiêm cần chú ý tiêm thật sâu vào các vùng có bắp thịt lớn như cơ
mông, cơ đùi. Vì đây là loại thuốc chậm tan, có tác dụng giải phóng hoạt
chất một cách từ từ, lại có tác dụng giảm miễn dịch nên dễ gây ra apxe tại
nơi tiêm nên phải hết sức chú ý khâu vô trùng khi tiêm.
- Các loại corticoides có
thể xảy ra sự tương tác thuốc (drug interation) khi dùng đồng thời với nhiều
loại thuốc khác. Cần thận trọng khi chỉ định các loại corticoides với các
loại thuốc trợ tim glucosides, các thuốc điều trị bệnh tiểu đường, các thuốc
chống đông máu loại gián tiếp, các thuốc ngủ nhóm barbituric, các loại thuốc
lợi tiểu, các loại thuốc nhóm salicylat hoặc các loại kháng sinh điều trị
bệnh lao như Rifampycin.
Tóm lại, các thuốc
corticoides đều là những "con dao hai lưỡi". Chúng có hiệu quả kháng viêm và
chống dị ứng phải nói là "sắc" nhưng lại có những tác dụng phụ và
phản ứng bất lợi không kém phần "bén". Vì vậy cần hết sức thận trọng
khi sử dụng loại thuốc này. Khi có điều gì nghi ngại, cần lập tức hỏi ngay ý
kiến của các thầy thuốc (cả bác sĩ và dược sĩ).