Những điều nên biết khi dùng kháng sinh
Loại thuốc này chỉ được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn (như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, nhiễm trùng da...) chứ không trị được các bệnh nhiễm virus (như cảm cúm). Việc dùng kháng sinh không đúng bệnh sẽ gây nhờn thuốc.
Trước đây, kháng sinh được sản xuất từ các vi sinh vật như vi nấm. Ngày nay, nó
được bào chế theo phương pháp tổng hợp. Kháng sinh có tác dụng ức chế sự phát
triển hoặc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Nếu sử dụng không đúng, nó sẽ gây
nhiều tác hại khôn lường.
Kháng sinh chống lại vi khuẩn bằng cách làm hư
hại thành phần cấu tạo của chúng như lớp vỏ bảo vệ, màng trao đổi chất... Tuy
nhiên, trong phương diện điều trị, người ta quan tâm đến 2 loại tác dụng: diệt
khuẩn (giết chết vi khuẩn) và kìm khuẩn (chỉ làm cho vi khuẩn ngưng phát triển,
không sinh sản). Loại kìm khuẩn được dùng khi hệ thống miễn dịch còn đủ mạnh để
tiêu diệt vi khuẩn đã bị thuốc làm cho yếu đi. Nếu người bệnh quá yếu thì bắt
buộc phải dùng loại diệt khuẩn. Chỉ có thầy thuốc mới biết kháng sinh nào là
diệt khuẩn và kháng sinh nào là kìm khuẩn, và nên dùng loại nào trong từng
trường hợp cụ thể.
Kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Dị ứng: Nhẹ là nổi mề đay, ban đỏ, ngứa; nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ, gây tử vong.
- Nhiễm độc các cơ quan: Như gây độc đối với gan, thận (tetracyclin, sulfamid), các tế bào máu (cloramphenicol), thần kinh thính giác (streptomycin, gentamycin), xương răng (tetracyclin làm hại răng trẻ em)...
-
Loạn khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy: Đây là tác dụng phụ thường gặp,
đối với trẻ có thể gây mất nước nghiêm trọng hoặc thiếu vitamin.
Việc sử
dụng kháng sinh không đúng (dùng không đủ liều hay thời gian) sẽ dẫn đến tình
trạng đề kháng kháng sinh, không tiêu diệt được hoàn toàn vi khuẩn. Một số còn
sống sót sẽ đề kháng lại kháng sinh đã sử dụng. Kháng sinh đó sẽ không còn tác
dụng ở những lần điều trị sau. Vì vậy, nên dùng kháng sinh theo chỉ định của bác
sĩ điều trị
Đặc biệt, đối với trẻ em, khi nghi ngờ bị bệnh do nhiễm khuẩn,
nên đưa trẻ đến bác sĩ.
Những điều cần tránh:
- Tự
ý sử dụng kháng sinh: Ở nhiều nước trên thế giới, bệnh nhân chỉ có thể mua
kháng sinh ở nhà thuốc khi có đơn của bác sĩ. Ở nước ta, chỉ một số rất ít kháng
sinh được mua không cần đơn. Tuy nhiên, tình trạng tự ý sử dụng kháng sinh vẫn
còn phổ biến. Nhiều kháng sinh thuộc loại rất mới, chỉ dùng hạn chế trong bệnh
viện nhưng lại bị dùng bừa bãi. Xin được nhắc lại, chỉ có bác sĩ điều trị mới đủ
thẩm quyền xác định loại bệnh và loại kháng sinh thích hợp.
- Ngưng
dùng kháng sinh nửa chừng hoặc dùng kéo dài: Thông thường, một số kháng
sinh dùng đủ liều cho cả đợt điều trị phải mất 7-10 ngày, thậm chí có thể kéo
dài hơn tùy theo loại bệnh và tiến triển bệnh. Bệnh nhân phải dùng đúng liều, đủ
thời gian theo đơn thuốc của bác sĩ. Đừng vì thấy bệnh có vẻ đỡ mà ngưng dùng vì
sẽ làm vi khuẩn không bị tiêu diệt hết trỗi dậy. Điều này vừa gây hại cho bản
thân do bệnh tái phát, vừa ảnh hưởng đến cộng đồng vì làm gia tăng sự đề kháng
kháng sinh. Còn việc sử dụng kéo dài có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm.
- Dùng lại kháng sinh đã dùng còn thừa: Rất nhiều loại kháng sinh có
độc tính rất cao khi quá hạn dùng (như Tetracyclin gây độc cho thận).
-
Mách cho người khác dùng kháng sinh khi thấy bệnh na ná giống mình: Có thể
triệu chứng bệnh có vẻ giống nhưng nguyên nhân gây bệnh lại khác nhau. Chẳng
hạn, sốt không phải là triệu chứng của mọi bệnh nhiễm khuẩn. Hơn nữa, một kháng
sinh có thể thích hợp cho người này nhưng lại không thích hợp, thậm chí còn gây
tai biến nặng nề cho người khác.
TS Nguyễn Hữu Đức, Sức Khoẻ & Đời Sống