Hoàn thành nghiên cứu dùng methadone thay chất gây nghiện
Methadone được dùng dưới dạng dung dịch. |
Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương vừa kết thúc công trình kéo dài 6 năm, tìm hiểu việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về một phương pháp điều trị nghiện ma túy dài hạn. Nó được các nhà chuyên môn đánh giá cao vì tính nghiêm túc.
Theo tiến sĩ Trần Viết Nghị, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn chứng nghiện ma túy. Các liệu pháp điều trị ngắn hạn như cắt cơn, giải độc chỉ mang tính tạm thời, nhằm hỗ trợ người bệnh vượt qua cơn nghiện. Sau khi thoát cơn, những người này cần được điều trị dài hạn (dùng thuốc đối kháng hoặc thay thế) để loại trừ trạng thái thèm trường diễn chất ma túy. Việt Nam mới tập trung nghiên cứu các cách điều trị ngắn hạn, và chưa chú ý đúng mức tới giải pháp dài hạn.
Trước thực trạng tệ nạn nghiện ma túy gia tăng với tốc độ nhanh chóng và đang trở thành một hiểm họa nghiêm trọng của đất nước, nhiều trung tâm cai nghiện đã được thành lập, nhưng kết quả còn hạn chế. Những trung tâm này mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu điều trị, tỷ lệ tái nghiện sau cai rất cao, trung bình trong cả nước là 80-90%, thậm chí ở một số nơi là 100%. Chính vì vậy, năm 1996, lần đầu tiên ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chấp nhận cho Viện Sức khỏe Tâm thần nghiên cứu liệu pháp methadone (LPM).
Methadone là một chất ma túy, được sử dụng để thay thế heroin cho người
nghiện. Nó có ưu điểm: - Hấp thu qua đường uống, bệnh nhân không phải tiêm nên giảm được nguy cơ lây nhiễm HIV. - Thời gian bán hủy là 48 giờ nên chỉ phải dùng 1 lần/ngày. - Thuốc ít gây nghiện hơn ma túy và không đòi hỏi phải tăng liều. |
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Tâm thần, Thư ký khoa học của công trình nghiên cứu, cho VnExpress biết, 51 đối tượng nghiện chất dạng thuốc phiện (như thuốc phiện, heroine) lâu năm đã được áp dụng liệu pháp duy trì methadone. Trong vòng 6-18 tháng, bệnh nhân được uống thuốc hằng ngày tại Viện (có ký sổ), kết hợp tư vấn và làm các liệu pháp tâm lý cần thiết. Xét nghiệm nước tiểu tìm chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp được thực hiên 3 lần/tháng tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công An bằng phương pháp sắc ký.
Các tác giả nhận thấy, LPM kết hợp với tư vấn và liệu pháp tâm lý có nhiều ưu điểm:
- Làm giảm rõ rệt hành vi sử dụng chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp: Tỷ lệ người dùng ma túy hạ từ 100% xuống thành 18% sau 6 tháng và 9% sau 2 năm điều trị.
- Giảm đáng kể số người sử dụng phương thức tiêm chích: Tỷ lệ này là 35% khi bắt đầu nghiên cứu và hạ xuống còn 3,2% sau 1 tháng. Không còn ai tiêm chích sau 18 tháng. Không ai nhiễm HIV trong quá trình nghiên cứu.
- Giảm các phạm pháp trong gia đình (lấy tiền, bán đồ đạc của gia đình, de dọa cưỡng ép người thân...): Tỷ lệ đối tượng sai phạm trên 25 ngày trong một tháng giảm từ 70% trước điều trị xuống còn 5,5% sau 1 tháng, và 0% sau 3 tháng. Tới tháng thứ 5 chỉ còn 2,8% bệnh nhân có sai phạm dưới 20 ngày/tháng.
- Giảm các phạm pháp hình sự ngoài xã hội: Trước điều trị 13 đối tượng có tiền án tiền sự vì hành vi trộm cắp, buôn bán ma túy. Trong suốt quá trình nghiên cứu, chỉ 1 đối tượng bị bắt sau 2 tháng điều trị do buôn bán ma túy.
- Làm giảm rất nhiều số tiền chi cho ma túy bất hợp pháp: Trước nghiên cứu, các đối tượng chi trung bình 300.000 đồng/ngày, sau 2 tháng điều trị, chỉ còn hơn 3% đối tượng mua ma túy với số tiền bằng 10% trước đó và 23% mua với số tiền bằng 1% trước điều trị.
Bác sĩ Tuấn cho biết, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra liều methadone phù hợp với cơ địa của bệnh nhân người Việt Nam: 20-60 mg/ngày. Với liều duy trì này, tác dụng phụ không nhiều và thường là nhẹ, không có biến chứng khi sử dụng lâu dài. Công trình sẽ được Bộ Y tế nghiệm thu vào tháng tư tới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng, biện pháp thay thế methadone sẽ chỉ có hiệu quả nếu các thuốc ma túy khác được quản lý thật tốt.
Kinh nghiệm áp dụng liệu pháp methadone của thế giới Tại các nước trên thế giới, liệu pháp methadone (LPM) rất phổ biến. - Mỹ: Bắt đầu áp dụng rộng rãi vào 1964, trở thành quốc sách từ 1985. 1/4 trong tổng số 600.000 nghiện ma túy tại Mỹ đang được điều trị bằng LPM. - Pháp: Ban đầu, LPM không được hưởng ứng nhiều vì có quan điểm cho rằng không nên thay một cái nghiện này bằng một cái nghiện khác. Đầu năm 1994, mới có 52 cơ sở điều trị theo phương pháp nói trên. Nhưng do số lượng người nhiễm HIV vì tiêm chích ma túy ngày càng tăng nhanh và không có giải pháp nào hữu hiệu bằng methadone nên Bộ Y tế nước này đã kiến nghị thành lập 5.000 cơ sở điều trị cho cả nước. Đến năm 1996, Pháp bắt buộc phải thừa nhận phương pháp này, với số lượng người điều trị lên tới 30.000. - Châu Âu: Đa số các nước đều chấp thuận phương pháp này. LPM chiếm ưu thế tuyệt đối ở Hà Lan. Thống kê năm 1994 cho thấy, tại Thụy Sĩ có 3.000 cơ sở điều trị methadone và ở Đức có 4.000 cơ sở. - Khu vực Tây Thái Bình dương: Hong Kong là nước áp dụng LPM sớm nhất (từ 1972) và đã đạt kết quả lớn hơn so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nhiễm HIV trong số những người nghiện hút cũng thấp nhất. - Australia: Được nâng lên thành quốc sách từ năm 1993. - Trung Quốc: Được áp dụng tại tỉnh Vân Nam từ năm 1991. (Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương) |