KHÁNG SINH: CON DAO HAI LƯỠI

DS. TRƯƠNG TẦT THỌ

Thập niên 40, Sulfamid được coi là thuốc "thần" trị các bệnh nhiễm trùng. Cho đến khi Penicillin chào đời mở đầu kỷ nguyên kháng sinh thì từ thập niên 50 trở lại đây nhiều người coi kháng sinh là thần dược trị bá bệnh. Đã có thời chloramphenicol được tin cậy dùng đến mỗi khi... sốt. Và thế là từ đó kháng sinh vừa là bạn chống lại các bệnh nhiễm trùng vừa là cái họa của nền y học tiến bộ.

VI TRÙNG "LỜN" THUỐC KHÁNG SINH NHƯ THẾ NÀO?

Nhiều loại kháng sinh ra đời để đối phó lại hiện tượng đề kháng kháng sinh mà nhân dân thường gọi là "lờn" thuốc. Trong cơ chế cạnh tranh sinh tồn, vi khuẩn đã tìm cách "trị" lại kháng sinh. Thí dụ với kháng sinh nhóm bêta-lactam, vi khuẩn chống lại bằng cách:

- Ngăn cản sự xâm nhập qua thành ngoài của vi khuẩn.

- Tiết ra bêta-lactamase phá hủy bêta-lactam nếu vượt qua được thành ngoài của vi khuẩn, khiến kháng sinh mất hiệu lực.

- Nếu kháng sinh vượt qua được hai hàng rào trên thì vi khuẩn sẽ tạo mục tiêu giả (gọi là PBP giả) cho kháng sinh dánh lầm.

Việc kháng thuốc của vi khuẩn lại được di truyền để tạo ra những chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh bằng cách ngăn cản sự vận chuyển của kháng sinh, biến đổi mục tiêu tác động của kháng sinh hoặc làm mất hoạt tính của kháng sinh bằng phản ứng men.

TẬT, BỆNH DO KHÁNG SINH GÂY RA

Ngoài "lờn" thuốc, việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến tác hại của tác dụng phụ gây ra nhiều bệnh tật cho người dùng. Sau đây là những phản ứng gây hại thường gặp của một số kháng sinh cổ điển thông thường:

- Penicillin, Streptomycin: Nguy hiểm nhất là sốc phản vệ gây tử vong. Đó là lý do vì sao khi chích Peni cũng như Strepto người ta phải thử test. Cũng có thể trường hợp do nhu cầu điều trị cách đây vài thâp niên, Strepto đã được chích trong thời gian dài gây điếc cho bệnh nhân.

- Gentamycine, Kanamycine gây độc hại cho tai và thận.

- Chloramphenicol: Đây là thuốc bị lạm dụng nhiều nhất trong thập niên 50-60, được coi là thần dược trị bệnh thương hàn còn nay thì vi khuẩn đã lờn thuốc. Dùng bừa bãi dễ gây suy tủy, ngộ độc hoặc gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh (Gray syndrome).

- Lincocine: Có thể gây rối loạn tiêu hóa, không dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi vì ảnh hưởng đến sự phát triển của răng.

- Sulfamid: Gây vàng da ở trẻ sơ sinh, hạ bách cầu, tiểu cầu, gây suy tủy và dị ứng da nặng (hội chứng Steven-Johnson).

- Nhóm Cephalosporine (thế hệ 1, 2, 3): Có thể xảy ra phản ứng mẫn cảm gây nguy đến tính mạng, sốt, tiêu chảy, hạ huyết áp...

- Nhóm Quinilone: Rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, gây ảo giác ở người già, không dùng ở phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ đang lớn.

LƯỠI DAO TAI HẠI NHẦT CỦA KHÁNG SINH: TẠO RA NHIỀU BỆNH MỚI

Vi khuẩn Salmone typhi gây bệnh thương hàn giờ đây đã đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh từ chloramphenicol, thiophenicol, đến quinilone mới như Fluoroquinolone. Tương tự ngày nay trên thế giới, bệnh lao kháng thuốc đã trỗi dậy chống lại nhiều loại thuốc trừ lao.

Việc lạm dụng kháng sinh giờ đây đang trở thành nguyên nhân gây ra nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh mới được gọi là căn bệnh của nền y học tiến bộ. Không riêng Việt Nam mà tại nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, tình trạng phát sinh những chủng vi khuẩn đột biến gen đề kháng các thuốc hữu hiệu đã gây ra nhiều bệnh lạ khiến việc sử dụng kháng sinh đòi hỏi phải có sự thận trọng đúng mức để đảm bảo được tính trị liệu cần thiết đồng thời hạn chế tác dụng phụ do thuốc gây ra cũng như tình trạng lạm dụng kháng sinh. Chính vì thế mà kháng sinh là con dao hai lưỡi, không nên tự ý mua dùng mà cần có sự chỉ định của thầy thuốc về chủng loại, liều lượng và thời gian dùng thuốc. Nghĩa là cần tôn trọng nguyên tắc 3 Đ: đúng (thuốc), đủ (liều), đều (thường xuyên có thuốc trong máu).


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa