TẠI SAO PHẢI UỐNG THUỐC THEO GIỜ?

DS. TRƯƠNG TẦT THỌ

Trong các loại thuốc trị bệnh, có những thuốc cần uống lúc bụng đói để được hấp thu tốt, có những thuốc cần uống khi bụng no để khỏi gây hại cho dạ dày hoặc cũng có những thuốc cần uống giữa lúc ăn... Vì thế việc uống từng loại thuốc theo từng thời điểm rất cần thiết cho người bệnh, để nâng cao tác dụng trị bệnh đồng thời hạn chế tác dụng phụ gây hại.

THỜI KHẰC TRỊ LIỆU LÀ GÌ?

Từ thập niên 70, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhịp sinh học của các tế bào đã được lập chương trình theo mã di truyền. Từ buổi sáng thức dậy, làm việc, đến tối đi ngủ và trong khi ngủ, nhịp sống của cơ thể không phải lúc nào cũng giống nhau. Có lúc ăn nhiều nhưng không sợ mập vì là thời điểm cơ thể cần tiêu hao năng lượng nhưng cũng có lúc ăn bao nhiêu, năng lượng được dự trữ thành mỡ bấy nhiêu. Hoặc có thời điểm mà lượng chất gây dị ứng (histamin) trong cơ thể được phóng thích nhiều như lúc nửa đêm về sáng khiến con người có cơ địa dị ứng thường dễ bị hắt hơi, nhảy mũi hoặc lên cơn suyễn. Dựa vào nhịp sống ấy của cơ thể mà hiện nay một ngành khoa học mới đang được nghiên cứu và phát triển, đó là ngành "Thời khắc trị liệu" (Chromothérapie) hay nói cách khác, đó là dùng thuốc đúng giờ. Mục đích các công trình nghiên cứu là nhằm xác định loại thuốc nào phát huy tác dụng mạnh nhất trong cơ thể khi uống, chích, đồng thời ít có tác dụng phụ gây hại nhất cho người bệnh. Kết quả sẽ là: dùng thuốc ít, hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân mau lành bệnh và ít bị thuốc hại.

ÁP DỤNG DÙNG THUỐC THEO GIỜ CHO MỘT SỐ BỆNH

Bệnh suyễn

Thường xảy ra về đêm và chiếm 70% trong các ca bệnh suyễn. Việc điều trị cần đến thuốc corticoid dưới dạng uống hoặc dạng phun sương vào buổi sáng, buổi trưa nhưng không dùng vào buổi tối. Ngược lại thuốc trị suyễn théophylline được khuyên dùng vào lúc đi ngủ vì đấy là thời điểm thuốc phát huy tác dụng nhất.

Bệnh thấp khớp

Các loại bệnh thấp khớp khác nhau không diễn biến giống nhau theo các thời điểm trong ngày. Viêm khớp dạng thấp gây cứng khớp và đau đớn, thường xuất hiện vào buổi sáng. Các cơn đau do bệnh Goutte thường diễn tiến về đêm và giảm buổi sáng. Bệnh hư khớp, thoái hóa khớp là một bệnh mãn tính thường diễn ra vào lúc chiều tối, trong khi bệnh viêm cứng khớp sống lại thường diễn ra vào hai thời điểm trong ngày, một vào buổi sáng từ 9-12 giờ và một vào buổi tối ít trầm trọng hơn vào lúc 18-21 giờ. Các bệnh thấp khớp trên thường được điều trị bằng corticoid và dung nạp tốt trong cơ thể vào buổi sáng và buổi trưa.

Bệnh viêm mũi dị ứng

Trong 60% các ca nhảy mũi, chảy nước mũi và nghẹt mũi thường diễn ra vào buổi sáng, vì thế các thuốc chống dị ứng cần được uống vào ban đêm để ngăn ngừa dị ứng vào lúc sáng.

Bệnh cao huyết áp

Thông thường, huyết áp thường giảm vào ban đêm rồi tăng từ từ và cao nhất vào buổi trưa và tiếp tục giữ như thế cho đến chiều tối, rồi hạ dần về đêm. Huyết áp thay đổi tùy thuộc vào việc tiết ra nhiều nội tiết tố như adrenalin. Tùy theo nguyên nhân gây cao huyết áp, người ta sẽ chọn từng loại thuốc ứng với từng thời điểm để có tác dụng tốt nhất làm hạ huyết áp. Nhóm chẹn bêta làm hạ huyết áp trong ngày cần được uống vào buổi sáng điều đó có nghĩa thuốc sẽ giảm tác dụng nếu uống về đêm. Ngược lại nhóm lợi tiểu lại có tác dụng làm hạ huyết áp về đêm.

Bệnh răng

Nếu việc nhổ, trám răng cần đến thuốc tê thì nên đi vào lúc 3 giờ chiều, vì thuốc tê tác dụng tăng lên gấp 3-4 lần so với những thời điểm khác khiến có thể giảm liều thuốc tê.

Bệnh ung thư

Tại BV Paul Brousse (Pháp), việc uống thuốc theo thời điểm sinh học đã được áp dụng từ 1982 trong hóa liệu pháp trị ung thư. Các thuốc trị ung thư thường có nhiều tác dụng phụ, khiến bệnh nhân khó dung nạp vì thế cần chọn thuốc và thời điểm thích hợp để thuốc tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ. Tại hội nghị chuyên đề về "Thời khắc trị liệu" (Chronothérapy) tổ chức tại Paris tháng 9-1997, các nhà khoa học đã nêu lên một trong những hiệu quả điều trị quan trọng nhất đó là việc trị bệnh trong lĩnh vực ung thư. BS Francis Lévi và các cộng sự đã khảo cứu trên 186 bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn tiến triển được điều trị bằng liệu pháp hóa học, với hai loại thuốc Oxaliplatine và Fluoro-Ouracil kết hợp với Acid folinic. Bệnh nhân được chia làm hai nhóm bằng nhau, cùng điều trị liên tục 5 ngày cách khoảng 16 ngày. Nhóm đầu được truyền dịch với lưu lượng không đổi, chia đều trong ngày. Nhóm thứ hai được truyền dịch chính xác vào thời điểm nhất định dựa vào thời điểm sinh học của cơ thể. Kết quả cho thấy:

- Thuốc Oxaliplatine được dung nạp dễ dàng hơn vào lúc xế trưa, trong khi thuốc Fluoro-Ouracil được hấp thu vào cơ thể tốt hơn từ nửa đêm đến 4 giờ sáng.

- 51% bệnh nhân dung nạp thuốc tốt nếu được điều trị theo liệu pháp sinh học so với 29% nếu dùng thuốc trải dài trong ngày. Tác dụng phụ như: ói mửa, đau, tiêu chảy, viêm miệng... cũng giảm đi 5 lần.

Như vậy, việc điều trị nhờ giảm bớt phản ứng độc hại của thuốc nên bệnh nhân có thể chịu đựng được lâu hơn, liều lượng có thể tăng lên để đạt hiệu quả cao mà cơ thể vẫn dung nạp tốt. Nhiều khảo cứu trên ung thư tuyến tụy và ung thư vú cũng cho kết quả khích lệ.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa