Việt Nam đã sản xuất được "Viagra" ?
Đã có "Viagra" do chính Việt Nam sản xuất dành cho những đấng nam nhi mắc bệnh liệt dương. Đó là sản phẩm chè tan BTD do Viện Y học Cổ truyền (VYHCT) điều chế. Bệnh nhân đầu tiên được sử dụng thử nghiệm BTD là anh Nguyễn Minh C, 33 tuổi. Anh C lập gia đình từ năm 19 tuổi nhưng chưa có con do mắc chứng liệt dương. Chỉ sau 3 tháng với 3 liều điều trị bằng chè tan BTD, điều kỳ diệu xảy đến khi anh C đã có quan hệ bình thường với vợ và trước Tết Quý Mùi vừa rồi, vợ chồng anh đã chào đón cậu quý tử đầu tiên. Anh C chỉ là một trong số 36 bệnh nhân (trong độ tuổi từ 20 đến 60) được điều trị liệt dương bằng chè tan BTD trong vòng 1 năm qua tại VYHCT. Họ đều là những người đã lập gia đình nhưng không may mắc bệnh "khó nói" của giới đàn ông. PGS-TS Phạm Văn Trịnh, Phó trưởng khoa ngoại, VYHCT, tác giả của bài thuốc chè tan BTD cho biết: "Nhiều nam giới đã uống thuốc Viagra hoặc tiêm thuốc Caveject (thuốc tiêm dương vật). Tuy nhiên, những loại thuốc này có quá nhiều tác dụng phụ cũng như giá bán cao so với túi tiền của nhiều người".
Chè tan BTD được bào chế từ một số loại thảo mộc (nhân sâm, bá kính, nhục thung dung, dương dâm hoắc, rễ sâm cau) có sẵn trong tự nhiên Việt Nam. Chỉ sau 3 đợt điều trị bằng cách dùng chè tan BTD, các "đức ông" có thể "đáp ứng" bất kỳ thời điểm nào nếu cần. Theo ông Trịnh, người bệnh sẽ uống chè tan BTD trong vòng 20 ngày liên tiếp, mỗi ngày 3-4 gói (mỗi gói giá 1000 đồng), sau đó tạm dừng 7 ngày rồi tiếp tục uống liên tục 20 ngày. Cứ như vậy, sau 3 đợt dùng BTD, các bệnh nhân đều thoát ra khỏi nỗi khổ sở vì liệt dương. Kết quả thử nghiệm với 36 bệnh nhân cho thấy chỉ có 2 bệnh nhân không khỏi bệnh.
Việc thử nghiệm thành công chè tan BTD trong chữa trị bệnh liệt dương được xem là kết quả đáng khích lệ của nền y học nước nhà và mở ra hy vọng thay thế BTD cho các loại thuốc như Viagra và Caveject. Viagra rất nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tim mạch.
Hiện nay, chè tan BTD vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ được nghiệm thu vào khoảng tháng 4-2003. PGS - TS Phạm Văn Trịnh cho biết: "Bất cứ bệnh nhân nào có nhu cầu đều có thể tới VYHCT để được điều trị bằng chè tan BTD". Dự kiến nếu được cấp giấy phép lưu hành, chỉ trong vòng 2 năm tới, chè tan BTD sẽ được bán rộng rãi tại các bệnh viện trong cả nước. Mặc dù chè tan BTD không gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm cho cơ thể (ngoại trừ tổn thương nhẹ ở gan trong mức độ cho phép) nhưng các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên quá kỳ vọng vào loại chè này, bởi lẽ chè tan chỉ có tác dụng tốt khi người bệnh đảm bảo cuộc sống sinh hoạt lành mạnh.
Nguồn tin : Tiền phong