THUỐC LÀM RỐI LOẠN HOẠT ĐỘNG TÌNH DỤC

DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Trường ĐHYD TPHCM

Trước hết ta cần ghi nhận có nhiều yếu tố có thể làm cho hoạt động tình dục bị rối loạn. Nhiều rối loạn về mặt thể chất như các bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn nội tiết... thậm chí rối loạn về mặt tâm lý có thể làm cho hoạt động tình dục bị suy giảm hoặc ngưng trệ. Riêng đối với thuốc men, có nhiều loại thuốc trong thời gian sử dụng có thể ảnh hưởng đến hoạt động tình dục. Như có thuốc sử dụng đến lúc, đương sự cảm thấy giảm "libodo", tức giảm sự ham muốn về tình dục. Hoặc có thuốc làm tắt hẳn cuồng nhiệt và gây "bất lực", tức là làm cho người nam không thực hiện được sự "cương cứng" bây giờ gọi là ED (ertile dysfunction), có thuốc lại gây sự "cương đau" (priapism, tức sự cương cứ kéo dài, không chịu "xìu" và gây đau đớn). Có thể làm cho không xuất tinh được hoặc xuất tinh ngược dòng tức chảy ngược vào bàng quang. Đối với người nữ, có thể thuốc làm cho "lãnh cảm" tức không đạt được cực khoái hoặc làm giảm sự trơn nhờn của âm đạo. Đặc biệt, đối với người nam có nhiều thuốc làm ngực nở to có khuynh hướng giống ngực phụ nữ gọi là chứng "vú to ở đàn ông" (gynecomastia) ngực nở to như thế chắc phải ảnh hưởng đến sự "hùng dũng" của người nam. Các tác dụng phụ chẳng ai mong muốn kia tuy không đe dọa tính mạng nhưng rõ ràng làm giảm chất lượng cuộc sống và người ta ghi nhận chúng làm cho người bệnh không thèm hợp tác sử dụng thuốc nữa và không chịu đi tái khám gây nên điều gọi là "thất bại trong điều trị".

Về thuốc có thể gây tình trạng bất lực, người ta thường đề cập 3 nhóm thuốc sau:

1. Thuốc trị cao huyết áp

Để trị cao huyết áp, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc lợi tiểu. Khoảng 5% người bệnh dùng thuốc lợi tiểu: Hydrochlorothiazide, Ethacrynic, Furosemide thông báo là bị bất lực. Còn khoảng 20% người bệnh dùng thuốc Spironolactone cho rằng bị giảm ham muốn. Trong một công trình nghiên cứu, có đến 23% bệnh nhân nam sau khi dùng Chlorotalidone 6 tháng bị khó khăn trong sự cương.

Thuốc trị cao huyết áp Methyldopa làm giảm sự ham muốn tình dục cả hai phái, riêng phái nam có thể gây bất lực và liều dùng càng cao thì tỷ lệ bị càng nhiều. Nếu liều dùng hằng ngày dưới 1g thuốc có khoảng 10 đến 15% bị bất lực, nếu liều từ 1 đến 1,5g có khoảng 20 đến 25% bị, và nếu liều dùng hằng ngày lên đến 2g có khoảng 50% không còn hoạt động bình thường. Các thuốc trị cao huyết áp khác như: Rescrpine, Hydralazine, Propanolol, Clonidine, Guanethidine cũng cho là có thể gây bất lực ở một tỷ lệ nào đó người bệnh.

Riêng Guanethidine còn được cho là có thể gây xuất tinh ngược dòng (retrograde ejaculation) do không làm đóng cơ vòng niệu đạo phía trong. Nhóm thuốc "chẹn kênh calci" như Nifedipine và Diltiazem ít gây tình trạng bất lực nhưng có thể gây chứng "vú to ở đàn ông".

2. Thuốc trị rối loạn tâm thần

Haloperidol có thể gây bất lực ở tỷ lệ 10 đến 20%. Thuốc chống trầm cảm loại ức chế MAO gây bất lực ở tỷ lệ 10 đến 15%. Thuốc chống trầm cảm loại ba vòng như Imipramine, Amtriptyline gây ở tỷ lệ 5%. Nhiều thuốc chống động kinh có thể làm giảm ham muốn tình dục do làm giảm lượng testosterone tự do trong máu xuống.

3. Thuốc an thần giải lo

Các thuốc thuộc nhóm Benzodiazepines như Diazepam có thể gia tăng hoặc giảm thiểu sự ham muốn tình dục tùy theo liều. Nếu dùng liều cao có thể gây bất lực (do tác dụng gây ngủ của thuốc làm sao còn ham muốn được nữa).

Ngoài ba loại thuốc kể trên, có một số thuốc khác lắm khi cũng được cho là gây bất lực hoặc ảnh hưởng đến hoạt động tình dục. Thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng Cimetidine, thuốc hạ cholesterol máu Clofibrate, thuốc trị suy tim Digoxin, ngay như thuốc kháng histamin chống dị ứng Diphenhydramine, thuốc kháng tiết cholin Propantheline thảng hoặc được cho là gây bất lực hoặc làm rối loạn sự cương.

Có khá nhiều thuốc gây chứng "vú to ở đàn ông" như: Finasteride, Flutamide, Ketocomazole, Omeprazole... đã được ghi nhận. Đặc biệt, cần lưu ý chính các thuốc được sử dụng điều trị chứng "nhược dương" của cánh đàn ông lắm khi gây tai biến trên phương diện này. Như tiêm Papaverne vào xoang thể hang dương vật để điều trị bất lực có nguy cơ bị chứng cương đau dương vật (Priapism) theo tỷ lệ 17% (đã khảo sát trên 400 người nam, sự cương kéo dài hơn 3 giờ và phải đưa đi bệnh viện cứu cấp). Không chỉ thuốc tiêm gây tai biến mà thuốc uống loại chống trầm cảm như Trazodone được dùng trị "yếu sinh lý" lắm khi cũng gây cương đau dương vật.

Tóm lại, thuốc ngoài tác dụng điều trị là chính còn có nhiều tác dụng phụ, trong đó có tác dụng phụ làm rối loạn hoạt động tình dục. Ở đây, người dùng thuốc cần tỉnh táo ghi nhận sự kiện này. Như trên đã trình bày, không phải tác dụng phụ làm rối loạn hoạt động tình dục luôn luôn xảy ra. Không phải bất cứ người nam nào sử dụng thuốc Cimetidine đều bị bất lực (nếu quả như thế thì thuốc đã bị rút ra khỏi thị trường từ lâu rồi). Chỉ có một tỷ lệ nhỏ nào đó có nguy cơ. Đặc biệt, sự sử dụng thuốc bừa bãi không đúng và thể trạng người bệnh (như người cao tuổi) góp phần làm tăng tỷ lệ này. Khi đang sử dụng một loại thuốc nào và thấy có rối loạn trong hoạt động tình dục, đừng vội cho ngay đó là do thuốc mà có thể do tình trạng sức khỏe của ta hoặc do nguyên nhân nào khác. Hãy kể cho bác sĩ điều trị biết để xác định nguyên nhân. Nếu thực sự do thuốc, nhà điều trị sẽ không cho sử dụng thuốc đó nữa và thay bằng một loại thuốc khác. Sẽ là người không khôn ngoan trong trường hợp này âm thầm dấu diếm và âm thầm bỏ ngang việc điều trị. Hãy đặt lợi ích của việc điều trị khỏi bệnh lên trên tất cả.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa