CÓ NÊN DÙNG THUỐC KHÁNG NẤM CHỨA CORTICOID?

DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

(Ủy viên BCH hội Y dược học TPHCM)

Việt Nam là nước có khí hậu thuộc loại vừa nóng vừa ẩm rất thích hợp cho sự phát triển các loại bệnh nấm. Đặc biệt, các bệnh nấm khu trú ở da và niêm mạc chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số các bệnh ngoài da. Đối với những người trong sinh hoạt thường xuyên ra mồ hôi nhiều, làm việc trong môi trường ẩm ướt (làm ruộng, chế biến thủy hải sản...) khi có thương tổn trên da và niêm mạc, đặc biệt có kèm triệu chứng ngứa, đều có thể có liên quan đến bệnh nấm. Và nếu là bệnh nấm thì thuốc dùng hữu hiệu nhất chính là thuốc kháng nấm. Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng nấm bôi tại chỗ hoặc uống được dùng để điều trị các bệnh nấm ngoài da. Riêng thuốc bôi tại chỗ thường được sử dụng nhiều hiện nay thuộc nhóm Imidazole như: Clotrimazole, Miconazole, Ketoconazole. Thuốc thuộc nhóm này được chọn sử dụng vì phổ kháng nấm rất rộng, có tác dụng với cả nấm men gây bệnh nấm ngoài da và niêm mạc. Một lợi điểm nữa của các thuốc kháng nấm bôi tại chỗ thuộc nhóm Imidazole là số lần bôi trong ngày ít. Thay vì phải bôi 3 - 4 lần trong ngày như một số thuốc kháng nấm loại khác, thuốc thuộc nhóm này chỉ bôi 2 lần trong ngày, đặc biệt như Ketoconazole (Nizoral) chỉ cần bôi 1 lần trong ngày. Về phương diện sử dụng thuốc, thuốc bôi và cả thuốc uống, số lần dùng thuốc trong ngày càng nhiều càng bất tiện, không những thế, càng dễ bị thất bại trong điều trị do quên không theo đúng số lần dùng. Rõ ràng là chỉ cần bôi thuốc 1 lần trong ngày mà lại hết bệnh sẽ làm hài lòng người sử dụng thuốc hơn.

Đa số các thuốc kháng nấm bôi tại chỗ chỉ chứa một hoạt chất là thuốc kháng nấm nhưng hiện nay có xuất hiện loại thuốc kết hợp. Đó là loại thuốc bôi chứa thuốc kháng nấm còn chứa thêm thuốc loại Corticoid. Ta nên lưu ý, các thuốc bôi mặc dù dùng ngoài da nhưng nếu có chứa Corticoid bắt buộc phải dùng thận trọng chứ không thể dùng tùy tiện, dùng kéo dài bất kể thời gian. Thuốc Corticoid có tác dụng chống viêm chống tăng sinh tế bào nên khi dùng ngoài da được dùng trong những trường hợp đặc biệt như bệnh chàm (Eczema), vẩy nến, tổ đỉa, lupus... Đặc biệt, mặc dù dùng ngoài da nhưng Corticoid có thể gây tác dụng phụ tại chỗ khá nặng nề hư: teo da, rạn da, giãn mao mạch, nếu là da mặt sẽ làm nổi mụn trứng cá, đặc biệt là trứng cá đỏ (rosacea). Chính do có thể gây tai biến như thế nên ở các nước tiên tiến muốn dùng thuốc bôi có chứa Corticoid phải có toa của bác sĩ và chỉ bôi thuốc trong vòng 1 tuần (không được quá 8 ngày). Thuốc kháng nấm có chứa thêm Corticoid được dùng trong trường hợp bị nhiễm nấm ngoài da có kèm theo triệu chứng viêm nặng, chỉ dùng khi có toa của bác sĩ, dùng trong vòng 8 ngày, sau đó được khuyên dùng tiếp thuốc kháng nấm đơn thuần. Thuốc bôi kết hợp chứa Corticoid còn được dùng trong trường hợp bị các bệnh ngoài da đòi hỏi phải có tác dụng của Corticoid như các bệnh đặc biệt đã kể ở trên lại có thêm sự bội nhiễm. Vì thế, còn có loại thuốc kháng nấm kết hợp với Corticoid và kháng sinh, tức có đến 3 hoạt chất để chống bội nhiễm nấm và vi khuẩn. Đương nhiên thuốc loại này cũng phải dùng thận trọng như thuốc bôi chứa Corticoid. Trong thời gian qua và hiện nay, do không được thông tin đầy đủ, đã xảy ra tình trạng dùng thuốc bôi chứa Corticoid rất bừa bãi. Thậm chí có người dùng thuốc loại này như mỹ phẩm, bôi lên da mặt như kem dưỡng da (!) Nên lưu ý, thuốc chứa Corticoid bôi lên da mặt trong thời gian đầu có thể làm da có vẻ mịn hơn nhưng sau đó một thời gian sẽ gây tai biến rất nặng nề cho da mặt như đã kể ở trên.

Trong trường hợp bị các bệnh ngoài da do nấm, ta nên dùng thuốc bôi chỉ chứa thuốc kháng nấm. Còn đối với thuốc có chứa thêm Corticoid, tốt nhất nên để bác sĩ chỉ định. Không nên dùng bừa bãi thuốc bôi có chứa Corticoid, đặc biệt là dùng dài ngày.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa