NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THUỐC QUA ĐƯỜNG TIÊU HÓA
BS. NGUYỄN ĐĂNG SẢNG
BV Thống Nhất
Hiện nay nhiều người cho rằng: phải chích thuốc mới chóng khỏi bệnh. Tiêm thuốc, vô nước biển như là "mode" trong chữa bệnh. Điều này không phù hợp với thực tế, thậm chí bệnh nhân bị tai biến do thuốc gây ra.
Dùng thuốc qua đường tiêu hóa không những có tác dụng điều trị các bệnh mạn tính mà còn có khả năng cấp cứu mà không cần tiêm. Vì vậy chúng ta nên biết những điều cần biết về thuốc qua đường tiêu hóa.
CÁC ĐƯỜNG VÀO CỦA THUỐC QUA CƠ QUAN TIÊU HÓA
Cơ quan tiêu hóa gồm 2 phần: tạng rỗng bắt đầu từ miệng qua thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, đến hậu môn, tạng đặc gồm gan, lách, tụy. Thuốc tác động đến từng bộ phận và đường vào cũng liên quan đến nó.
Bệnh ở miệng được 2 chuyên khoa chăm sóc: răng hàm mặt và tiêu hóa. Một số thuốc tác dụng ngay tại miệng do ngấm qua niêm mạc vào máu hoặc tác dụng tại chỗ. Ngậm Adalat dưới lưỡi để cấp cứu huyết áp cao. Ngậm Nitroglycerin để chữa bệnh mạch vành. Thuốc bôi miệng Daktarin Oralgel để chữa tưa ở trẻ em. Với bệnh thực quản, người ta tiêm thuốc để làm xơ hóa tĩnh mạch trong bệnh giãn tĩnh mạch gây chảy máu hoặc bơm qua ống thông khi bệnh nhân không ăn uống được.
Đến dạ dày, nhiều thuốc được dùng là các thuốc có tác dụng tại chỗ làm băng niêm mạc như Bismuth, thuốc trung hòa axít như Mylauta, Phosphalugel, các thuốc kháng sinh tiêu diệt vi trùng như Gastrostat.
Ruột non là nơi thuốc ngấm qua thành ruột vào máu để chữa nhiều bệnh khác và có tác dụng toàn thân. Một số thuốc lưu giữ chủ yếu ở ruột, rất ít ngấm qua niêm mạc để chữa bệnh trong ruột như: Fugacar làm liệt hệ thần kinh của giun, Neomycin dùng trong hôn mê gan.
Ruột già ít có khả năng tiêu hóa nhưng khi bị bệnh thuốc tác dụng ở đây là chính. Để chữa táo bón thầy thuốc dùng Igol từ thảo mộc để tăng khối lượng phân. Duphalac là thuốc nhuận tràng rất tốt dùng cho mọi đối tượng người già, trẻ em, bệnh nhân tiểu đường. Nó là một trong các thuốc chính để chữa hôn mê gan.
Người ta dùng thuốc qua đường trực tràng Dafalgan cho người lớn, trẻ em để hạ sốt giảm đau. Các thuốc chữa trĩ có nhiều loại đặt có tác dụng tốt. Đặc biệt khi trẻ em, người lớn uống thuốc để bị nôn mất thuốc, nhà sản xuất chế ra loại Compazine đặt hậu môn rất tiện lợi để chống nôn. Thuốc mỡ như Preparation H, Proctolog rất có tác dụng.
TẠI SAO PHẢI DÙNG THUỐC QUA ĐƯỜNG TIÊU HÓA?
Đây là đường dùng tiện lợi và thông thường nhất, không phải bận rộn tiêm chích và tiết kiệm chi phí. Người bệnh có thể mang theo người tự sử dụng.
Thuốc tác dụng qua đường uống thường chậm vì vậy dễ theo dõi tác dụng ngoài ý muốn, dễ cấp cứu khi ngộ độc. Phương pháp rửa dạ dày để loại trừ thuốc đã cứu khỏi nhiều người mới ngộ độc.
Thuốc có thời gian bán hủy dài (thời gian thuốc còn trong cơ thể 1/2) thường được áp dụng cho đường uống Amlodipine, thuốc ức chế canxi thế hệ mới, có thời gian bán hủy 34 - 58 giờ, cho phép uống 1 viên/ngày có tác dụng kiểm soát huyết áp rất tốt.
Có loại thuốc không có dạng tiêm mà chỉ có dạng uống: Sulfamid chữa đái tháo đường týp 2. Thuốc có thời gian bán hủy ngắn như Daonit rất phù hợp cho người lớn tuổi vì dễ theo dõi và tránh được tác dụng ngoại ý: hạ đường huyết.
Thuốc qua đường uống là phương tiện chính để chữa các bệnh mạn tính, đòi hỏi phải uống dài ngày như thuốc dạ dày, viêm gan mạn, lao phổi. Như vậy thuốc qua đường tiêu hóa có thể sử dụng với các loại tác dụng khác nhau từ cấp cứu đến kéo dài cả ngày đêm.
Với người có tuổi nên dùng thuốc theo đường uống là an toàn nhất. Nếu chưa cần tiêm, chỉ cần uống cũng chữa khỏi bệnh thì chọn thuốc uống là thích hợp. Thuốc uống đã tránh được nhiều tai biến hơn thuốc tiêm, vì vậy chọn cách dùng thuốc hết sức quan trọng cho người mắc nhiều bệnh.
Một số thuốc dùng phụ thuộc bữa ăn vì vậy thuốc uống có liên quan mật thiết. Thuốc tiểu đường uống thường được uống trước khi ăn để nồng độ cao nhất gặp đường huyết cao nhất. Thuốc Prepulsid chữa chứng trào ngược thực quản, thuốc dạ dày Tagamet, Zantac uống trước ăn có tác dụng ngăn ngừa tiết axít. Thuốc kháng sinh uống sau ăn để giảm tác dụng phụ. Aspirin, các thuốc chữa khớp, giảm đau uống sau ăn để giảm nguy cơ đau dạ dày và xuất huyết tiêu hóa.
Thuốc chữa bệnh tiêu hóa phải qua đường tiêu hóa hoặc tác dụng tại chỗ nơi bị bệnh. Thuốc ngậm, nhai thuốc uống, thụt giữ, thuốc đạn có tác dụng khác nhau tùy cách dùng.
CÁC PHƯƠNG PHÁP DÙNG THUỐC
1. Ngậm và nhai thuốc
Để có tác dụng tức thời hoặc thuốc có tác dụng tại khoang miệng, hầu họng, dạng thuốc ngậm thường được sử dụng. Ngậm dưới lưỡi: Adalat, Nitroglycerin có tác dụng sau vài phút có giá trị cấp cứu huyết áp cao, bệnh mạch vành. Một số thuốc tai mũi họng, viêm đường hô hấp trên ngậm trong miệng có tác dụng tại chỗ chống viêm.
Thuốc nhai có tác dụng sớm từ miệng và kéo dài theo ống tiêu hóa ví dụ Gaviscon có tác dụng chữa chứng khó tiêu. Có loại thuốc uống không được nhai là loại thông thường có vỏ bọc như viên nhộng. Một số ít thuốc hạ sốt giảm đau nếu nhai có thể hỏng niêm mạc miệng lưỡi.
2. Loại uống
Để tác dụng tại dạ dày gồm các loại thuốc trung hòa axít: Maalox, Phosphalugel, Gelusi. Để tác dụng tại ruột không bị đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa gồm các thuốc có vỏ bọc để khỏi bị dịch axít phá hủy. Aspirin - pH8 có vỏ bọc để giảm tác dụng phụ tại dạ dày. Subtilis, Ultralevue có tác dụng quân bình vi khuẩn chỉ trong đường ruột. Thuốc nhuận tràng có tác dụng hút nước, tăng khối lượng phân, tăng nhu động ruột đều phải qua đường uống. (Fuctin, Vichchy, Boldolaxin, Duphalac, Bisacodyl, Igol...).
Thuốc uống chữa hầu hết các bệnh ngoài đường tiêu hóa, nhưng lại chuyển hóa nhiều ở gan. Các thuốc gây độc cho gan: thuốc chống lao, Paracetamol liều cao kéo dài, Tagamet phải được chú ý hoặc giảm liều.
THUỐC BƠM QUA ỐNG THÔNG
Khi bệnh nhân bị hôn mê hoặc không ăn uống được phải bơm thuốc qua ống thông mũi, miệng. Thuốc được tán nhỏ hoặc dạng nước. Khi chảy máu dạ dày, bệnh nhân được rửa sạch dịch và máu. Thầy thuốc bơm Phosphalugel liều cao để cấp cứu.
THỤT GIỮ THUỐC VÀ BƠM THUỐC VÀO ĐẠI TRÀNG
Thuốc được thụt giữ để chữa bệnh đại tràng: Smecta, Filatov nhau, Salazopyzin. Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cũng được thụt giữ để nuôi dưỡng bệnh nhân không ăn uống được. Các loại thuốc kèm, thuốc mỡ được bơm vào hậu môn để chữa bệnh trĩ, bệnh hậu môn trực tràng.
Thuốc đạn đặt hậu môn không những chữa được bệnh trĩ mà còn chữa được các bệnh nôn ói, hạ sốt, thấp khớp, chống dị ứng, giảm đau.
NHỮNG ĐIỀU CẨN BIẾT KHI DÙNG THUỐC QUA ĐƯỜNG TIÊU HÓA
1. Phải theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất và dặn dò của thầy thuốc.
Giấy hướng dẫn sử dụng thuốc trong hộp thường được ghi: thuốc uống không được nhai, cần tránh trẻ em, phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ, nếu tăng liều phải hỏi ý kiến bác sĩ, thuốc uống sau ăn hoặc trước ăn, không được dùng khi lái xe hoặc làm việc trên cao...
Bạn nên đọc lời dặn dò này trước khi dùng ở mục "Chú ý" hoặc "Thận trọng khi dùng thuốc". Nếu bác sĩ, người bán thuốc lỡ quên dặn dò, bạn nên hỏi lại.
2. Nếu dùng thuốc uống, thuốc ngậm, thuốc đặt, thuốc bơm có tác dụng chữa khỏi bệnh thì không nên đòi hỏi "chích cho khỏe", "tiêm cho mau lành bệnh". Hiện nay nhiều người thích chích thuốc như một mode trong chữa bệnh.
3. Dùng càng ít thuốc mà chữa khỏi bệnh thì càng tốt vì dùng nhiều thuốc một lúc, một ngày dễ bị phản ứng qua lại lẫn nhau không lường hết được. Các tác dụng ngoại ý cũng không biết do thuốc nào gây ra.
4. Cùng một thứ thuốc, nếu cách dùng khác nhau sẽ có tác dụng khác nhau. Ví dụ Sorbitol uống 2 gói trước ăn sáng có tác dụng nhuận tràng. Nếu uống 2 gói chia 2 lần cách xa nhau có tác dụng chữa bệnh gan mà ít tác dụng nhuận tràng. Adalat nhỏ dưới lưỡi có tác dụng cấp cứu nhưng nếu uống sẽ có tác dụng kéo dài hơn kiểm soát huyết áp.
Cùng một thứ thuốc nhưng nhà sản xuất khác nhau sẽ có tác dụng khác. Ví dụ Losec có cùng tên hóa học Omeprazole với hãng khác nhưng tác dụng chữa lành ổ loét dạ dày tá tràng cao, tác dụng giảm đau tốt.
5. Nếu biết thời gian bán hủy, tác dụng dài hay ngắn của thuốc, bạn sẽ nhận được tác dụng tối ưu và tránh được tác dụng không mong muốn, các tai biến xảy ra. Đặc biệt nếu uống nhiều thuốc hiệp đồng tác dụng, dài ngày dễ bị ngộ độc.
6. Nếu có phản ứng bất thường, dị ứng ngay cả liều điều trị thông thường, với thuốc cùng tên nhưng hãng khác bị khó chịu phải báo ngay cho bác sĩ. Các mẫu, vỏ thuốc đã uống phải được giữ lại nhất là khi ngộ độc để bác sĩ theo dõi và giải độc.
7. Thuốc dùng cho người có tuổi phải giảm liều, dùng càng ít thuốc càng tốt. Người già thường mắc nhiều bệnh thường dùng nhiều thuốc, vì vậy phải chú ý sự tương tác qua lại giữa các thuốc.
8. Thuốc dùng cho trẻ em có dạng và liều lượng riêng biệt, không nên lấy thuốc của người lớn chia nhỏ để dùng cho trẻ em. Nên nhớ "trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại". Thuốc dùng cho phụ nữ có thai cũng được chú ý vì nhiều thuốc gây quái thai và phòng hại cho bào thai.
Thuốc dùng để chữa bệnh nhưng nếu dùng không đúng có thể mắc thêm bệnh do thuốc gây ra, mà thuốc theo đường uống chiếm số lượng lớn nhất.