Thử nghiệm trà thuốc chữa liệt dương BTD

Nhân sâm - một trong những thành phần của trà thuốc BTD.
Loại trà dược này được Viện Y học Cổ truyền bào chế từ các vị thuốc có tác dụng bổ thận tráng dương trong Đông y như dâm dương hoắc, nhục thung dung... Kết quả điều trị thăm dò tại viện cho thấy, BTD (bổ thận dương) giúp phục hồi khả năng cương cứng ở nam giới mà không gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Tiến sĩ Phạm Văn Trịnh, Phó trưởng khoa Ngoại, tác giả bài thuốc, cho VnExpress biết, ngoài nhục thung dung và dâm dương hoắc, thành phần của BTD còn có nhân sâm, ba kích, rễ sâm cau, đương quy. Các vị này có tác dụng bổ khí huyết, ích tinh, tăng cường gân cốt, từng có mặt trong rất nhiều bài thuốc Đông y chữa liệt dương. Từ những nghiên cứu của Tây y và kiến thức cá nhân về các vị thuốc này (thu được qua kinh nghiệm điều trị và các y thư), ông Trịnh đã tập hợp chúng trong một bài thuốc mới.

Được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Viện Y học cổ truyền đã thử nghiệm BTD trên 32 bệnh nhân (độ tuổi 20-60). Những người này bị liệt dương trong thời gian 1-5 năm với biểu hiện hoàn toàn mất khả năng cương cứng. Bệnh nhân được dùng thuốc với liều lượng 3 gói/ngày, uống liên tục trong 3 tuần rồi nghỉ 1 tuần. Sau 3 đợt điều trị như vậy, họ được yêu cầu trả lời 15 câu hỏi trong bảng IIFF (trắc nghiệm chỉ số chức năng cương cứng của quốc tế). Dựa trên bảng trả lời, kết quả điều trị tại thời điểm đó được đánh giá như sau: 

- 63% đạt loại tốt (phục hồi khả năng sinh hoạt tình dục như bình thường), biểu hiện là có thể cương cứng bất cứ lúc nào ham muốn và duy trì trạng thái này cho đến lúc cả 2 vợ chồng đều đạt được cực khoái.

- 31% trung bình, nghĩa là có lúc cương cứng được, có lúc không.

- 6% không có kết quả.

Theo dõi trong vòng 6 tháng đầu sau khi dùng thuốc, nhóm nghiên cứu nhận thấy, tác dụng của BTD vẫn được duy trì.

Trong thời gian điều trị, một số bệnh nhân bị đầy bụng, tiêu chảy, mất ngủ, buồn nôn, nổi mề đay. Các thử nghiệm trên thỏ trước đó cho thấy, BTD gây tổn thương nhẹ ở tế bào gan (kiểm tra bằng sinh thiết) trong khi kết quả xét nghiệm sinh hóa vẫn bình thường. Tuy nhiên, các xét nghiệm về chức năng gan chưa được thực hiện ở những bệnh nhân kể trên.

Theo tiến sĩ Trịnh, ưu điểm chính của BTD so với thuốc Tây y là chi phí điều trị thấp. Với giá 1.500 đồng/gói, tổng chi phí của 3 đợt điều trị chỉ là gần 300.000 đồng. Trong khi đó, nếu dùng tân dược, chi phí cho mỗi lần giao hợp là 15.000 đồng (Caveject) hoặc 120.000 đồng (Viagra).

BTD có ưu điểm là không gây tình trạng cương quá lâu sau khi giao hợp như Caveject. Loại trà dược này cũng giúp tránh được sự bất tiện thường gặp khi dùng tân dược: phải tiêm hoặc uống thuốc trước khi "vào cuộc" và ngồi chờ thuốc ngấm. Tuy nhiên, ông Trịnh cũng khuyến cáo, BTD không phải là thần dược để nam giới có thể ỷ lại hoàn toàn vào nó. Thuốc sẽ không có tác dụng với những người có chế độ sinh hoạt và lao động thiếu điều độ (nghiện rượu hoặc thuốc lá, làm việc quá lao lực) hoặc thường xuyên căng thẳng về tâm lý.

Tiến sĩ Trịnh cho biết, lộ trình để BTD được sản xuất đại trà và bán rộng rãi trên thị trường vẫn còn dài. Nếu công trình nghiên cứu về loại trà dược này được Bộ Y tế nghiệm thu vào tháng 4 tới, Viện Y học cổ truyền sẽ triển khai nghiên cứu giai đoạn 2. BTD sẽ được thử nghiệm trên ít nhất 50 bệnh nhân và so sánh với nhóm đối chứng nhằm tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng của thuốc. Sau khi giai đoạn này được nghiệm thu, thuốc sẽ được thử nghiệm rộng rãi ở các bệnh viện với ít nhất 100 bệnh nhân. Sau đó, Viện sẽ đề nghị Bộ Y tế cấp phép để sản xuất và lưu hành. Theo ông Trịnh, quá trình này nếu suôn sẻ cũng phải mất 2-3 năm.

Thanh Nhàn


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa