Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về viên tránh thai  

Thuốc viên uống là một trong những phương tiện tránh thai được sử dụng phổ biến nhất.

Nhiều phụ nữ băn khoăn về việc có nên dùng viên tránh thai không khi gia đình có người bị ung thư vú. Thực ra, chưa có bằng chứng cho thấy thuốc làm tăng nguy cơ ung thư vú ở những người có thân nhân mắc bệnh này. Một số nghiên cứu cho thấy, viên tránh thai làm ổn định các hoóc môn ở mô vú, giảm nguy cơ ung thư.

Vì vậy, những phụ nữ sống trong gia đình có người bị ung thư vẫn có thể dùng thuốc viên tránh thai nhưng trước đó nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ. Trong quá trình dùng, nên định kỳ kiểm tra sức khỏe để theo dõi tác dụng của thuốc.

Sau đây là một số câu hỏi khác về viên tránh thai:

1. Có thể dùng viên tránh thai lâu dài không?

Không có giới hạn về thời gian cho việc sử dụng viên tránh thai. Một phụ nữ có thể dùng nó an toàn từ khi có đời sống tình dục cho đến khi mãn kinh (với điều kiện không có một yếu tố nguy cơ hay tác dụng phụ lớn nào). Không nên ngừng uống một thời gian nếu bạn vẫn cần dùng viên tránh thai trong tương lai vì như thế, cơ thể sẽ phải điều chỉnh những biến đổi về mặt hoóc môn.

2. Viên tránh thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?

Tác dụng của viên tránh thai sẽ chấm dứt ngay sau khi ngừng thuốc. Khả năng thụ thai phục hồi (nghĩa là lại có phóng noãn) ngay trong chu kỳ kinh sau. Nhiều nghiên cứu cho thấy, loại thuốc này không gây sự biến đổi nào về khả năng thụ thai. Cũng không có bằng chứng nào về việc thuốc gây dị dạng thai hay đa thai.

3. Viên tránh thai có làm cho vú to ra không?

Những hoóc môn trong viên tránh thai (estrogen và progesteron) thường làm tăng kích thước vú. Nhưng cơ quan này sẽ nhỏ lại sau vài chu kỳ kinh hoặc sau khi người phụ nữ ngừng thuốc. Cũng có khi estrogen và progesteron thực sự làm phát triển mô vú, làm cho vú to ra một cách ổn định hơn, ít nhất là cho tới khi ngừng uống thuốc. Vú to ra cũng có thể kèm theo cương đau hoặc dễ đau khi đụng chạm.

Loại thuốc có hàm lượng hoóc môn càng cao thì càng dễ làm tăng kích thước vú. Đó là một trong những lý do khiến bác sĩ chỉ định loại thuốc chứa lượng hoóc môn tối thiểu có thể đảm bảo tác dụng tránh thai.

4. Khi nào nên ngừng uống viên tránh thai?

Đó là khi có các tác dụng phụ nghiêm trọng: đau nhiều, sưng nề cẳng chân (hay bắp chân), nhức đầu nặng, chóng mặt, có cảm giác yếu mệt, tê bì, mờ mắt (hay giảm thị lực nhiều), có vấn đề về giọng nói, đau ngực hay khó thở, đau bụng.

Các hoóc môn trong viên tránh thai có thể gây các tác dụng phụ như: rong huyết (trong 1-2 chu kỳ kinh đầu), giảm khẩu vị, buồn nôn (thường hết sau 3 tháng), nhức đầu, trầm cảm, thay đổi mức độ ham muốn và đáp ứng tình dục, viêm âm đạo, xuất tiết nhiều ở âm đạo, viêm đường tiết niệu, thay đổi về lượng kinh, đau ngực, có vấn đề ở da, viêm lợi, bệnh hen nặng hơn, dễ mắc các bệnh do virus.

Tất cả những tác dụng phụ này thường không nghiêm trọng, nhưng bạn cũng cần báo cho thầy thuốc biết để tìm cách giảm bớt.

5. Những ai không nên dùng viên tránh thai?

Bác sĩ không chỉ định thuốc tránh thai cho các trường hợp sau:

- Bị tắc tĩnh mạch, có bệnh ở mạch máu não hay động mạch vành, túi mật, bệnh van tim nặng, tăng huyết áp từ trung bình đến nặng, nhức đầu có nguyên nhân thực thể, ung thư vú, u gan lành hay ác tính, xơ gan, tiểu đường có biến chứng mạch máu, thiếu máu hồng cầu liềm.

- Có thai hay nghi ngờ có thai.

- Nghiện thuốc lá nặng (trên 20 điếu mỗi ngày) và trên 35 tuổi.

- Chảy máu đường sinh dục bất thường chưa rõ nguyên nhân, nghi ngờ ung thư vú, bệnh gan cấp (như viêm gan nhiễm khuẩn tạm thời).

BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa