COI CHỪNG DỊ ỨNG THUỐC!

DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Trường Đại học Y dược TPHCM

Mấy chục năm gần đây, với sự phát triển nhảy vọt của nền công nghiệp dược phẩm, thế giới sản xuất ra thuốc chữa bệnh với khối lượng khổng lồ. Các thuốc chữa bệnh này có rất ít là các hợp chất tự nhiên và phần rất lớn là các hóa chất tổng hợp. Mà đã hóa chất tổng hợp thì cơ thể ta rất dễ dàng xem đó là "chất lạ" nếu không nói là "chất độc". Trong một biệt dược, không chỉ có hoạt chất có tác dụng trị liệu mà còn có các chất phụ gọi là tá dược có thể đóng vai trò "chất lạ" đối với cơ thể. Mà hễ là "chất lạ" thì cơ thể là sẽ chống lại, đôi khi có hiệu quả nhưng đôi khi lại hứng chịu hậu quả nặng nề gọi là bị tai biến. Vì vậy, không lấy làm lạ là tai biến do dùng thuốc, đặc biệt là hiện tượng dị ứng thuốc xảy ra ngày càng nhiều trên thế giới.

Về cơ chế của phản ứng dị ứng thuốc, các nhà y dược học đã nghiên cứu rất kỹ và vẫn còn tiếp tục nghiên cứu.

Người ta nhận thấy rằng các chất gây ra phản ứng dị ứng được gọi là kháng nguyên (nghĩa của kháng nguyên là chất làm cho cơ thể ta sinh ra kháng thể để chống lại) thường có bản chất là protein (tức chất đạm) có phân tử lượng cao hoặc là phức hợp "protein kết hợp với chất khác". Thuốc phần lớn không có bản chất protein và có phân tử lượng nhỏ nên chưa phải là kháng nguyên thực sự, lúc này nó được gọi là hapten (có thể hiểu là kháng nguyên không đầy đủ). Chỉ khi nào thuốc được sử dụng đưa vào cơ thể, để chính nó hoặc dẫn chất của nó gắn vào một loại protein của cơ thể thì mới hình thành kháng nguyên thực sự hay kháng nguyên đầy đủ. Khi tiếp xúc với kháng nguyên đầy đủ này, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại. Ở nhiều người thì cuộc chiến giữa kháng nguyên và kháng thể (được gọi là"phản ứng kết hợp kháng nguyên - kháng thể") là hiền hòa không gây rối loạn, nhưng ở một số người được gọi là người dễ bị dị ứng hay người thuộc loại mẫn cảm, phản ứng kết hợp kháng nguyên - kháng thể mãnh liệt. Nó làm cho một loại tế bào bạch cầu gọi là dưỡng bào (mastocytes) bị rối loạn màng và phóng thích ra các chất gọi là chất sinh học trung gian, trong đó có histamin. Bình thường, histamin được sinh ra từ histidin là một acid amin do sự chuyển hóa chất đạm tạo thành, histamin không ở trạng thái tự do mà được giữ trong lòng dưỡng bào dưới dạng các hạt và không gây rối loạn gì cả, chỉ khi phản ứng kết hợp kháng nguyên - kháng thể làm cho dưỡng bào "giải hạt", phóng thích histamin tự do ra và histamin gắn vào thụ thể (receptor) của nó ở khắp cơ thể mới sinh ra phản ứng dị ứng, thể hiện chỗ:

- Trên hệ hô hấp: gây tiết dịch sổ mũi, gây co thắt phế quản đưa đến hen suyễn.

- Trên mạch máu: gây giãn mạch, làm tăng tính thấm mao mạch (giãn mạch nhiều có thể làm hạ huyết áp)

- Trên da: nổi mề đay, ngứa, phù Quinch (cũng do giãn mạch ngoại vi)

- Trên hệ tiêu hóa: tăng tiết acid dịch vị

- Trên mắt: đỏ kết mạc mắt

Có rất nhiều thuốc có thể gây nên dị ứng thuốc. Trước hết phải kể thuốc có bản chất protein, gọi là thuốc tạng liệu, thuốc có nguồn gốc nội tiết tố (hormon), huyết thanh các loại... Một số biệt dược trước đây rất nổi tiếng như campolon, campovit bào chế từ trích tinh gan bò tơ vào những năm cuối thập niên 70 đã bị cấm sản xuất chính vì nguy cơ gây dị ứng.

Trường hợp dị ứng với các kháng sinh thường xảy ra đáng lo ngại là Penicillin - Penicillin là kháng sinh đầu tiên được tìm ra và áp dụng vào điều trị, cũng chính penicillin gây ra "sốc phản vệ" do dùng kháng sinh. "Sốc phản vệ" là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong có thể xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu kịp. Thuốc gây tê cục bộ chẳng có gì mà vẫn có thể gây ra sốc phản vệ, ở ta đã xảy ra trường hợp dùng thuốc Lidocain gây tê cục bộ ở mắt thế mà bệnh nhân tử vong không cứu kịp. Hay mới đây, chỉ nhỏ vài giọt thuốc nhỏ mắt mà có người phải nhập viện gấp vì bị dị ứng toàn thân rất nặng nề.

Điều đáng lưu ý là nhiều thuốc gây dị ứng chéo do cấu trúc hóa học gần giống nhau. Thí dụ như người đã bị dị ứng với Penicillin thì sẽ có nguy cơ bị dị ứng với các kháng sinh cùng họ với Penicillin như: Ampicillin, Amoxicillin... thậm chí bị dị ứng với các kháng sinh thuộc họ cephalosporin.

Nói chung, bởi vì cơ địa mỗi người là một thực thể phức tạp, không thể lường được phản ứng đối với thuốc sẽ ra sao, nên chỉ có thể nói, bất cứ thuốc nào cũng có nguy cơ gây dị ứng - Glafenin (biệt dược: Glifanan, Privadol) xuất hiện từ năm 1965 chứng tỏ khá an toàn trong thời gian dài thế mà trong năm 1992 có nhiều nước, trong đó có nước ta phải loại bỏ Glafenin trong danh sách thuốc được lưu hành vì nguy cơ lớn gây dị ứng, kể cả gây "sốc phản vệ".

Riêng Bactrim với thành phần có chứa 1 loại sulfamid cũng là thuốc rất hay gây dị ứng. Và cũng tùy thể tạng, có người dùng thuốc trong thời gian dài không sao nhưng đến thời điểm nào đó bỗng dưng lại bị dị ứng.

Khi đã hiểu dị ứng thuốc là gì, ta nên triệt để tuân theo nguyên tắc: "chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, tốt nhất là dùng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc". Nếu đang dùng một thứ thuốc mà phát hiện bị ngứa, nổi mẩn đỏ, khó thở, phải lập tức ngưng ngay thuốc đó và báo cho thầy thuốc biết. Người đã có tiền sử dị ứng, đặc biệt là bị hen suyễn, phải thận trọng khi dùng thuốc. Nếu đã phát hiện có biểu hiện dị ứng với một loại thuốc nào thì sau này không được dùng loại thuốc đó nữa và khi đi khám chữa bệnh nên báo cho thầy thuốc biết để thầy thuốc tránh cho dùng, sẽ chỉ định loại thuốc khác thay thế.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa