Ngành Dược ở các nước phát triển: Thăm một hiệu thuốc ở Berlin

Tác giả : DS. TRẦN GIỮU

1. Mua thuốc phải có đơn

Hiệu thuốc Bismarck ở số 73 phố Bismarck - 12157 Berlin (Ðức) nằm trên một đường phố lớn, trông rất khang trang với quầy tủ ngăn nắp, đẹp đẽ, diện tích khoảng 30m2 (không kể khu phía sau là kho hàng, nơi làm việc và sinh hoạt của nhân viên). Vào cửa hàng, tôi ngỏ ý muốn mua 10 viên thuốc Amoxilin 0,5g, một phụ nữ bán hàng yêu cầu phải có đơn của bác sĩ. Tôi nói với cô ta, tôi cũng là một dược sĩ, đang bị viêm phế quản, biết cách sử dụng thuốc, mong được mua thuốc để tự chữa bệnh trong những ngày ở đây. Cô nhã nhặn giải thích, cô chỉ được bán các thuốc thông thường như thuốc cảm cúm, vitamin cho những người không có đơn. Cô chỉ tôi đến Bệnh viện Auguste - Victoria cách đó khoảng 400m. Giá bán một viên Amoxillin 0,5g ở đây khoảng 11.000VNÐ, trong khi ở Việt Nam chỉ từ 500-1.000đ/viên. Tôi biết ở Ðức nếu đi khám bệnh thì chi phí rất tốn kém và tiền thuốc cũng rất đắt.

Tôi để mắt quan sát những người Ðức đến mua thuốc, tất cả đều phải đưa đơn thuốc cho người bán hàng. Cô bán hàng chuẩn bị thuốc, tính tiền rồi ghi vào đơn, yêu cầu người nhận đóng thêm một khoản tượng trưng là 1 hoặc 2 Euro tùy theo số lượng thuốc. Người mua ký xác nhận vào đơn thuốc để lưu lại cửa hàng rồi mang thuốc về. Mọi chỉ dẫn đã được cô bán thuốc dặn dò cẩn thận. Họ không quan tâm đến giá thuốc trong đơn là bao nhiêu vì mọi chi phí đã có bảo hiểm chi trả.

2. Bảo hiểm về chữa bệnh

Ðức là một trong những nước có chế độ bảo hiểm xã hội tốt nhất về nhiều mặt, trong đó có bảo hiểm chữa bệnh. Ðại đa số người dân Ðức đều tham gia bảo hiểm. Bởi nếu không có bảo hiểm thì mỗi khi đau ốm, khó có khả năng gánh chịu được các khoản chi phí. Thường 10 người đóng bảo hiểm thì chỉ 1 hoặc 2 người có yêu cầu chữa bệnh, vì vậy người bệnh khi ốm đau được chăm sóc đầy đủ, chu đáo về thuốc men và các dịch vụ. Ở Ðức nếu có đơn thuốc của bác sĩ thì có thể mang đơn tới bất cứ nơi nào, tỉnh nào cũng nhận được thuốc; Vì dù bán ở đâu, hiệu thuốc cũng mang đơn đến thanh toán tại cơ quan bảo hiểm sức khỏe. Mọi người tham gia bảo hiểm, dù đóng nhiều hay ít đều có quyền lợi và được đối xử như nhau...

Nước Ðức có hai loại bảo hiểm: Thứ nhất là bảo hiểm pháp định - loại bảo hiểm bắt buộc của Nhà nước. Ðây là bảo hiểm dành cho những người có thu nhập trung bình như công chức, công nhân, học sinh, sinh viên. Sinh viên đóng khoảng 50 Euro một tháng. Còn công nhân viên chức đóng 15% thu nhập hàng tháng trong đó 7,5% là do cơ quan xí nghiệp trả và 7,5% công nhân viên phải đóng từ tiền lương của mình. Trẻ em ở độ tuổi vị thành viên được hưởng bảo hiểm theo bố mẹ. Những người thất nghiệp hoặc hưởng trợ cấp xã hội thì Nhà nước chi trả tất cả tiền bảo hiểm sức khỏe. Thẻ bảo hiểm giống như một thẻ gọi điện thoại công cộng, khi đến khám tại bất kỳ phòng khám nào, người ta sẽ cho thẻ vào một máy đọc, nối với mạng máy tính, qua đó sẽ biết các thông tin chi tiết về người có thẻ, cũng như thời gian hiệu lực của thẻ.

Một số người có thu nhập cao với mức lương trên 3.450 Euro/tháng như các doanh nhân thì có quyền tham gia loại bảo hiểm thứ hai là bảo hiểm tư nhân. Mức độ đóng tiền tùy theo thu nhập, độ tuổi, yêu cầu của người tham gia và thỏa thuận giữa hai bên. Nếu đóng cao, họ có thể được phục vụ theo yêu cầu, mà ở ta gọi là "chế độ VIP", như được chọn thầy thuốc điều trị hay phẫu thuật, được nằm phòng riêng khi vào viện, đi khám không phải chờ lâu. Phục vụ những đối tượng này, các thầy thuốc và người phục vụ được phép tính công gấp 2, 3 lần những người thường. Ðơn thuốc của người tham gia bảo hiểm tư nhân có màu hồng, mua thuốc rồi cũng về thanh toán với hãng bảo hiểm. Ðơn thuốc màu xanh là của những người tham gia bảo hiểm Nhà nước.

3. Một giá bán thống nhất

Chúng tôi cũng tìm gặp một số bác sĩ và dược sĩ để hỏi thêm về tình hình quản lý thuốc và giá bán thuốc của họ.

Giá bán thuốc trên toàn nước Ðức là như nhau. Giá có thể thay đổi từng quý hay từng nửa năm. Giá thuốc thay đổi được thông báo trên mạng Internet, các hiệu thuốc đều liên kết với mạng này để cập nhật tình hình. Hầu hết các bác sĩ đều có cuốn sách tra cứu thuốc của Ðức tên "Rote Liste", có nghĩa là "Danh mục đỏ". Rote Liste là danh mục các loại thuốc được lưu hành sử dụng trên toàn Liên bang Ðức. Hình dáng tương tự như cuốn Vidal ở ta. Bác sĩ có thể tìm trong sách tên các loại thuốc, mỗi một tên đều được giới thiệu đầy đủ về tính chất và tác dụng. Sau mỗi loại thuốc, dạng thuốc đều ghi giá cụ thể. Thí dụ:

- Thuốc Amoxilin viên 0,5g có 21 loại của 21 hãng thuốc khác nhau, đều có giá một viên là 0,63 Euro (tương đương 11.000VNÐ).

- Thuốc Salbutamol Dosier Aerosol loại 200 liều (Bơm hen Ventolin) của 8 hãng khác nhau. Có 4 hãng bán giá 8,15 Euro. 3 hãng bán giá 9,8 Euro, còn Salbutamol của Glaxo sản xuất tại Ðức giá 9,93 Euro, tương đương 172.000 VNÐ (ở ta giá 65.000đ là hàng của Glaxo sản xuất tại Úc).

Sách do Nhà xuất bản Editio Cantor, chuyên xuất bản sách y học và khoa học tự nhiên phát hành. Chủ biên và chịu trách nhiệm xuất bản gồm:

- Hiệp hội công nghiệp Dược phẩm Liên bang.

- Hiệp hội các nhà nghiên cứu và sản xuất dược phẩm.

- Hiệp hội các nhà sản xuất thuốc theo bản quyền của Ðức (Ghenerika).

Rote Liste 2003 được phát hành tháng 2 năm nay có giá bán là 61 Euro, gồm 1.968 trang giới thiệu 9.449 tên thuốc với 12.189 dạng thuốc sử dụng (Một tên thuốc có nhiều dạng sử dụng như thuốc viên, thuốc tan sủi, thuốc uống, thuốc tiêm), 34.561 giá thuốc (vì có các loại đóng gói khác nhau như hộp thuốc 10, 14, 28, 30 viên...). Số thuốc trên là của 256 hãng dược phẩm, đa số là các hãng của Ðức, một ít thuốc biệt dược của các nước phát triển khác được sản xuất tại Ðức, không thấy có thuốc của Trung Quốc hay các nước châu Á.

Rote Liste còn được xuất bản dưới hình thức CD-Rom. "CD-Rom Win 2003" xuất bản tháng 1/2003 với đầy đủ các trang như đã in thành sách. Giá bán CD-Rom cũng bằng giá bán sách. Vì thu nhập của các thầy thuốc Ðức cao nên việc bỏ tiền mua sách thuốc không thành vấn đề cũng như không có hiện tượng kiếm tiền không chính đáng trên bệnh nhân.

Xin kể lại đôi điều về công việc của các đồng nghiệp Ðức, hy vọng rằng ngành Dược và bảo hiểm của nước ta về tương lai cũng sẽ làm được như họ.

Chú thích ảnh: Một hiệu thuốc ở Berlin (Ðức).

 

 


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa